Cử tri tỉnh Thái Nguyên cho biết, điểm d khoản 1 Điều 4, Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người quy định:
“Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 100% mức lương cơ sở/học sinh/tháng ”.
Hiện nay, học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được hưởng mức hỗ trợ bằng 80% mức lương cơ sở từ ngân sách Trung ương, 20% mức lương cơ sở từ ngân sách tỉnh.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, Nhà nước chưa điều chỉnh mức lương cơ sở. Đề nghị Chính phủ có chính sách tăng mức hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú để đảm bảo đời sống cho các em học sinh.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngày 11/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo đó, mức lương cơ sở sẽ được tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng (mức lương cơ sở hiện hành) lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) áp dụng từ ngày 1/7/2023.
Do đó, mức hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 cũng được tăng lên tương ứng của mức lương cơ sở.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị, đề xuất xem xét việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2017/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình mới.
Trong thời gian tới, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và giao thực hiện nhiệm vụ, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách cho trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của Nhà nước.