Nghệ nhân Ưu tú Ngô Văn Đảm: 'Kho tư liệu sống' của âm nhạc dân tộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Nhiều người thắc mắc tại sao tuổi ngoài 90 như tôi vẫn còn đi biểu diễn làm gì? Hay là cuộc sống thiếu thốn quá? Tôi chỉ cười, bởi tôi biết họ không phải dân trong nghề nên không hiểu được. Đã trót yêu cái “món” dân ca này thì khó mà dứt ra được.

NNƯT Ngô Văn Đảm say sưa với cây đàn bầu.
NNƯT Ngô Văn Đảm say sưa với cây đàn bầu.

Tôi tâm niệm chỉ khi nào không đi được thì mới dừng lại công việc này. Dân ca như là hơi thở, là máu thịt, là cuộc sống của tôi vậy”, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Ngô Văn Đảm chia sẻ.

Trót yêu thì khó dứt ra được

Gặp NNƯT Ngô Văn Đảm trong một buổi chiều đầu thu, tôi thực sự bất ngờ về đôi chân khỏe khoắn, đôi tai thính, đôi mắt tinh và đặc biệt là trí nhớ tuyệt vời của người đàn ông đã sống gần một thế kỷ trên cõi đời này. Đến đầu phố Quan Nhân (Hà Nội), hỏi thăm nhà NNƯT Ngô Văn Đảm thì một người phụ nữ đứng tuổi đã nhanh nhảu đáp: “Ai chứ cụ Đảm nghệ nhân thì cả phố này đều biết. Nhà cụ ở số nhà 76 kia kìa!”.

Ngó vào thấy “cửa đóng then cài”, nhà không có chuông trong khi xe cộ qua lại trên đường thì tấp nập, nhộn nhịp, tôi định dắt xe ra về. Bỗng một người phụ nữ nhà bên gọi với: “Tôi mới thấy ông Đảm cầm đàn về mà, cứ gọi to, ông trên tầng hai nghe thấy đó”.

Tôi thoáng nghĩ, phố ồn ã thế này thì cụ ông tuổi 94 nghe làm sao được chứ, nhưng đã đến rồi thì cố gọi xem sao. Quả không ngờ, mới gọi đến câu thứ hai ông Đảm đã vội vã bước xuống mở cửa.

Đưa tôi lên nhà qua cầu thang nhỏ và tối om, vậy mà đôi chân ông cứ thoăn thoắt, thậm chí kính ông cũng chẳng cần đeo. Tầng hai, nơi ông ngủ và làm việc rộng chừng 15 mét vuông, phần lớn để tài liệu và các loại nhạc cụ, còn đồ dùng sinh hoạt thì hết sức đơn giản.

Có lẽ tấm bằng của Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NNƯT “Vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc” là nổi bật nhất, được đặt ở vị trí trang trọng trong căn phòng.

Ông cũng đang đợi thêm niềm vui nữa khi là NNƯT cao tuổi nhất trong Bộ môn Ca trù được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III.

Nhìn vào tấm chiếu trải nghiêm ngắn trên sàn, tôi thấy ông đang mở tài liệu để soạn lời mới cho bài chèo “Lới lơ” phục vụ việc dạy học. Nét chữ vẫn rất rõ ràng, tròn trịa, những câu chuyện rất mạch lạc, chi tiết, đủ thấy ông còn minh mẫn nhường nào.

Thấy cuộc sống có phần kham khổ của ông, tôi hỏi thu nhập của ông hiện nay thế nào? Ông kể, trước ông tham gia quân ngũ rồi về công tác tại Bộ GTVT, nói chung mức lương cũng không phải quá thấp so với mặt bằng chung. Rồi như hiểu ý, ông lại tiếp lời: “Nhiều người thắc mắc tại sao tuổi ngoài 90 như tôi vẫn còn đi biểu diễn làm gì? Hay là cuộc sống thiếu thốn quá? Tôi chỉ cười, bởi tôi biết họ không phải dân trong nghề nên không hiểu được.

Đã trót yêu cái “món” dân ca này thì khó mà dứt ra được. Tôi tâm niệm chỉ khi nào không đi được thì mới dừng lại công việc này. Dân ca như là hơi thở, là máu thịt, là cuộc sống của tôi vậy. Nếu ngồi nhà có khi tôi sẽ ốm mất. Hiện tại, tôi đang rất khỏe, không có bệnh tật gì hết, vậy tại sao tôi phải dừng lại?”.

Sự làm việc nghiêm túc, chỉn chu của ông được nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đánh giá cao. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết: “Nghệ nhân Ngô Văn Đảm đã truyền dạy được nhiều học viên trưởng thành, nhất là trong lĩnh vực ca trù.

Ông rất có trách nhiệm với công việc được giao, nhiều lĩnh vực thực hiện mang lại kết quả thiết thực, đặc biệt là trong lĩnh vực ca trù. Ông cũng đã cung cấp cho Trung tâm rất nhiều tư liệu về các loại dân ca xưa nay. Chúng tôi thường gọi ông là “kho tư liệu sống” của âm nhạc dân tộc”.

Quả thật, được ngồi trong phòng làm việc của ông, nghe ông lần lượt gảy bốn loại đàn (đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt) tôi cảm nhận thấy tiếng đàn thật sâu lắng, da diết và đầy sức truyền cảm. Không chỉ gảy đàn thành thục, ông còn có vốn kiến thức khá dày dặn, sâu sắc về chèo, xẩm, quan họ, chầu văn... và đặc biệt là ca trù - loại hình đã đem đến cho ông danh hiệu NNƯT.

Học ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào

NNƯT Ngô Văn Đảm biểu diễn một làn điệu xẩm.

NNƯT Ngô Văn Đảm biểu diễn một làn điệu xẩm.

Nghệ nhân Ưu tú Ngô Văn Đảm hiện là Trưởng ban Nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Ông thông thạo đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt và có vốn hiểu biết sâu sắc về ca trù, chèo, xẩm, quan họ, chầu văn. Giám đốc Trung tâm, nhạc sĩ Thao Giang, ví ông như “kho tư liệu sống” của âm nhạc dân tộc. Năm nay đã 94 tuổi nhưng hầu như cuộc biểu diễn nào của Trung tâm ông đều có mặt, tham gia sôi nổi, nhiệt tình.

Người dân Hà Nội từng quen thuộc với hình ảnh ca nương Vân Mai hát ca trù trên tuyến phố đi bộ và một số đình, đền, thế nhưng ít người biết rằng người đánh trống chầu cho cô trong suốt mấy chục năm qua là NNƯT Ngô Văn Đảm.

Thực ra, biểu diễn trống chầu chỉ là một phần trong công việc của ông, bởi ông còn tham gia dạy học và hoạt động như một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Năm 2005, khi Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được nhạc sĩ Thao Giang và GS Phạm Minh Khang thành lập với mục đích giảng dạy âm nhạc dân tộc miễn phí và xây dựng đội ngũ những người tâm huyết với âm nhạc dân tộc thì cái tên Ngô Văn Đảm được “nhắm” đầu tiên.

Am hiểu các loại hình âm nhạc dân tộc là thế nhưng NNƯT Ngô Văn Đảm lại chưa từng trải qua trường lớp chính quy nào. Tất cả kiến thức có được ngày hôm nay đều do ông chăm chỉ học từ các nghệ nhân ở “bất cứ đâu và bất cứ khi nào”.

Ông kể, ngày nhỏ nhà rất nghèo, không có điều kiện đi học nhưng lại được ông ngoại dạy chữ nho. Ông thường theo bà ngoại đi làm thuốc ở nhiều miền quê nên có điều kiện tiếp xúc với xẩm trước năm 1945. Hơn nữa, ở làng ông - thôn Cao Bạt, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - khi ấy, nghề thủ công phát triển kéo theo nhiều loại hình âm nhạc dân tộc phát triển theo. Năm lên 6 tuổi, ông đã tiếp xúc với trống cơm, 8 tuổi đã kéo được nhị, lên 9 tuổi thạo trống chầu.

“Ngày ấy thương lái và quan lại thường về làng tôi nghe hát cô đầu. Những hôm trời nóng bức là có cánh lính đứng quạt nên tôi thường “nháy nháy” họ ra ngoài để tôi quạt cho. Họ có biết đâu là tôi đứng quạt nhưng đầu thì tập trung vào lời ca, tiếng hát, nhịp điệu, chú ý từng động tác và cách chơi các loại nhạc cụ để học lỏm và đó là trường học lớn nhất của đời tôi.

Càng tự học, tự tìm hiểu, đọc nhiều loại sách, tôi thấy ca trù là sân chơi của tầng lớp quý tộc và dù là con nhà nghèo nhưng tôi rất mê nó. Vì thế, khi về Hà Nội sinh sống, tôi thường đến nhà NSND Quách Thị Hồ - một bậc thầy về ca trù - để học. “Món” xẩm thì tôi được lĩnh giáo từ NSƯT Hà Thị Cầu và sau đó được ông “trùm” Nguyên nổi tiếng hát xẩm ở Hà Nội những năm 50 - 60 của thế kỷ trước truyền nghề”, NNƯT Ngô Văn Đảm nhớ lại.

Để không hổ thẹn với tổ nghề

Một lớp học âm nhạc truyền thông do NNƯT Ngô Văn Đảm truyền dạy.

Một lớp học âm nhạc truyền thông do NNƯT Ngô Văn Đảm truyền dạy.

Ông cũng nhiều lần tâm sự với tôi: “Cùng lứa với tôi nhiều bạn bè đã về với tiên tổ, còn tôi may mắn vẫn được trời cho sống và còn sức khỏe. Bởi thế, không có lý do gì để tôi dừng lại.

Việc TP Hà Nội mở tuyến phố đi bộ là đã trao cho những nghệ nhân ca trù như chúng tôi cơ hội tiếp cận với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, thế hệ chưa có nhiều điều kiện để hiểu về ca trù. Hơn nữa, việc nhìn thấy một ông cụ ở tuổi U100 vẫn biểu diễn ca trù sẽ có tác dụng khích lệ, động viên những người trẻ tìm hiểu cái hay, cái đẹp của loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc này”.

Ca trù sẽ được hồi sinh, đó là nhận định của nghệ nhân Ngô Văn Đảm từ gần 20 năm trước và quả thực đến hôm nay loại hình nghệ thuật này đang đi đúng với những gì mà ông tiên đoán.

Ông bảo, ca trù là môn ca hát phục vụ cung đình, thờ phụng đền đài, đồng thời là “sân chơi” của tầng lớp thượng lưu, quý tộc và một số văn nhân, một lối chơi phong lưu tao nhã dần dần phát triển rộng ra phục vụ nhiều đối tượng. Dẫu có đôi chút “biến thể” nhưng ca trù vẫn là loại hình ca nhạc mang tính nghệ thuật cao, với nhiều đặc điểm độc đáo.

Đó là tính văn chương, thơ phú trong ca từ: Cao siêu, sang trọng, lãng mạn nhưng dễ hiểu, mặt khác lại nôm na, đơn giản, rất tự do nhưng không dễ dãi, buông thả.

Từ tầng lớp thượng lưu, đến bình dân ngày trước nói chung đều cảm nhận được cái hay, cái đẹp, bởi thứ văn chương ấy khi ca lên đã nói được tiếng lòng của họ. Hơn nữa, theo ông ca trù còn mang âm nhạc, một loại nhạc cổ đích thực Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ sinh sống tại Thủ đô, NNƯT Ngô Văn Đảm coi đây chính là quê hương thứ hai của mình. Ông luôn mong muốn ca trù ở Hà Nội sẽ phát triển rực rỡ như thời vàng son từ thế kỷ XIX. Theo ông quan sát, những năm gần đây di sản ca trù ở Hà Nội tuy đã được hồi sinh, phát triển, song còn thiếu tính bền vững.

Để bảo tồn và phục hưng môn nghệ thuật bác học kén người học, người nghe này, đòi hỏi các ngành chức năng đề ra giải pháp mang tính chiến lược nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù, xứng đáng là “cái nôi” của nghệ thuật ca trù cả nước.

“Hiện nay, ở một số câu lạc bộ ca trù, giáo viên phải đi vận động chứ số người tự nguyện đến xin học rất ít. Số giáo viên dạy ca trù cũng không nhiều bởi họ không sống được bằng nghề. Họ yêu nghề nên dạy thêm thôi, còn phải làm nghề khác để kiếm sống”, ông trăn trở.

Nỗi trăn trở ấy trĩu nặng trên đôi vai ông và dù biết rằng “một cánh én không làm nên mùa xuân” nhưng ông vẫn cố gắng để không hổ thẹn với tổ nghề. Tự nhận mình là một nghệ sĩ đường phố, ông luôn tin vào sự phát triển và hồi sinh của ca trù nói riêng và các loại hình âm nhạc dân tộc nói chung.

Bởi với ông đó là lẽ sống, là “vũ khí tinh thần” để ông vượt qua biết bao biến cố, thăng trầm trong cuộc đời. Ngẫm về cuộc đời ông, về cách ông cống hiến với nghề, tôi càng thêm trân trọng, yêu mến giá trị của nghệ thuật dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ