“Gỡ khó” nhà vệ sinh trường học vùng khó

GD&TĐ - Đảm bảo khuôn viên xanh - sạch - đẹp là một nội dung đang được các đơn vị giáo dục đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, một số địa phương ở ĐBSCL còn hạn chế về việc xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh đạt chuẩn; nhất là những trường điểm lẻ gặp khó trong đầu tư xây dựng kiên cố!

Nhà vệ sinh đạt chuẩn của Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng
Nhà vệ sinh đạt chuẩn của Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng

Khó khăn khi đầu tư nhà vệ sinh điểm trường lẻ

Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 570 trường (cả công lập và ngoài công lập). Có trên 1.000 điểm trường, trong đó số điểm trường có nhà vệ sinh hợp vệ sinh là gần 520; không hợp vệ sinh là 300; trên 250 điểm trường chưa có nhà vệ sinh (hoặc nhà vệ sinh tạm bợ). Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 3.600 phòng vệ sinh, trong đó trên 2.000 phòng hợp vệ sinh, trên 1.500 phòng không hợp vệ sinh.

Cụ thể, tình trạng nhà vệ sinh trong trường học không đạt chuẩn ở những tiêu chí như: Không có mái che, không phân biệt nhà vệ sinh nam - nữ; luôn trong tình trạng quá tải; không có nguồn nước hoặc nguồn nước không được đảm bảo, không có hệ thống thoát nước bẩn; công tác dọn dẹp nhà vệ sinh sạch sẽ chưa kịp thời…

Những điểm trường không hợp vệ sinh, chưa có nhà vệ sinh hầu hết tập trung ở những trường điểm lẻ. Thực trạng nhà vệ sinh không hợp vệ sinh đang là điểm cần tháo gỡ ở vùng khó. Tuy việc quy hoạch, sáp nhập trường lớp có nhiều khởi sắc, nhưng một số địa phương còn tồn tại điểm trường lẻ vì chất lượng học sinh được duy trì tốt. Chính vì lí do này, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng quyết tâm đầu tư kiên cố cơ sở vật chất điểm trường lẻ, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh nông thôn.

Ông Nguyễn Việt Mười - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng - trao đổi: “Ngành Giáo dục thực hiện chủ trương rất quyết liệt và đánh giá đúng nội dung. Cơ sở giáo dục không đạt tiêu chí đều bị ảnh hưởng đến thi đua. Ngành cũng mạnh dạn nhắc nhở những cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh chưa đảm bảo, để các đơn vị nhận rõ hạn chế, từng bước đi vào nề nếp. Ngành cũng xác định việc hoàn thiện nhà vệ sinh là một trong những điều kiện cơ bản nhất để học sinh có tâm lý thoải mái khi đến trường. Đó chính là bước đệm quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục”. 

Mặc dù vậy, việc đầu tư vào những điểm trường lẻ còn phụ thuộc vào thực tiễn nơi đó. Xây mới hoặc sửa chữa phải đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả. Điều này sẽ tránh lãng phí, đầu tư đúng mục đích, đúng nhu cầu sử dụng của học sinh. Trên cơ sở, sẽ chỉ chọn những điểm trường từ 100 học sinh trở lên và phải có đủ mặt bằng xây dựng để triển khai đúng chuẩn. Dưới mức này, học sinh vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh tạm bợ gây thiệt thòi rất lớn; nhà vệ sinh được thực hiện có thể là tận dụng vật liệu cây lá sẵn có tại địa phương.

Ông Nguyễn Việt Mười - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Đối với xây dựng và sửa chữa nhà vệ sinh trong trường học, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tổng hợp số liệu, rà soát để báo cáo. Tùy tình hình thực tế, ngành tích cực yêu cầu cơ sở giáo dục sửa chữa trong điều kiện nội tại, để giữ gìn vệ sinh môi trường đáp ứng chuẩn bị cho năm học mới. Hiện nay, chủ trương sắp xếp mạng lưới trường lớp, các điểm lẻ, điểm ít học sinh sẽ được sáp nhập, trước hết tập trung những điểm đông học sinh; theo phương án quy hoạch dần và sắp xếp lại nhà vệ sinh tạm bợ, có hướng đề xuất cơ sở giáo dục cố gắng bố trí ở những nơi thuận tiện hơn cho các em”.

“Gỡ khó” theo từng giai đoạn

Để có đủ nhà vệ sinh hợp vệ sinh ở trường học, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng tiến hành nâng cấp, sửa chữa và xây mới chuẩn bị đón năm học mới 2018 - 2019. Với nguồn kinh phí chỉ gần 150 triệu đồng cần vào các việc làm như: Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa trên 360 khu (trên 1.300 phòng); xây dựng mới 290 khu (trên 780 phòng); cải tạo, phục hồi 115 cây nước; đóng mới 201 cây nước.

Do tỉnh Sóc Trăng là địa phương khó khăn, để đảm bảo kinh phí xây dựng nhà vệ sinh tại các trường học, ngành Giáo dục cũng đề xuất phương án chỉ đầu tư sửa chữa, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh mới cho các điểm trường có từ 100 học sinh trở lên và đủ diện tích bố trí. Theo đó, giai đoạn đầu tư sẽ thực hiện trong 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020. Cụ thể, năm 2018 thực hiện với kinh phí 50 triệu đồng; năm 2019 với 50 triệu đồng và năm 2020 thực hiện với kinh phí trên 23 triệu đồng.

Song song đó, toàn ngành Giáo dục Sóc Trăng cũng chú trọng nội dung xanh - sạch - đẹp trong nhà trường. Từ năm học 2015 - 2016 đến nay, việc xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn được duy trì tốt. Hằng năm việc đánh giá thi đua các trường, có những tiêu chí riêng và tiêu chí cụ thể để nhà trường cố gắng phấn đấu giữ gìn vệ sinh môi trường…

Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, lãnh đạo ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh môi trường ở cơ sở giáo dục, giám sát thực hiện các quy định vấn đề vệ sinh học đường theo chủ đề năm học. Qua 4 năm thực hiện, vệ sinh môi trường các trường đã được cải thiện rất rõ nét. Nhờ vào sự quyết tâm của ngành, hàng năm đơn vị đều nhắc nhở tổ chức thi đua để các trường thực hiện tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ