Góa phụ đen - tiêm kích đánh chặn ban đêm đầu tiên của Mỹ

Dù ra đời muộn trong Thế chiến II nhưng những tiêm kích ban đêm P-61 đầu tiên của Mỹ vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với máy bay Đức và Nhật trên chiến trường.

Góa phụ đen - tiêm kích đánh chặn ban đêm đầu tiên của Mỹ
goa-phu-den-tiem-kich-danh-chan-ban-dem-dau-tien-cua-my

P-61 Góa phụ Đen được nhận xét là một chiến đấu cơ có uy lực vô cùng đáng sợ mà Mỹ sở hữu vào thời kỳ Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia

Trong những năm đầu Thế chiến II, khi các oanh tạc cơ chủ yếu tiến hành không kích về đêm, quân đội cả hai phe phát xít và đồng minh đều cố gắng để tìm cách phát triển các radar nghe lén cùng chiến thuật tác chiến trong đêm để khắc chế lẫn nhau. Nhu cầu dành cho các tiêm kích chuyên hoạt động về đêm cũng nảy sinh từ đây.

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết trên, tháng 12/1941, Mỹ rục rịch cho ra mắt một chiến đấu cơ với thiết kế đặc biệt có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Northrop P-61, hay còn được gọi với cái tên đầy bí hiểm là Góa phụ Đen (Black Widow), đã trở thành chiếc tiêm kích khiến không quân Nhật Bản và Đức khiếp sợ, theo History Net.

Góa phụ Đen, được đặt tên theo một loài nhện độc nguy hiểm, là máy bay quân sự đầu tiên sử dụng radar được Mỹ chế tạo riêng cho nhiệm vụ đánh chặn phi cơ của đối thủ trong đêm.

Chiến đấu cơ này dài khoảng 15 m, sải cánh 20 m, cao hơn 4 m, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 16 tấn với phi hành đoàn từ hai đến ba người, gồm phi công, xạ thủ và người vận hành radar.

Góa phụ Đen có vận tốc tối đa 589 km/h, tầm hoạt động 981 km, nhờ trang bị hai động cơ Pratt & Whitney R-2800-65W Double Wasp, bố trí hình tròn với công suất 2.250 mã lực mỗi chiếc. Nó cũng sở hữu 4 pháo Hispano M2 20 mm dưới bụng, 4 súng máy điều khiển từ xa M2 Browning 12,7 mm và 4 bom nặng gần 726 kg mỗi quả hoặc 6 tên lửa không dẫn đường HVAR.

Năm 1940, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) bắt đầu tìm kiếm một mẫu tiêm kích hoạt động ban đêm mới trang bị radar nghe lén (AI) trên không để đối phó với các cuộc không kích của Đức nhằm vào London. Để thực hiện điều này, RAF đã chỉ thị cho Ủy ban Mua sắm Anh (BPC) đánh giá những mẫu máy bay của Mỹ với các tiêu chí chính là có khả năng hoat động khoảng 8 giờ, mang theo được hệ thống radar mới và trang bị nhiều tháp pháo.

Jack Northrop, nhà thiết kế người Mỹ, sau đó nhận chỉ thị lên ý tưởng cho một chiến đấu cơ ban đêm mới dựa trên các thông số kỹ thuật của Anh. Nguyên mẫu XP-61 của P-61 Góa phụ Đen ra đời từ đây và có chuyến bay đầu tiên vào ngày 26/5/1942. P-61 Góa phụ Đen chính thức được biên chế và trở thành tiêm kích chuyên hoạt động về đêm đầu tiên của Mỹ vào năm 1944.

Trên khoang Góa phụ Đen, phi công và xạ thủ ngồi phía trước máy bay trong khi người điều khiển radar ở vị trí tách biệt phía đuôi để hướng dẫn phi công tiếp cận phi cơ đối phương. Phi công P-61 cũng có thể quan sát thông qua một radar nhỏ đặt tại buồng lái. Tháp pháo trên máy bay được điều khiển từ xa và khóa mục tiêu nhờ sự hỗ trợ của máy tính điều khiển hỏa lực hồi chuyển General Electric GE2CFR12A3. Pháo thủ, người vận hành radar hay thậm chí cả phi công đều có khả năng khai hỏa 4 súng máy 12,7 mm.

Tháng 2/1944, những phi đội P-61 đầu tiên mang số hiệu 422 và 425 được chuyển cho Anh nhưng vấp phải sự phản đối của RAF bởi họ muốn giữ lại các tiêm kích Con muỗi (Mosquito). Nhà chức trách lúc bấy giờ phải tổ chức một cuộc tranh tài giữa hai máy bay và phần thắng nghiêng về Góa phụ Đen. Ngày 16/7/1944, P-61 có chiến tích đầu tiên khi bắn hạ bom bay V-1 Đức, tiền thân của tên lửa hành trình ngày nay.

Cũng vào mùa hè 1944, các đơn vị P-61 bắt đầu tấn công những máy bay có người lái của Đức và giành chiến thắng với tỷ lệ đáng ngưỡng mộ khi không một chiếc nào bị phi cơ Đức bắn rơi. Tháng 12/1944, P-61 được trao nhiệm vụ mới là hỗ trợ phòng thủ thành phố Bastogne, Bỉ, ở Trận Bulge.

Tại mặt trận Thái Bình Dương, các máy bay P-61 được biên chế cho phi đội tiêm kích đêm số 6 ở Guadalcanal vào tháng 6/1944. Nạn nhân đầu tiên của nó là oanh tạc cơ Mitsubishi G4M "Betty" của Nhật Bản. Điều thú vị trong cuộc chạm trán này là mọi thông tin trao đổi giữa phi công lái máy bay và liên lạc viên vô tuyến trên chiếc P-61 đều được truyền trở lại căn cứ để mọi người có thể nghe thấy toàn bộ diễn biến.

Khi đang tuần tra, kiểm soát viên thông báo qua radio phát hiện một máy bay địch đang hướng thẳng tới vị trí của chiếc P-61 do trung úy Dale Haberman điều khiển, anh lập tức giăng bẫy phục kích bằng cách lái máy bay hạ thấp xuống, chờ nó lướt qua và tiếp cận tấn công từ phía sau.

Khi các máy bay Nhật xuất hiện trên màn hình radar, trung úy Ray Mooney, liên lạc viên vô tuyến của Góa phụ Đen, đã yêu cầu Haberman tăng tốc bởi anh phát hiện thêm một mục tiêu mới là chiếc tiêm kích bay sát oanh tạc cơ của Nhật Bản.

Hai máy bay đối phương bay vọt lên ở độ cao hơn 5.000 m mà không hề hay biết tiêm kích đêm của Mỹ đang tiếp cận. Khi khoảng cách giữa hai bên thu hẹp còn khoảng hơn 200 m, Mooney thông báo cho Haberman khai hỏa 4 pháo 20 mm, bắn trúng chiếc oanh tạc cơ Betty, khiến nó lập tức bốc cháy và lao xuống biển. Chiếc tiêm kích hộ tống Mitsubishi A6M5 Zero vội vã bỏ chạy.

"Lúc tôi khai hỏa, oanh tạc cơ địch đáp trả và cố gắng thoát khỏi tầm bắn. Tôi điều khiển máy áp sát và tiếp tục xả đạn cho đến khi cánh phải và động cơ phải của nó bốc cháy rồi bổ nhào xuống. Trong chốc lát, chúng tôi mất dấu vết máy bay địch ở độ cao khoảng 1.800 m bởi nó mất dạng giữa các đám mây và hoàn toàn không thể kiểm soát. Nó không lấy lại được thăng bằng sau cú bổ nhào đó và có lẽ đã vỡ tan khi rơi xuống biển", Haberman nhớ lại.

Dù tham chiến ở thời điểm sắp kết thúc Thế chiến II, P-61 đã được triển khai đến nhiều chiến trường khác nhau ở châu Âu, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, P-61 Góa phụ Đen bắn hạ tổng cộng 127 máy bay cùng 18 bom V-1 của đối phương và được nhận xét là một chiến đấu cơ có uy lực vô cùng đáng sợ mà Mỹ sở hữu vào thời điểm đó.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ