Gỡ vướng trong triển khai một số nội dung Chương trình 1719

GD&TĐ - Việc triển khai một số dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Theo đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn đại biểu Quốc hội An Giang), qua đợt khảo sát trước kỳ họp thứ năm, chúng tôi nhận thấy vẫn còn vướng như: tại Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở. Tiểu dự án 2 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiểu dự án 1 của Dự án 9 về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khăn đặc thù...

“Những vướng mắc trên làm chúng tôi cảm thấy hơi băn khoăn” – đại biểu Trình Lam Sinh nói và đề nghị có giải pháp khắc phục những vướng mắc trên, nhất là về quy trình, thủ tục của các dự án và một số nhiệm vụ, chỉ tiêu hiện chưa phù hợp với thực tiễn của các địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ, dự án về hỗ trợ nhà ở, đất ở tại Dự án 1, có 2 vấn đề vướng.

Thứ nhất, năm 2022 chưa có văn bản quy định về định mức để hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt. Vừa rồi, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ ban hành Quyết định 04, quy định về định mức nhà ở, đất ở. Như vậy đủ điều kiện để các địa phương triển khai, hỗ trợ và có định mức.

Thứ hai, nguồn để hỗ trợ 3 nội dung trên là nguồn đầu tư công, mà nguồn này thì theo Luật Đầu tư công là: mỗi dự án hỗ trợ cho 1 hộ gia đình. Theo Luật thì gần như 1 dự án sẽ theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, như vậy sẽ rất phức tạp.

Về vấn đề này, Ủy ban Dân tộc đã phát hiện và cùng các bộ, ngành bàn rất nhiều lần. Bây giờ đã sửa vào Nghị định 27, vẫn là nguồn đầu tư công nhưng cho cơ chế là được áp dụng cấp phát cho bà con nhân dân.

Vì những dự án này là dự án đầu tư trực tiếp cho từng hộ gia đình chứ không phải một cộng đồng dân cư hay một thôn, bản nên không thể lập được một dự án chung. Vấn đề này đã tháo gỡ. “Như vậy, 2 vấn đề giải quyết vướng mắc của Dự án 1 đã giải quyết xong” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Dự án 2 là hỗ trợ về sản xuất dược liệu quý, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, việc này giao cho Bộ Y tế là cơ quan chủ trì. Bộ Y tế đã có Thông tư số 10 để hướng dẫn thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Thông tư 10 cũng có những vướng mắc quy định về mặt diện tích, danh mục các cây dược liệu. Bộ Y tế cũng đã tháo gỡ. Bộ Y tế đang sửa Thông tư 10 và sẽ ban hành trong tháng 6.

Việc sửa đổi sẽ theo hướng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Còn một vấn đề vướng mắc nữa là phải sửa Luật Lâm nghiệp, vì vùng trồng dược liệu quý lại chủ yếu nằm dưới tán rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ.

Theo Luật Lâm nghiệp thì dưới tán này không phát triển sinh kế, không được làm kinh tế. Trong khi các địa phương khi xác định địa bàn để phát triển dự án này là chủ yếu nằm dưới tán rừng và gặp vướng bởi Luật Lâm nghiệp. Khó khăn, vướng mắc này đang được các bộ, ngành tích cực tham mưu tháo gỡ cho địa phương.

Đối với Tiểu dự án 1, Dự án 9 có 2 nội dung. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay: Thứ nhất, hỗ trợ cho nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Bản chất là thực hiện tích hợp Quyết định 2086 của giai đoạn trước.

Đây là nhóm dân tộc có dân số dưới 10.000 người, là 16 dân tộc, sang giai đoạn này còn 14 dân tộc. 2 dân tộc đã vượt trên 10.000 người được ra khỏi danh sách là dân tộc La Hủ ở Lai Châu và dân tộc Phù Lá. Hỗ trợ 5 nội dung và tổng đầu tư hỗ trợ cho 14 dân tộc trong giai đoạn từ nay đến 2025 là 1.800 tỷ, đầu tư theo địa bàn.

Về vấn đề xác định tiêu chí thế nào là địa bàn sống tập trung đông người. Sau khi nghiên cứu, Ủy ban dân tộc thấy rằng, các dân tộc này sống ở các thôn, bản có xen ghép với các dân tộc khác và có cả sống tập trung. Nếu xác định là một địa bàn chỉ có dân tộc này thì không. Chúng tôi đang sửa Thông tư 02 hướng dẫn các địa phương triển khai cho tất cả các thôn, bản có dân tộc La Hủ, Phù Lá.

Thứ hai, hỗ trợ cho 32 dân tộc có khó khăn và còn nhiều khó khăn. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này là 3.200 tỷ, hỗ trợ xây dựng sinh kế. Đó là các mô hình sản xuất và chăn nuôi. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn là vốn đầu tư nhưng cơ chế lại là vay vốn, có thu hồi. Sau 5 năm phải thu hồi lại thông qua Ngân hàng Chính sách.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, việc này rất khó làm, không thực hiện được. Thực hiện như thế thì rất vô lý. Nếu lấy 3.200 tỷ này chia ngược lại cho 32 dân tộc thì mỗi một hộ vay được tối đa 11,2 triệu đồng/hộ; trong khi đó Nghị định 28 của Chính phủ và chính sách tín dụng cho chương trình này đã quy định, có những dự án vay lên đến 100 triệu.

Ngoài ra, nếu nhóm dân tộc này được vay tín dụng 11 triệu/hộ, trong khi các dự án khác, các dân tộc khác lại được tối đa đến 100 triệu, như vậy là không hợp lý.

“Chúng tôi đang xin Chính phủ dừng việc này để báo cáo lại Quốc hội cho điều chỉnh nội dung vào tháng 10 năm nay. Việc này tổng vốn không nhiều, có 3.200 tỷ trên tổng mức hơn 100 ngàn tỷ. Đây là vấn đề vướng mắc trong Dự án 9” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.