Gỡ khó khi triển khai dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo các đại biểu, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về văn bản khi triển khai dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Vẫn còn vướng mắc

Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc ban hành văn bản thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ là trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, mà còn là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác.

Tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký trên Cổng thông tin điện tử đã chỉ ra mâu thuẫn: Luật Đầu tư công không quy định trường hợp sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ một phần hộ gia đình trong chương trình dân tộc thiểu số và miền núi.

Do vậy, các địa phương chưa có đủ cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của chương trình này và chưa giải ngân được trong nguồn vốn của năm 2022 và năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để giải quyết khó khăn vướng mắc của dự án này, Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù khác với quy định của Luật Đầu tư công và đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành, đồng thời cũng phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan cho rằng, ngay cả việc áp dụng Luật Ngân sách cũng có sự khác nhau. Cùng việc hỗ trợ về nhà ở, đối với chương trình giảm nghèo là sử dụng vốn sự nghiệp nhưng đối với chương trình dân tộc thiểu số thì sử dụng vốn đầu tư công. “Chúng ta thấy rất nhiều bất hợp lý trong việc áp dụng các đạo luật này” – đại biểu Lâm Văn Đoan nói.

Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan.

Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan.

Nhắc lại câu nói của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc Chính phủ đang khẩn trương sửa đổi các văn bản thuộc thẩm quyền để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phân định lại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đại biểu đoàn Lâm Đồng cho rằng, bản chất Quyết định 861 và Quyết định 62 không phải là căn nguyên tạo ra vấn đề này.

Vấn đề vướng mắc trong việc bảo hiểm y tế thuộc Luật Bảo hiểm y tế; đó là tại Điều 1 khoản 6 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 quy định, những người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng điều kiện đặc biệt khó khăn, người sinh sống tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thì thuộc đối tượng Nhà nước hỗ trợ.

“Ở đây có vấn đề, nếu luật đã quy định thì Nghị định 146 chép lại vấn đề này, do vậy, nếu Chính phủ sửa đổi Nghị định 146 mà không sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế rõ ràng sẽ tạo ra sự mâu thuẫn về mặt pháp luật” – đại biểu Lâm Văn Đoan nêu ý kiến.

Tháo gỡ khó khăn

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông), Chương trình 1719 mới lần đầu tiên dành riêng cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu hoàn thiện quy trình, thể chế vận hành chương trình.

Chính phủ và Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực nhưng đến năm 2022 chương trình mới chính thức được tổ chức thực hiện. Trong thực tiễn, khi chương trình được triển khai vào năm 2022 thì một số chỉ tiêu, mục tiêu trong Nghị quyết số 120/2020 Quốc hội khóa XIV đã không còn phù hợp, có chỉ tiêu đã được thực hiện xong.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều.

Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá về tình trạng này, giải pháp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực.

Trao đổi về các vấn đề nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng tình với quan điểm của đại biểu về việc xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn và trong quá trình triển khai dự án, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

3 năm qua, một số chỉ tiêu, dự án đã hoàn thành ở các địa phương nhưng khi phân bổ vốn vẫn phân bổ cho địa phương các dự án này. “Cho nên, có nhiều địa phương đã chuyển văn bản gửi chúng tôi không thực hiện được vì không còn đối tượng để thụ hưởng và đã hoàn thành mục tiêu của dự án. Đây là vấn đề thực tế hiện nay” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Để giải quyết vấn đề trên, giải pháp của Ủy ban Dân tộc là, tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết giữa kỳ. Ủy ban sẽ đánh giá toàn diện lại cả 10 dự án đối với những vấn đề còn khó khăn, bất cập hoặc là đã hoàn thành. Trên cơ sở đó, đề nghị với cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh.

“Có một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội sẽ tổng hợp để báo cáo với Quốc hội cho phép điều chỉnh” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay và kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chỉ đạo, rà soát tất cả các dự án để điều chỉnh (nếu cần).

Bởi trên thực tế có nhiều dự án đã hoàn thành, có những dự án vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc phân cấp cho địa phương. Khi liên quan đến pháp luật thì phải báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp đầy đủ nhưng cũng đề nghị Quốc hội cho phép được rà soát, báo cáo với Quốc hội vào tháng 10 để điều chỉnh nhằm đảm bảo việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tập trung nguồn lực và đúng mục tiêu.

Bài viết được biên tập, lược dẫn các ý kiến phát biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.