Gỡ vướng xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân cần cụ thể, sát thực

GD&TĐ - Một số ý kiến đề nghị bổ sung điều khoản quy định về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”...

Thực hành hát quan họ. Ảnh: ITN.
Thực hành hát quan họ. Ảnh: ITN.

>>> Bài 1: Xây dựng Nghị định mới gỡ vướng xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể khu vực phía Bắc (lần 2), đại diện các sở văn hóa đều nêu ý kiến thống nhất cao với dự thảo Nghị định thay thế số 62/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung, cụ thể một số nội dung để sát thực hơn với thực tiễn.

Đào tạo bao nhiêu?

Đại diện một số địa phương cho rằng, Khoản 2 của Điều 8 và Điều 9 tại Chương 2 quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” của dự thảo Nghị định cần có những bổ sung vào nội dung: “…đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”.

Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, quy định này chưa cụ thể, cần đưa ra định lượng: “Với những nghệ nhân cao tuổi, tiêu chuẩn về giải thưởng sẽ rất hạn chế, nên tiêu chuẩn về đào tạo, truyền dạy rất quan trọng. Vì thế, quy định cần có định lượng cụ thể, ví dụ như Nghệ nhân ưu tú phải đào tạo 50 và Nghệ nhân nhân dân là 100 người thành nghề. Khi định lượng được thì chất lượng người đạt danh hiệu sẽ cao hơn và lượng được các cá nhân kế cận…”.

Đồng tình với ý kiến này khi nêu ý kiến việc quy định về đào tạo chưa cụ thể sẽ gây ra sự mơ hồ, song ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La góp ý thêm: “Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác nhau thì tính chất truyền dạy cũng khác nhau, có khi rất đông nhưng có khi chỉ 1 - 2 người. Vì vậy, cần nghiên cứu làm thế nào để lượng hóa số người được truyền dạy sát thực”.

Tuy nhiên, bà Quách Thị Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho rằng, mỗi loại hình di sản văn hóa phi vật thể có đặc điểm khác nhau, không thể lấy số lượng loại hình này áp lên loại hình kia.

“Đề nghị bổ sung việc ủy quyền cho cấp huyện, xã lấy ý kiến cộng đồng của dân cư vì không ai gần và hiểu về cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu bằng cấp xã, huyện. Là nơi nắm giữ di sản nghệ nhân thực hành, việc cấp xã, huyện lấy ý kiến cộng đồng sẽ sát thực hơn…” - Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.

Có loại hình dễ dàng truyền dạy 100 - 200 người nhưng có loại hình như y học cổ truyền hay tín ngưỡng tâm linh thì khác. Từ đó, nếu đưa ra khung định lượng thì phải rất rộng. “Như thế rất khó cho việc xây dựng văn bản quy định pháp luật. Vì vậy, cần đưa ra quy định chung còn sau này cụ thể theo Hội đồng cấp tỉnh”, bà Vân Anh nói.

Liên quan đến khoản này, PGS.TS Nguyễn Quang Trọng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam thì đề nghị: “Trong bảng kê khai thành tích đào tạo của hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu theo mẫu là cần bổ sung nội dung: “kê khai chi tiết về số lượng học trò truyền dạy không kể số lượng học viên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông” vì số lượng đó rất nhiều, có thể lên đến hàng nghìn và không chính xác”.

Lấy ý kiến cộng đồng thế nào?

Ở Khoản 1 Điều 15: “Tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú hoặc hội nghề nghiệp nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang hoạt động để đưa vào hồ sơ đề nghị xét tặng…”, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần có sự phân tách rõ hơn về trường hợp cá nhân không tham gia hoặc có tham gia hội nghề nghiệp.

Cùng với đó, việc lấy ý kiến hai nơi làm sao phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất chặt chẽ theo các tiêu chuẩn đề ra, tránh trường hợp đạt chỗ này mà không đạt chỗ kia, gây khó khăn cho hội đồng thẩm định. Ông Hòa đề xuất ý kiến này là đã thấy xảy ra trong thực tiễn xét duyệt danh hiệu những năm qua.

Cũng theo ông Hòa, cần cụ thể về thành phần tham gia lấy ý kiến ở cơ sở và quy định số người đại diện theo tỷ lệ bao nhiêu của tổng dân số hay đại diện hộ gia đình ở địa phương cá nhân cư trú. Đồng thời, có những cá nhân tham gia nhiều hội nghề nghiệp thì lấy ý kiến như thế nào cũng nên bổ sung thêm phương án cụ thể.

“Ở Khoản 5 Điều 15 mới nêu tỷ lệ % lấy ý kiến cộng đồng “đạt 75% ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư” mà chưa quy định tỷ lệ % với hội nghề nghiệp. Vì vậy, cần điều chỉnh một phần nội dung của Khoản 5 lên Khoản 1 của Điều 15 để phân tách hai nội dung rõ ràng hơn trên cơ sở các nội dung đã điều chỉnh tại Khoản 1, bổ sung chặt chẽ, thống nhất hơn đối với cá nhân tham gia và không tham gia hội nghề nghiệp. Nếu xét thấy không đủ tiêu chí quy định tỷ lệ ở cộng đồng và hội nghề nghiệp thì loại ngay…”, ông Hòa đề xuất.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ. Ảnh: ITN.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ. Ảnh: ITN.

Cũng quan tâm đến nội dung này, bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang băn khoăn về tỷ lệ 75% ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư là đại diện cho số hộ tổ dân phố đó hay của toàn bộ công dân? Từ đó, để tránh việc kê khai phức tạp, bà Hoài góp ý hình thức lấy ý kiến không theo tỷ lệ % mà bằng việc công khai hồ sơ cá nhân đề nghị xét tặng tại trụ sở phường, xã. Sau một thời gian nếu không có ý kiến, kiến nghị thì tiếp tục các quy trình khác…

Thêm bộ lọc từ cơ sở?

Đề xuất bổ sung thêm điều khoản cá nhân phải được công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vào Điều 8 của dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến cho rằng là cần thiết. Cũng vì, khi đó Hội đồng cấp tỉnh sẽ trở thành một bộ lọc quan trọng về chất lượng hồ sơ từ cơ sở trước khi đưa lên xét duyệt cấp Bộ.

Ông Đáp dẫn chứng, vừa rồi hội đồng tỉnh Bắc Ninh nhận hơn 200 hồ sơ và đã xem xét, lọc ra 1/2 để chọn xét tặng danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh, sau đó tiếp tục gửi lên cấp Bộ.

PGS.TS Võ Quang Trọng cũng đưa ra góp ý nên qua bộ lọc cấp tỉnh khi xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” thì cần tiêu chuẩn được công nhận là “nghệ nhân cấp tỉnh” hoặc là “nghệ nhân dân gian” của hội văn nghệ dân gian. “Qua bộ lọc như thế sẽ giúp các hội đồng cấp trên làm việc thuận lợi hơn”, ông Trọng nhấn mạnh.

Bà Quách Thị Cường thì giải thích thêm: “Khi đạt danh hiệu cấp tỉnh, việc xét danh hiệu sẽ thuận lợi cho việc lập hồ sơ cấp Bộ”. Đồng thời, bà Cường còn nêu bất cập về việc bỏ qua vai trò cấp huyện khi Khoản 2, Điều 14, Chương 4 quy định cá nhân đề nghị xét tặng gửi hồ sơ trực tiếp về tỉnh và trong mẫu lập trích ngang chỉ có xác nhận ở cấp xã.

“Quy định này tạo điều kiện để nghệ nhân tự do nộp hồ sơ lên cấp tỉnh song không thể hiện vai trò của cấp huyện ở giai đoạn đầu lập hồ sơ. Việc bỏ qua khâu kiểm soát ở cấp huyện mà lúc tỉnh quay lại lấy ý kiến cộng đồng thì sẽ về huyện, có những hồ sơ gửi lên sở tiếp nhận song các huyện không nắm được và phòng chuyên môn Sở vất vả hơn vì có nghệ nhân tự đánh giá tốt nhưng vai trò đóng góp của họ không đảm bảo, Sở không tự loại được.

Như đợt 3 Nghệ An xét 100 hồ sơ Hội đồng cấp tỉnh đều bỏ phiếu, dù biết có hồ sơ không đảm bảo. Nếu cấp huyện sơ loại sẽ giảm tải cho cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn khi tổ chức đánh giá lựa chọn. Vì vậy, cần có quy định rõ hơn về khâu sơ khảo, sơ loại gắn với vai trò của cấp huyện”, bà Cường nêu.

Tuy nhiên, trao đổi về ý kiến này, đại diện Ban Soạn thảo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết không có căn cứ để ban hành xét nghệ nhân cấp tỉnh. Một số địa phương xét nghệ nhân cấp tỉnh là thực hiện chính sách đặc thù khi thấy nghệ nhân có đóng góp cho cộng đồng. Còn về vai trò của cấp huyện thì đó là hoạt động nội bộ ngành dọc và cần “tránh phiền hà cho các nghệ nhân”.

Thực hành hát ví dặm. Ảnh: ITN.

Thực hành hát ví dặm. Ảnh: ITN.

Truy tặng và tước danh hiệu

Bên cạnh đó, một số ý kiến còn đề nghị bổ sung điều khoản quy định về việc truy tặng và tước danh hiệu. “Tại Điều 4 của dự thảo Nghị định nên bổ sung một khoản về hình thức có truy tặng hay không? Có xét trường hợp đặc biệt không?”, ông Nguyễn Văn Đáp đặt câu hỏi. Theo ông Đáp, đề xuất này đưa ra từ thực tế, nhiều hồ sơ đang trong quá trình xét duyệt từ tỉnh lên bộ rồi Nhà nước thì cá nhân bị mất.

“Ở Bắc Ninh có một số nghệ nhân đặc biệt xuất sắc, được cộng đồng ghi nhận và vinh danh song các cụ mất trước khi có Nghị định 62. Gia đình cũng đã có đơn đề nghị xét truy tặng (1 - 2 trường hợp) vậy có được truy tặng không? Để có cơ chế mở hơn, nên bổ sung thêm khoản quy định việc hình thức xét có truy tặng hay không để địa phương có cơ sở thực hiện”, ông Đáp nói.

Ông Phạm Hồng Thu cũng đề nghị bổ sung điều khoản về xét truy tặng, “vì có trường hợp đặc biệt đã mất trong – trước – sau khi làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu. Việc truy tặng này để người nhà, con cháu có động lực tiếp nối việc giữ gìn, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể…”.

Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dù Ban Soạn thảo rất quan tâm và hiểu về vấn đề này song Điều 5 Luật Thi đua khen thưởng nêu nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc tự nguyện thể hiện ý chí cá nhân của người muốn được thi đua khen thưởng. Cùng với đó, Điều 67 quy định về danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” không nói đến đối tượng người đã mất nên không thể đặt ra vấn đề truy tặng. “Nếu trong thực tiễn họ tự nguyện đã nộp hồ sơ mà mất thì vẫn tiếp tục xem xét”, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin

Ngoài ra, có ý kiến còn đề nghị việc xem xét bổ sung điều khoản tước danh hiệu khi cá nhân đã được phong tặng vi phạm pháp luật… Từ thực tế ở địa phương đã có trường hợp xảy ra, ông Phan Văn Hòa nêu: “Đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định có tước danh hiệu không sau khi được phong tặng, cá nhân vi phạm pháp luật”.

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ - nơi ươm mầm cho nhiều nghệ nhân trẻ. Ảnh: ITN.

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ - nơi ươm mầm cho nhiều nghệ nhân trẻ. Ảnh: ITN.

“Trong quá trình thực hiện việc áp dụng Nghị định 62 với một số nghệ nhân, nhất là với một số vùng dân tộc thiểu số ít người, quá trình tổ chức để làm hồ sơ xét danh hiệu chưa lan tỏa hết được đến các vùng sâu, vùng xa mà mới tập trung ở khu vực có điều kiện tốt hơn.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi song áp dụng theo chương trình này thì chỉ có 3 huyện có nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân để hưởng chính sách trong chương trình mục tiêu về văn hóa – nhóm dự án số 6. Còn lại các huyện khác, trong cộng đồng cũng có những người nắm giữ, các già làng trưởng bản có uy tín cũng xứng đáng thụ hưởng chính sách.

Song vì chưa có danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” nên không thể thực hiện theo thông tư số 15 của Bộ Tài chính, hiện nay nguồn tài chính đó cấp về địa phương nhưng không giải ngân được. Đề nghị nên bổ sung thêm vào Nghị định sửa đổi để làm căn cứ cho các địa phương chi nguồn tài chính này cho đối tượng xứng đáng được thụ hưởng…” - Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

>>> Mời quý độc giả đón đọc kỳ cuối - Gỡ vướng xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân: Một giải cống hiến là xứng đáng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ