Đồng bằng sông Cửu Long: Không để học sinh bị bỏ lại sau khi học trực tuyến

GD&TĐ - Đến nay có hàng ngàn thiết bị, phương tiện học trực tuyến kịp trao tay học sinh hoàn cảnh khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương đang nỗ lực vận động để học sinh không bị bỏ lại phía sau.

Hội Khuyến học cùng ngành Giáo dục TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đến nhà trao điện thoại cho HS hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến.
Hội Khuyến học cùng ngành Giáo dục TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đến nhà trao điện thoại cho HS hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến.

Hỗ trợ kịp thời HS học trực tuyến

Việc hỗ trợ điều kiện, thiết bị học trực tuyến cho học sinh hoàn cảnh khó khăn ở ĐBSCL được ngành Giáo dục, nhà trường phối hợp với các nguồn lực xã hội khẩn trương thực hiện.

Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”, cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục và các sở, ngành, doanh nghiệp đã hỗ trợ kịp thời cho học sinh qua việc vận động, quyên góp, ủng hộ, trao tặng thiết bị học tập trực truyến, gói truy cập ưu đãi, đường truyền tốc độ cao... Các hoạt động hỗ trợ kịp thời giúp giáo viên, học sinh thuận lợi dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, đến nay, chương trình “ Sóng và máy tính cho em” đã tiếp nhận kinh phí đóng góp hơn 1,7 tỷ đồng. Hiện vật gồm 480 máy tính bảng, điện thoại thông minh mới; 48 máy tính để bàn, 2 laptop, 5 máy tính bảng đã qua sử dụng; 34 máy tính để bàn…

Ngay khi tiếp nhận, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã chuyển giao đến các địa phương, cơ sở giáo dục trong tỉnh để chuyển đến học sinh phục vụ cho việc học trực tuyến. Đến nay, học sinh có thiết bị học trực tuyến đối với cấp Tiểu học (đang dạy cho lớp 5) là 22.132 em, đạt 84,23%. Cấp THCS, số học sinh có thiết bị học trực tuyến là 94.463 em, đạt 93,94%. Cấp THPT số học sinh có thiết bị học trực tuyến là 45.996, đạt 99,26%.

“Nhà em rất khó khăn, cha mẹ thất nghiệp mấy tháng nay nên không có khả năng mua điện thoại cho em học trực tuyến. Thời gian đầu, em phải học nhờ điện thoại với bạn ở gần nhà. Biết được hoàn cảnh, thầy cô, nhà trường đã tặng em điện thoại có kết nối internet. Em rất vui mừng, yên tâm học trực tuyến, không phải lo cảnh học nhờ như trước”.
Em Lâm Mỹ Linh, học sinh lớp 7, Trường THCS Loan Mỹ (huyện Tam Bình, Vĩnh Long).

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, trong thời gian tới, số học sinh sẽ tăng lên do người dân quê Đồng Tháp sinh sống tại TPHCM, Đông Nam Bộ trở về tránh dịch. Sở đề nghị các địa phương thông tin cho người dân sớm đăng ký cho con để việc học không bị gián đoạn. UBND các huyện, thành phố, Phòng GD&ĐT tiếp tục khảo sát, hỗ trợ học sinh lớp 5 và học sinh THCS theo cha mẹ về quê chưa có thiết bị học trực tuyến để có đề xuất và giải pháp hỗ trợ kịp thời thiết bị học tập cho các em.

Thống kê của tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có trên 29.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Trong đó, có gần 5.800 học sinh nghèo, cận nghèo và 110 khu vực nhà trường không có internet.

Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ số tiền trên 3,1 tỷ đồng và hơn 1.000 máy tỉnh bảng cho học sinh Vĩnh Long.

Trao máy tính bảng cho HS nghèo huyện Châu Thành (Tiền Giang).
Trao máy tính bảng cho HS nghèo huyện Châu Thành (Tiền Giang).

Từng bước gỡ khó

Quyết không để học sinh chịu thiệt thòi trong học tập do ảnh hưởng của dịch Covid -19, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, một số trường học đã vận động các tổ chức và cá nhân tặng sách, hỗ trợ các thiết bị học trực tuyến cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Giữa lúc khó khăn của đại dịch, nhiều phụ huynh, học sinh ấm lòng, yên tâm lo chuyện học vì có sự đồng hành của xã hội, nhà trường, thầy cô giáo.

Đến nay, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang tiếp nhận hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Đây là hoạt động ý nghĩa, tạo động lực hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh trang bị thiết bị học tập trực tuyến.

Thống kê của tỉnh Hậu Giang khi dạy học trực tuyến và qua truyền hình, toàn tỉnh còn hơn 60.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học tập.

“Gia đình tôi làm thuê sống qua ngày nhưng mấy tháng nghỉ dịch không có thu nhập, điện thoại cũng không có. Đầu năm học, 3 đứa con chưa đến trường, phải học trực tuyến nên gia đình rất lo. Thấy cảnh các con học nhờ các bạn thương lắm, nhưng nhà quá khó khăn không thể mua điện thoại. Rất may nhà trường kịp thời hỗ trợ điện thoại phục vụ học tập cho con. Cả gia đình rất vui và yên tâm”, chị Sơn Thị Ngọc, ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết.

Tỉnh Tiền Giang cũng có 6.433 học sinh (tỷ lệ 2,31%) chưa có thiết bị học trực tuyến. Ngành Giáo dục, nhà trường đã tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua Chương trình Sóng và máy tính cho em cùng nhiều chương trình ý nghĩa khác.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, đối với địa bàn “vùng xanh” có thể tổ chức học nhóm từ 2 - 3 học sinh để các em có thể chia sẻ thiết bị học tập. Một số trường có thể linh hoạt tổ chức cho học sinh vào phòng máy của trường để học trực tuyến dưới sự hướng dẫn của thầy cô; nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. Còn với những trường hợp quá khó khăn, các thầy cô sẽ in tài liệu, gửi đến học sinh để các em có thể học tập.

Bên cạnh đó, Tiền Giang hiện có khoảng 200 học sinh ở một số tỉnh, thành đang mắc kẹt lại do dịch bệnh. Theo ông Lê Quang Trí, tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất để học sinh ngoài tỉnh mắc kẹt tại Tiền Giang do dịch Covid-19 được tham gia học tập trực tuyến ở các trường học trên địa bàn.

Để hỗ trợ học sinh, TP Cần Thơ tổ chức học trực tuyến tại trường cho học sinh không có thiết bị. Theo đó, nhà trường lập danh sách học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến và thông báo đến phụ huynh, học sinh có nhu cầu học trực tuyến để tham gia trên tinh thần tự nguyện...

Hiện giáo viên chủ nhiệm các lớp thống kê danh sách học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến tại nhà; thông tin với phụ huynh và học sinh về việc tổ chức học trực tuyến tại trường để đăng ký. Trường cũng tổ chức tổng vệ sinh và rà soát lại trang thiết bị, phòng máy tính, đường truyền internet và dung dịch khử khuẩn, khẩu trang... để đảm bảo công tác tổ chức dạy học.
Thầy Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ