Gỡ khó giảng dạy chuyên đề học tập

GD&TĐ - Chuyên đề học tập là điểm mới trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở THPT.

Cô trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) trong giờ học.
Cô trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) trong giờ học.

Còn khó khăn

Qua một năm thực hiện, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) chia sẻ một số khó khăn khi triển khai dạy học chuyên đề.

Theo đó, chuyên đề học tập không gắn với tiến trình và chủ đề học tập. Ví dụ, môn Lịch sử lớp 11, bộ sách “Kết nối tri thức và cuộc sống”, kiến thức lịch sử học sinh đầu lớp 11 đang học là về “Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản”, nhưng chuyên đề học tập lại là “Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam”. Bên cạnh đó, dạy học chỉ ở một số lớp học sinh lựa chọn chuyên đề Lịch sử; vì vậy, giáo viên phải đầu tư chuyên sâu hơn cho việc soạn giảng.

Với môn Vật lí, khó khăn khi giảng dạy chuyên đề được cô Trương Thị Thùy Dương, tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chia sẻ liên quan đến hạn chế về thiết bị dạy học; số lượng học sinh trên lớp đông nên giáo viên khó chú ý tới từng học sinh, ảnh hưởng đến việc dạy học phân hoá.

Cùng với đó, giáo viên chưa xây dựng được kho tư liệu hỗ trợ; để giảng dạy tốt chuyên đề học tập, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu rộng về nội dung chủ đề. Nhiều học sinh chưa biết cách tìm hiểu thông tin từ các nguồn, chưa thực hiện được bài báo cáo, tư duy phản biện chưa cao.

Theo các thầy cô tổ Hóa học, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long), trong giảng dạy chuyên đề môn Hóa, thuận lợi là giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học hết nội dung cốt lõi đến chuyên đề học tập. Nội dung chuyên đề học tập gắn với thực tiễn, ứng dụng nên thu hút tính tích cực học tập của học sinh.

Tuy nhiên, một vài chuyên đề khó khăn khi thực hiện. Đơn cử, lớp 10 có chuyên đề 3 “thực hành hóa học và công nghệ thông tin”, học sinh thiếu máy tính thực hiện; khó trong việc tải các phần mềm…

Lớp 11 có chuyên đề 2 “trải nghiệm thực hành hóa học hữu cơ”, học sinh cần học ở phòng thí nghiệm; trong khi đó mỗi trường chỉ có một phòng nên khó khăn khi nhiều lớp cùng thực hiện.

Thầy trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trong giờ học.

Thầy trò Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) trong giờ học.

Học sinh cần được thực hành, phát huy sáng tạo

Từ thực tế triển khai, kinh nghiệm của các thầy cô Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long) là thực hiện kiến thức chuyên đề học tập sau khi học sinh đã học xong chương trình cốt lõi.

Đối với chuyên đề lớp 10, giáo viên chủ động chia nhóm sao cho mỗi nhóm đều có máy tính và có học sinh biết sử dụng tốt. Đối với chuyên đề khối 11, các giáo viên dạy chuyên đề tự thỏa thuận thời gian để tránh trùng khi sử dụng phòng thực hành.

Chia sẻ kinh nghiệm của Trường THPT Phú Bài, cô Trương Thị Thùy Dương cho rằng, giáo viên phải thường xuyên bổ sung kiến thức thực tế thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng, dự giờ đồng nghiệp; xây dựng kho tư liệu hỗ trợ sử dụng chung cho toàn tổ; dự giờ, tìm hiểu từ học sinh để học hỏi hoặc giúp đỡ đồng nghiệp kịp thời.

Trong quá trình giảng dạy, thầy cô hướng dẫn học sinh cách hoạt động nhóm, tìm hiểu kiến thức, sử dụng công nghệ thông tin, cách thuyết trình, phản biện; chỉ định học sinh trình bày bài báo cáo để tất cả phải có sự chuẩn bị. Thầy cô cũng nên cho điểm cộng, trừ phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho học sinh trong học tập.

Nói về giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chuyên đề, cô Đào Phương Thảo, tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lí - Giáo dục công dân, Trường THPT Công Nghiệp (Hòa Bình) cho biết: Khi xây dựng kế hoạch dạy học, giáo viên cần chủ động thay đổi thứ tự chuyên đề và thời điểm dạy chuyên đề sao cho phù hợp nhất với chương trình dạy học chính khóa và năng lực của học sinh

Khi thiết kế bài học và tổ chức thực hiện, giáo viên nên dành nhiều thời gian cho phần thực hành hơn, không sa đà vào việc cho học sinh tìm hiểu các kiến thức lí thuyết khô khan, khó hiểu khiến học sinh mất đi hứng thú học tập chuyên đề.

Mục tiêu của sách giáo khoa chuyên đề là “soạn theo phương châm thiết thực, gắn tri thức, kỹ năng với thực hành; kết hợp củng cố, hệ thống hóa kiến thức cơ bản với các hoạt động vận dụng nhằm tạo ra các sản phẩm cụ thể”. Vì thế, cần để học sinh được thực hành, được phát huy tính sáng tạo của mình hơn là lại tiếp tục tăng cường, bổ sung kiến thức lý thuyết.

Trong Chương trình GDPT 2018, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.