Nhà vệ sinh học đường đạt chuẩn: Khó vẫn phải làm!

GD&TĐ - Trong thực tế, để có nhà vệ sinh học đường đạt chuẩn, không chỉ là sự nỗ lực của các cấp chính quyền mà còn từ nhận thức của giáo viên và học sinh nhà trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không còn là công trình phụ

Đến thăm Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), sự sạch sẽ, thông thoáng, cách trang trí phù hợp, đầu tư hiện đại đẹp như... khách sạn cho chúng tôi một góc nhìn hoàn toàn khác về nhà vệ sinh học đường.

Toàn bộ thiết bị trong các nhà vệ sinh đều được trang bị theo đúng tiêu chuẩn, có chất lượng tốt và có tính thẩm mỹ. Trong nhà vệ sinh luôn có khăn lau tay, xà phòng, giấy vệ sinh và nước tẩy rửa. Nền nhà khô ráo, đủ ánh sáng và có độ thông thoáng cho thấy nhà vệ sinh không thể coi là công trình phụ!

 

Để nhà vệ sinh không là công trình phụ, trường đã duy trì ý thức cho mỗi giáo viên, học sinh trong việc cùng có trách nhiệm giữ sạch nhà vệ sinh. Mỗi nhà vệ sinh của trường đều đặt trong sự giám sát qua nhiều khâu, từ giáo viên chủ nhiệm các lớp đến cô Tổng phụ trách Đội và Ban giám hiệu. Trường rất chú trọng giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho HS thông qua hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong các bài giảng...

Cô Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước tình trạng nhiều khu vệ sinh trường học quá xuống cấp, quận Thanh Xuân đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh hiện đại cho các nhà trường, đồng thời triển khai mô hình vệ sinh công nghiệp trong các trường tiểu học, THCS trong toàn quận, góp phần bảo vệ môi trường sư phạm sáng – sạch – đẹp hơn.

Không chỉ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi có mô hình nhà vệ sinh đạt chuẩn mà các trường khác trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp nhà vệ sinh học đường. Có thể kể đến Trường THCS Phương Liệt, Trường Tiểu học Phan Đình Giót…

Nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội)
 Nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội)

Chi tiền tỷ xây môi trường thân thiện

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND quận, 100% nhà vệ sinh của các trường TH, THCS công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân được đầu tư cải tạo nâng cấp hiện đại với các trang thiết bị cao cấp (kinh phí từ 2,5 đến 3 tỷ/trường).

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh học đường đặc biệt được coi trọng. Năm học 2016 - 2017, 2017 - 2018, 100% trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đã triển khai mô hình vệ sinh công nghiệp.

“Ưu điểm của công ty vệ sinh hiện đại đều có trang thiết bị, máy móc đầy đủ, quá trình thực hiện có theo dõi, kiểm tra thường xuyên, luôn đảm bảo sạch sẽ. Với đội ngũ lao công cũ, nếu muốn tiếp tục làm việc sẽ được công ty tiếp nhận, đào tạo về kỹ thuật vệ sinh công nghiệp… Mức lương thấp nhất bằng mức lương các trường đã chi trả” - ông Phạm Gia Hữu cho biết.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 2.600 trường học với hơn 24.000 nhà vệ sinh, trong đó nhà vệ sinh đạt chuẩn là 21.735, chiếm 90%. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa khó khăn, để nhà vệ sinh được đầu tư đúng tiêu chuẩn theo quy định trong xây dựng trường học ở Hà Nội là bài toán khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ