Tháo gỡ khó khăn đáp ứng phương tiện học trực tuyến cho học sinh ĐBSCL

GD&TĐ - Tại ĐBSCL, có hàng nghìn HS không đủ phương tiện học trực tuyến. Từ chương trình Sóng và máy tính cho em cùng nguồn vận động, nhiều thiết bị học trực tuyến kịp thời đến tay HS nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

HS hoàn cảnh khó khăn Trường THCS-THPT Ngô Văn Nhạc, huyện Cái Bè (Tiền Giang) được hỗ trợ điện thoại thông minh học trực tuyến.
HS hoàn cảnh khó khăn Trường THCS-THPT Ngô Văn Nhạc, huyện Cái Bè (Tiền Giang) được hỗ trợ điện thoại thông minh học trực tuyến.

Vừa tặng, vừa cho mượn thiết bị để HS học trực tuyến

Tại tỉnh Đồng Tháp, ngay sau khi phát động chương trình Sóng và máy tính cho em, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ. Đến nay, chương trình đã nhận được số tiền mặt hơn 1,1 tỷ đồng và hàng ngàn trang thiết bị, phương tiện phục vụ học trực tuyến.

Qua thống kê toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 35.000 học sinh, học viên từ bậc Tiểu học đến THPT thiếu thiết bị học trực tuyến. Hưởng ứng chương trình Sóng và máy tính cho em, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp đã tặng máy tính bảng, điện thoại thông minh cho học sinh.

Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn Phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, ngay sau khi tiếp nhận, Sở GD&ĐT đã phân phối máy tính bảng cho các trường THPT và Trung tâm GDTX để hỗ trợ cho học sinh, học viên lớp 12 chưa có thiết bị học trực tuyến. Dự kiến đến cuối tháng 9/2021, có 100% học sinh, học viên lớp 12 có thiết bị học tập trực tuyến, sau đó tiếp tục thực hiện ở các lớp khác.

Trong Chương trình Sóng và máy tính cho em, tỉnh Đồng Tháp đang vận động 20.000 trang thiết bị cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn...

Tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Tháp cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ phương tiện cho học sinh học trực tuyến. Huyện đoàn Cao Lãnh cùng các cơ sở Đoàn đã vận động trao tặng 11 điện thoại di động, 3 máy vi tính, 4 sim miễn cước 3 tháng cho học sinh nghèo, khó khăn trên địa bàn huyện. Học sinh không có phương tiện học trực tuyến được mượn điện thoại cũ, máy tính bảng, laptop, sim 4G…

Cô Đồng Anh Đào, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết: Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 1.564 học sinh theo học ở 3 khối lớp. Sau khi rà soát thống kê học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, nhà trường xây dựng “Thư viện thiết bị điện tử tình thương” nhằm hỗ trợ kịp thời cho học sinh. “Thư viện thiết bị điện tử tình thương” đã kêu gọi vận động được nhiều thiết bị thông minh và 70 sim 4G miễn phí data, kịp thời hỗ trợ học sinh…

Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự phối hợp với Trung tâm Viễn thông Hồng Ngự, Phòng Bán hàng Hồng Ngự, VNPT Đồng Tháp hỗ trợ Sim 4G cho học sinh chưa có internet. Nhà trường sẽ hỗ trợ học sinh trong những tháng tiếp theo (khoảng 49.000 đồng/tháng/học sinh).

Năm học 2021 - 2022, TP Cần Thơ thống kê có khoảng 4.400 em không có thiết bị công nghệ, cần được hỗ trợ. Để hỗ trợ, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi các công ty kinh doanh thiết bị thông minh phối hợp, hỗ trợ cung cấp các thiết bị thông minh (ipad, điện thoại, máy tính...) với giá ưu đãi cho giáo viên và học sinh trong mùa dịch Covid-19. Nhiều trường còn xây dựng thư viện thiết bị điện tử; thay vì cho mượn sách thì cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng để có thể tham gia lớp học trực tuyến…

Nhờ sự chung tay của cộng đồng, nhiều HS hoàn cảnh khó khăn đã có phương tiện học trực tuyến.
Nhờ sự chung tay của cộng đồng, nhiều HS hoàn cảnh khó khăn đã có phương tiện học trực tuyến.

Học sinh nghèo yên tâm học tập

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 còn hơn 13.800 em chưa có thiết bị để học trực tuyến. Trước hoàn cảnh khó khăn của nhiều học sinh, Sở GD&ĐT đã vận động Viettel Cà Mau và một số doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh tài trợ 500 điện thoại thông minh để các em có điều kiện học trực tuyến.

Ngoài ra, Sở cũng đã vận động trao hơn 1.000 suất học bổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Sở GD&ĐT Cà Mau đang tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành có liên quan, các đơn vị cung cấp dịch vụ để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, phối hợp với Tỉnh Đoàn để triển khai chương trình tiếp sức học sinh học trực tuyến tại nhà như: Hướng dẫn học sinh truy cập, hướng dẫn học bài và hỗ trợ phương tiện học tập theo nhóm học sinh ở từng địa bàn nhỏ, lẻ...

Thống kê của Sở GD-KH&CN tỉnh Bạc Liêu, đối với cấp THCS, THPT, còn khoảng 16% học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến. Như huyện Vĩnh Lợi cấp THCS có hơn 770 học sinh, huyện Hòa Bình có hơn 1.100 học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Nhiều học sinh không có điều kiện tham gia học tập trên truyền hình…

Tháo gỡ khó khăn này, ngành Giáo dục địa phương có thư ngỏ kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, mạnh thường quân hỗ trợ thiết bị cho học sinh. Đến nay đã có nhiều đơn vị hưởng ứng việc tài trợ điện thoại, sim kết nối sóng 3G; nhiều công ty, doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ ngành Giáo dục nhằm chung tay giúp học sinh có thêm điều kiện để học tập trực tuyến…

Em Phạm Thị Thu Hồng, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang sinh sống tại Cơ sở Bảo trợ xã hội. Bước vào học trực tuyến, em rất lo lắng vì không có thiết bị. Biết được hoàn cảnh, nhà trường kịp thời trao tặng thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến cho em Hồng.

“Em hạnh phúc, vui mừng vô cùng khi nhận được máy tính bảng và sim 4G từ nhà trường. Sự quan tâm, hỗ trợ đã kịp thời giúp em có điều kiện học trực tuyến cùng các bạn. Em hứa sẽ cố gắng học thật tốt”, Thu Hồng chia sẻ.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.