Học sinh dân tộc thiểu số Hà Tĩnh tự may trang phục truyền thống

GD&TĐ - Hoạt động nhằm góp phần giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số.

Học sinh dân tộc thiểu số Hà Tĩnh tự may trang phục truyền thống
Học sinh dân tộc thiểu số Hà Tĩnh tự may trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống bị mai một

Trang phục truyền thống là một trong những biểu tượng quan trọng nhất văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, học sinh dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh đang gặp phải một thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống của mình. Bởi lẽ, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh đang dần biến mất do thiếu sự lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau.

Tại Hà Tĩnh, chỉ có dân tộc Chứt có trang phục truyền thống và thường được sử dụng trong dịp lễ hội. Còn các dân tộc thiểu số khác không còn có trang phục truyền thống và thường mặc trang phục của người Kinh, trang phục hiện đại.

Học sinh trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh.

Học sinh trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh.

Phó Hiệu trưởng trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh, Mai Văn Hải - người có thâm niên gắn bó với công tác giáo dục dân tộc cho biết, nguyên nhân cơ bản là thiếu cộng đồng bền vững để lưu truyền bản sắc văn hoá dân tộc cho con em. Ở Hà Tĩnh có 31 DTTS sinh sống với người Kinh, nhưng chỉ có ít dân tộc thiểu số sống định cư thành cụm bản làng ở huyện Hương Khê như dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên) và thôn Bản Giàng (xã Hương Vĩnh), dân tộc Mường ở bản Lòi Sim (Hương Trạch), dân tộc Lào ở bản Phú Lâm (xã Phú Gia).

Hiện tại, chỉ có cộng đồng người Chứt còn giữ được cơ bản đầy đủ bản sắc văn hoá riêng (từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán), còn lại hầu hết là dân tộc di cư đến sinh sống đã qua nhiều đời, đã không còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hoá cội nguồn của mình.

Thông qua các môn học GV đã lồng ghép những tiết học về giữ gìn, bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc.

Thông qua các môn học GV đã lồng ghép những tiết học về giữ gìn, bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc.

Cũng theo thầy Hải, nguyên nhân nữa là đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức về các giá trị văn của đồng bào dân tộc còn hạn chế, họ thiếu động lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Sự ảnh hưởng của môi trường đa dạng văn hóa, sự phát triển của xã hội hiện đại cũng góp phần tác động làm xói mòn các giá trị văn truyền thống, làm giảm thiểu sự quan tâm và yêu thích của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ trẻ đối với văn hoá dân tộc mình.

Với mong muốn góp phần giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số, GV nhà trường đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu, tự thiết kế và may trang phục truyền thống. Đó là cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai có hiệu quả ở trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh.

Giữ gìn và giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh thiểu số

Thông qua các tiết dạy trên lớp, giáo viên các bộ môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục địa phương của nhà trường đã khéo léo lồng ghép vào nội dung bảo tồn trang phục truyền thống, giao cho các thiết kế trang phục dân tộc thiểu số của mình và báo cáo sản phẩm trước lớp.

Ngoài tìm vật liệu, các em còn tự tìm hiểu nét đặc sắc mỗi dân tộc để đưa vào trang phục.

Ngoài tìm vật liệu, các em còn tự tìm hiểu nét đặc sắc mỗi dân tộc để đưa vào trang phục.

“Điều bất ngờ là, các em học sinh rất khéo tay và sáng tạo, thiết kế nên những bộ trang phục của dân tộc thiểu số rất đẹp. Qua đó, các em có cơ hội khám phá và trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình”, cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Tú, giáo viên Lịch sử nói.

Ngoài việc tổ chức cho học sinh báo cáo sản phẩm trang phục truyền thống thông qua các tiết học trên lớp, trong những năm qua nhà trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá thiết thực và ý nghĩa như: “Ngày hội giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số”, “Ngày hội Văn hóa, dân tộc Việt Nam”… Tại đây, các em học sinh dân tộc thiểu số sẽ tham gia trình diễn các bộ trang phục truyền thống do tự tay mình thiết kế.

Để có thể tự thiết kế nên những bộ trang phục truyền thống đẹp và gây ấn tượng, GV đã khuyến khích, động viên HS tìm kiếm các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, GV cũng gợi ý thêm nhiều ý tưởng để các em tìm tòi, khám phá.

Một tiết ngoại khóa chủ đề "Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc" do Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh tổ chức.

Một tiết ngoại khóa chủ đề "Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc" do Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh tổ chức.

“Tất cả các em đều học nội trú, nguồn vật liệu hạn chế, thầy cô đã tận dụng quần áo, vải cũ cũ cho các em tận dụng may trang phục. Việc chọn các loại vải, vật liệu phù hợp với trang phục của từng dân tộc cũng được giáo viên tư vấn kỹ lưỡng cho học sinh”, cô giáo Phan Thị Thành – GV Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú chia sẻ.

Sau nhiều tuần mày mò, thành quả của các em là những bộ trang phục đầy màu sắc được các em trình diễn tại các hoạt động ngoại khóa. Nhìn tác phẩm của mình được trình diễn em Nguyễn Thị Hoạ Mi (Học sinh lớp 12 - dân tộc Lào) bày tỏ: “Những hoạt động ngoại khóa đã tạo ra một sân chơi bổ ích, vui nhộn. Qua đó, giúp chúng em có cơ hội tìm lại các giá trị văn hoá truyền thống. Được mặc bộ trang phục truyền thống do chính tay mình kỳ công thiết kế, thực sự đã giúp chúng em tự tin và tự hào hơn về bản sắc văn hoá dân tộc mình”.

Học sinh tự tin trình diễn các trang phục truyền thống tự may tại các hoạt động ngoại khóa.

Học sinh tự tin trình diễn các trang phục truyền thống tự may tại các hoạt động ngoại khóa.

Trong những năm học tới, Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh dự kiến sẽ đưa hoạt động vào kế hoạch hàng năm của nhà trường. Ngoài ra, giáo viên cần được đào tạo, tập huấn bài bản để có thể hướng dẫn học sinh trong quá trình thiết kế và may trang phục.

“Việc tự may trang phục truyền thống sẽ giúp học sinh dân tộc thiểu số hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời giúp bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống. Trong quá trình thiết kế và may trang phục giúp học sinh phát triển kỹ năng tay nghề, khả năng hợp tác nhóm, trang bị được nhiều kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta hy vọng rằng những trang phục truyền thống sẽ được bảo tồn và phát triển”, thầy Đặng Thái Mân – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ