Bên cạnh những khó khăn, nhiều sáng kiến được thực hiện, có thể áp dụng rộng rãi để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến.
Huy động nguồn lực xã hội
Theo chia sẻ của giáo viên và phụ huynh, học trực tuyến là hình thức mới vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Chất lượng mạng, đường truyền không đồng đều, tính tự chủ của học sinh chưa cao, bài giảng chưa phù hợp… là những thực tế không thể tránh khỏi.
Khó khăn chung được phản ánh nhiều nhất khi học trực tuyến là “mạng chập chờn không ổn định” nên một số học sinh và giáo viên bị “out” ra khỏi giờ học. Bên cạnh đó, một số học sinh không có điện thoại thông minh, phải mượn điện thoại người thân nên bị gián đoạn do có cuộc gọi đến. Không chỉ riêng ở gia đình học sinh hay giáo viên mà đường truyền ở một số trường học chưa ổn định và cần được nâng cấp…
Để tháo gỡ khó khăn, ngành Giáo dục, nhà trường từng bước điều chỉnh trong việc dạy học, bên cạnh đó là kêu gọi sự hỗ trợ của nguồn lực xã hội. Theo thầy Nguyễn Ngọc Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt (Vĩnh Long), trường tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.
Do đó, nhà trường không chỉ dạy mà còn đăng bài giảng lên trang web. Trong những ngày qua đã có hơn 6.000 lượt truy cập. Giáo viên quay clip dạy học sinh phát huy hiệu quả, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Trường cũng thành lập tổ hỗ trợ, giúp giáo viên trong quá trình dạy trực tuyến, trực tiếp ở nhà hoặc đến trường.
Theo thống kê của tỉnh Tiền Giang, số học sinh cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến là hơn 68 nghìn em (chiếm khoảng 30,5% số học sinh đang học trực tuyến). Tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm tặng, hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ đó các em yên tâm học trực tuyến. Như Trường THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang), 8 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gặp khó khi học trực tuyến. Sau khi tìm hiểu, nhà trường tiến hành vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ máy tính bảng cho các em.
Theo thầy Lại Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Thành Trung, bước đầu vận động, nhà trường tiếp nhận được 10 máy tính bảng và trao cho học sinh. Sau khi khối 10, 11 nhập học, nhà trường tiếp tục rà soát và sẽ có giải pháp để hỗ trợ các em có phương tiện học tập.
Theo thầy Nhân, sau thời gian học trực tuyến, dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động dạy, học của nhà trường đã đi vào nền nếp ổn định. Trường quyết tâm không để học sinh nào phải thiệt thòi vì điều kiện khó khăn trong việc học trực tuyến.
Điều chỉnh dạy, học phù hợp thực tế
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, ở cấp tiểu học, tỉnh đã dừng tổ chức các lớp học trực tuyến. Theo đó, phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, bằng cách xây dựng các chuyên đề, câu hỏi để học sinh ôn tập, rèn luyện (hoặc chuyển cho phụ huynh học sinh hướng dẫn) thông qua hình thức gián tiếp (phần mềm dạy học đang thực hiện, Zoom, Zalo, email, Facebook…). “Công tác xã hội hóa của ngành được thực hiện khá tốt. Riêng Sở GD&ĐT đã vận động được trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ phần mềm, điện thoại, mạng 4G, học bổng, sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, ông Luân cho biết.
Tháo gỡ khó khăn trong dạy học trực tuyến, tỉnh Tiền Giang đã điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp. Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, những học sinh không được cha mẹ kèm cặp, hỗ trợ do bận công việc, nhà trường sẽ đề xuất với chính quyền địa phương để huy động cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương để giúp đỡ, hỗ trợ.
Đối với học sinh ở “vùng xanh”, phụ huynh có thể hỗ trợ kèm cặp, giúp đỡ 2 - 3 em cùng lớp, gần nhà để chia sẻ thiết bị học tập, cũng như thuận lợi trong quản lý các em. “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đáp ứng yêu cầu dạy, học trực tuyến, đòi hỏi các trường tùy vào điều kiện mà có giải pháp phù hợp và hiệu quả. Trong giảng dạy trực tuyến, các trường phải linh hoạt từ việc sắp xếp thời khóa biểu, đến xây dựng các chủ đề bài học. Điều đặc biệt là không được gây áp lực nặng nề cho cả giáo viên và học sinh”, ông Trí nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), với học sinh tiểu học, dạy và học trực tuyến sẽ khó hơn nhiều so với các bậc học còn lại. Để chuẩn bị cho việc dạy và học trực tuyến, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện tiết dạy thao giảng tổ trực tuyến để giáo viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên thiết kế các bài tập, tạo ra trò chơi sinh động, để học trò có thể vừa học, vừa chơi, ghi nhớ bài lâu hơn...
Cho rằng khó khăn của việc dạy và học trực tuyến trong những ngày đầu nhất định phải có. Đặc biệt là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện, tuy nhiên rồi mọi việc sẽ đi vào ổn định. Cô Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt, Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) thông tin: Sau khi được tập huấn dạy học trực tuyến các thao tác thuận lợi, nhanh chóng hơn. Giáo viên cũng liên lạc, hướng dẫn cụ thể các thao tác học trực tuyến cho học sinh.