Kịch bản tựu trường, dạy học trong dịch bệnh
Dịch Covid-19 tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp, năm học mới sắp bắt đầu nên công tác chuẩn bị đang được khẩn trương thực hiện. Công tác phòng dịch, lên kịch bản dạy, học ứng phó với tình hình dịch bệnh cũng được xây dựng.
Theo ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, Sở GD&ĐT đã xây dựng kịch bản cho năm học 2021 - 2022 theo 3 phương án: Trong điều kiện bình thường, 100% dạy và học trực tiếp trên lớp. Chỉ dạy và học trực tuyến những nội dung không phải chương trình chính khóa. Nội dung dạy tập trung vào việc bổ trợ, phụ đạo học sinh yếu, kém, nâng cao kiến thức cho học sinh trung bình và bồi dưỡng học sinh khá, giỏi.
Nếu dịch bệnh đang diễn ra nhưng chưa thực hiện giãn cách xã hội, học sinh còn đến trường sẽ thực hiện 70% dạy và học trực tiếp trên lớp, 30% dạy và học trực tuyến. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, học sinh phải nghỉ học thì thực hiện 100% dạy và học trực tuyến và bằng hình thức gián tiếp khác.
Phương án khai giảng năm học cũng được tỉnh Cà Mau xây dựng ứng phó với tình hình dịch bệnh. Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022, sẽ tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Sở xây dựng phương án tổ chức khai giảng với tinh thần gọn, nhẹ và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Khai giảng trực tiếp với thành phần là đại diện chính quyền địa phương, Ban Đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh các khối lớp. Nếu dịch bệnh phức tạp, sẽ khai giảng trực tuyến, giao cho trường tổ chức sao cho hiệu quả nhất. Sở GD&ĐT Cà Mau đã hoàn thành xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tuyến đang lấy ý kiến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh, sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới.
Sở GD&ĐT Kiên Giang đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022. Theo đó, toàn tỉnh sẽ khai giảng vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 5/9. Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lễ khai giảng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT, Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 được tổ chức tại phòng họp trực tuyến của các trường. Học sinh mặc trang phục, tham gia dự tại nhà qua phương tiện thiết bị thông minh. Các trường học liên hệ với cha mẹ học sinh chuẩn bị điều kiện để học sinh tham dự lễ khai giảng trực tuyến. Mỗi trường xây dựng kênh Facebook hoặc YouTube để trực tuyến phần chung lễ khai giảng (đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đánh trống khai trường…).
Linh động ứng phó
Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn. Các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp phải thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài đã tác động đến việc chuẩn bị cho năm học mới. Xác định phải “sống chung với dịch” để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học”, ngành GD-ĐT đã chủ động dự báo tình hình, thực hiện công việc chuẩn bị.
Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định “linh hoạt” trong thực hiện, dự kiến sẽ lùi thời gian nhập học 15 ngày so với quy định của Bộ GD&ĐT. Để đảm bảo kết thúc chương trình, nội dung dạy học cho học sinh, học viên các lớp 9 và 12 kịp tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến cho học sinh từ ngày 5/9. Các lớp còn lại sẽ linh hoạt vận dụng quỹ thời gian dự phòng của năm học (2 tuần) để tổ chức dạy học kịp thời gian quy định của Bộ. Trường hợp trong năm học, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh thời gian dạy học phù hợp.
Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã xây dựng các phương án tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục năm học 2021 - 2022. Trong đó, dự kiến 5 phương án tổ chức dạy học trong học kỳ I. Sở yêu cầu các trường chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học trực tiếp - trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị và tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố…
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sở yêu cầu các trường trung học phải xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến trong mọi diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt lưu ý những học sinh không đủ điều kiện về công nghệ thông tin, nhà trường phải tổ chức giao nhiệm vụ học tập đến tận tay học sinh, nhận sản phẩm học tập của học sinh.
“Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Giáo dục Cần Thơ phải thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, an toàn trường lớp, hoàn thành kế hoạch năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trung học”, ông Nguyễn Phúc Tăng cho biết.
Tỉnh Cà Mau cũng xác định một số khó khăn khi dạy, học trong tình hình dịch bệnh. Theo ông Phạm Hoàng Gan, khó khăn lớn nhất trong việc dạy và học trực tuyến là điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đường truyền Internet và điều kiện học tập của học sinh (điện thoại thông minh, máy tính để bàn có kết nối Internet)... Do vậy, mỗi giáo viên, nhà trường dựa trên điều kiện thực tế để có biện pháp giáo dục phù hợp từng học sinh.