Để các nghệ nhân yên tâm cống hiến

GD&TĐ - Nghệ nhân chính là những người chứa đựng hồn cốt, tinh hoa, các giá trị cốt lõi của một loại hình văn hóa truyền thống.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký trình Thủ tướng Chính phủ danh sách các nghệ nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3.

Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể là những người có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc. Họ có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương - thể hiện qua các kỹ năng, bí quyết thực hành di sản.

Nghệ nhân chính là những người chứa đựng hồn cốt, tinh hoa, các giá trị cốt lõi của một loại hình văn hóa truyền thống. Những kiến thức tích lũy một đời của họ là di sản quý báu để truyền thụ lại cho các thế hệ tiếp nối.

Như Báo Giáo dục và Thời đại từng nêu những bất cập trong quy định về việc trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với những Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều nghệ nhân sống ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được chính sách do tuổi cao, sức yếu, do thủ tục hành chính khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghệ nhân là những người cống hiến cho cộng đồng. Bởi vậy không nên chỉ căn cứ vào gia cảnh để xét có trợ cấp hay không. Thực tế cho thấy, nhiều nghệ nhân tuổi cao vẫn phải làm nhiều công việc để mưu sinh. Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhiều người không còn thời gian cũng như tâm huyết để trao truyền giá trị di sản.

Trong khi đó, không phải địa phương nào cũng có chủ trương hỗ trợ nghệ nhân. Hoặc có, thì lại eo hẹp kinh phí, có nơi chính quyền ít quan tâm tạo điều kiện để nghệ nhân phát huy kho tàng kiến thức văn hóa dân gian. Thế nên, dù mang danh nghệ nhân nhưng cũng chỉ an ủi bằng tấm giấy chứng nhận.

Qua hai đợt xét tặng, có nhiều nghệ nhân được vinh danh nhưng việc chăm lo đời sống cho họ sau đó bị lãng quên. Việc làm này tựa như “đánh trống bỏ dùi”, đem lại sự hụt hẫng rất lớn đối với những nghệ nhân cao tuổi.

Ưu đãi đặc biệt bằng vật chất mới chỉ là một vế trong văn hóa ứng xử của chúng ta đối với những người có cống hiến. Tuy nhiên, chỉ mong làm tròn được một vế cũng đã phần nào động viên tinh thần các nghệ nhân.

Vì cảm nhận được sự quan tâm, sự mong mỏi trao truyền cống hiến, chắc chắn các nghệ nhân sẽ không “giấu nghề”. Khi thấy tầm quan trọng bởi các giá trị truyền thống văn hóa mà bản thân đang lưu giữ - nghệ nhân sẽ có trách nhiệm hơn trước sự quan tâm ấy.

Nghệ nhân – họ là “báu vật nhân văn sống”, nhưng luôn đứng trước nguy cơ mai một vì tuổi già. Sẽ không còn nhiều thời gian để họ trao truyền các giá trị truyền thống. Vì vậy, việc hỗ trợ đối với nghệ nhân dân gian sớm được ngày nào hay ngày ấy. Cũng đồng nghĩa sớm được ngày nào, chúng ta có thêm các giá trị quý giá để lưu giữ cho muôn đời sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ