(GD&TĐ) - Cửa Lò - Thị xã du lịch biển những ngày này sầm uất, đô hội với bao du khách, nhà hàng ken dày và sân gofl hấp dẫn,... Nhưng cạnh đó, vẫn thấp thoáng vẻ lam lũ của anh ngư dân chèo thuyền thúng, sự mệt nhọc từ những đứa trẻ tẩm quất, giác hơi, hay hình ảnh xiêu vẹo của bà cụ ôm cào bước giật lùi trong buổi chiều vàng vọt của cái nắng miền Trung…
Mưu sinh Cửa Lò
Chiều cuối tuần, khi du khách tìm về với Cửa Lò để tránh nóng, bức bối ở đô thị thì cũng là lúc những con người của phố biển này tất bật với mưu sinh. Xuống Cửa Lò lúc mặt trời còn chói chang, chúng tôi tìm vào một quán nhỏ hít thở không khí mặn mòi của biển.
Mới ngồi được vài phút thì hai ba người phụ nữ, da sạm nắng gió bước đến “anh ơi, mua ngô luộc đi anh”; “anh ơi, mua cho em bọc mía”;... Không chèo kéo, nài nỉ kể từ khi thị xã có chủ trương cấm bán hàng rong, các chị phải “lui vào hoạt động bí mật”, vừa bán hàng, vừa canh chừng đội kiểm tra qui tắc.
Chị Nguyễn Thị Ánh (xã Nghi Thu) cho biết: Nhà chị có 7 miệng ăn, cả 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Chồng chị đi xuất khẩu lao động, không may bị tai nạn, chưa kịp gửi tiền về cho vợ trả món nợ lúc ra đi đã phải quay về với thương tật, mất sức lao động. Một mình chị bươn chải nuôi con, nuôi chồng. Sáng sớm, từ 5 giờ, chị chạy đi các chợ vùng bên mua ngô, lạc về luộc, chuẩn bị cho một ngày rong ruổi kiếm tiền đong gạo.
Chiếc xe đạp cọc cạch chở theo chiếc làn đựng ngô luộc, chiếc mủng đựng lạc luộc, chị đi dọc bãi biển bán cho khách du lịch. Trời càng nắng, khách càng đông thì số tiền chị kiếm được cũng khá hơn. Có nhiều hôm, mời lạc cả giọng, đạp xe rệu rã cả chân nhưng bán không hết, thế là cả nhà phải ăn ngô, ăn lạc trừ bữa. Dưới vành nón rộng, mặt đỏ gay vì nắng, chị lại lẫn vào giữa ồn ào của hàng quán….
Biển Cửa Lò |
Trong hàng chục phụ nữ cào nghêu trên bãi biển vào chiều hè nắng gắt, tôi bị “hút” vào hình ảnh bà cụ tóc đã bạc, lưng đã còng, dáng xiêu vẹo đi giật lùi trên cát. Cụ có tên là Nguyễn Thị Trạch, năm nay đã gần 85 tuổi, làm nghề cào nghêu hơn 70 năm nay.
Cụ Trạch sinh ra trong gia đình diêm dân nghèo ở phường Thu Thuỷ, 12 tuổi đã ra đồng làm muối, xuống biển cào nghêu. Người chồng đột ngột ra đi, để lại cho cụ 5 người con, trong đó có một người bị bệnh phong, mất sức lao động hoàn toàn. “Lặn lội thân cò” nuôi con, 3 người con gái lấy chồng xa, đứa con trai út chết vì nghiện, giờ một mình cụ với đứa con mắc trọng bệnh. Để có tiền đong gạo đắp đổi qua ngày, vào cái tuổi gần đất xa trời nhưng cụ vẫn phải vác cào sớm chiều ra biển cào nghêu.
Thật nao lòng nhìn hình ảnh xiêu vẹo của bà cụ ôm cào bước giật lùi trong buổi chiều vàng vọt của cái nắng miền Trung….
Rồi những đứa trẻ miền biển đen nhẻm, tay cầm theo bộ đồ nghề tẩm quất: Một manh chiếu bộ giác hơi thủy tinh; lọ dầu gió Trường Sơn... Chúng đến từng bàn tại các nhà hàng mời khách. Mười hai tuổi, Tuấn cùng đám bạn làm nghề tẩm quất trên bãi biển đã 3 hè nay.
Em cho biết: “Thường thì em ra biển kiếm việc vào buổi chiều tối, khi khách đã tắm biển, ăn nhậu đến khoảng 10 giờ đêm cũng là lúc công việc của em kết thúc. Hôm nào may thì có 4 đến 5 khách, kiếm được khoảng 60.000 đồng đến 70.000 đồng. Số tiền làm trong hè, em dành dụm cũng đủ mua quần áo, đóng học phí, mua sách vở cho năm học mới”.
Làm vệ sinh bãi biển để phục vụ du khách |
Nghề phụ - thu nhập chính
Thú vui về đêm của nhiều du khách ở Cửa Lò là ngồi trên thuyền thúng câu mực. Nhiều ngư dân đã nắm bắt được sở thích này của du khách và nhanh chóng chuyển đổi cách mưu sinh. Chở khách câu mực đêm trên biển đã trở thành “nghề phụ - thu nhập chính” của nhiều ngư dân Cửa Lò. Đầu tư mua một chiếc thuyền thúng, vài bộ câu, sẵn tay chèo đã được rèn luyện nhiều năm là có thể hành nghề.
Anh Nguyễn Văn Hợi, người gắn bó với nghề chèo thuyền chở khách câu mực đêm gần 3 năm nay cho biết: “Vào các mùa khác thì tôi đi biển theo anh em trong khối, trong phường, làm thuê cho các chủ tàu đánh bắt lớn. Mùa du lịch, khách đông, thú câu mực đêm phát triển nên nghỉ đi biển dài ngày để chèo thuyền thúng phục vụ du khách.
Mỗi đêm chở được hai lượt khách cũng kiếm được vài trăm nghìn. Nhưng để kiếm được khoản tiền đó thật không dễ dàng. Gió hơi mạnh là sóng cồn, tôi luôn phải tập trung cao độ để “mát tay chèo”, đảm bảo an toàn cho khách. Dù đã trang bị sẵn áo phao nhưng ít khi khách chịu mặc, bởi vướng víu, không còn thú vị nên “nhà thuyền” luôn nơm nớp lo sợ.
Chiếc thuyền câu bồng bềnh sóng nước; khắc khoải tiếng rao bán hàng của những người phụ nữ; tiếng những đứa trẻ nài nỉ khách “tẩm quất”… là góc khuất nơi phố biển này, trở thành mảnh ghép trong cuộc sống hôm nay ở đây.
Minh Thanh