Giúp trò đọc và trưởng thành cùng sách

GD&TĐ - Câu lạc bộ sách Gió Đông do cô Đoàn Xuân Nhung thành lập, đã mang lại hiệu quả thiết thực, trong việc thu hút học sinh đọc và trưởng thành cùng sách.

Sinh hoạt giao lưu với các nhà văn, nhà báo trong chương trình Hương Sách. Ảnh: NVCC
Sinh hoạt giao lưu với các nhà văn, nhà báo trong chương trình Hương Sách. Ảnh: NVCC

Hơn chục năm qua, cô Đoàn Xuân Nhung - giáo viên dạy Văn, Trường THCS Võ Trường Toản, Quận 1, TPHCM đã miệt mài thực hiện ước mơ “ươm mầm” văn hoá đọc cho học trò.

Câu lạc bộ (CLB) sách Gió Đông do cô thành lập đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thu hút học sinh đọc và trưởng thành cùng sách.

Ngọn “Gió Đông” ấm áp

Trong dịp thực hiện chuyên đề Văn cấp quận năm học 2017 – 2018, cô Nhung nảy sinh ý định lập CLB đọc sách, sau khi trải nghiệm một hoạt động liên quan đến việc giới thiệu sách đã đọc và một số tác phẩm nhỏ do học sinh tự sáng tác. CLB Gió Đông được cô thành lập sau đó ít lâu, đã nhận được sự động viên và tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường.

“Gió Đông - một ngọn gió ấm áp mở đầu cho sự sống mới, hướng các thành viên của CLB thổi tâm hồn mình vào lời văn, ý thơ tạo nên tác phẩm văn học có ý nghĩa, sức sống, chân thực, sinh động và mang tính riêng biệt”, cô Nhung nói.

Nguồn sách ban đầu các thành viên trong CLB sử dụng từ thư viện trường và sách cá nhân. Sau các hội thi, CLB được tặng thưởng một số đầu sách. Số sách này trao lại phần lớn cho thư viện trường để học sinh các khối sử dụng trong tiết đọc sách ở thư viện.

Cô Nhung cho biết, hiện tại, sách các em sử dụng tại thư viện khoảng 2 nghìn quyển. Nguồn sách có thể bổ sung bằng việc học sinh đổi sách cho nhau và đọc luân phiên trong giờ chơi hoặc về nhà. Một số thể loại sách thường đọc như lịch sử, khoa học, tác phẩm văn học trong nước và nước ngoài; truyện về danh nhân, thiếu nhi, trinh thám...

Ngoài đọc sách, học sinh trong CLB có thể sáng tác, trải nghiệm làm phóng viên nhí phỏng vấn khách du lịch trong và ngoài nước, thuyết minh về các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…

Học sinh thực hiện sản phẩm sau khi đọc trong hội thi Lớn lên cùng sách ở trường. Ảnh: NVCC

Học sinh thực hiện sản phẩm sau khi đọc trong hội thi Lớn lên cùng sách ở trường. Ảnh: NVCC

Nỗ lực “ươm mầm” văn hoá đọc

Trong thời buổi công nghệ, nhận thấy học sinh ngày càng ít đọc sách và bị thu hút bởi các kênh mạng xã hội…, cô Nhung luôn trăn trở làm cách nào để thu hút nhiều học sinh đến với văn hoá đọc.

Ngoài kiến thức trong chương trình, cô thường lồng ghép các hoạt động của CLB vào tiết văn học và tiết mình chủ nhiệm. Những giờ học, kể chuyện, sinh hoạt cũng vì thế mà bớt khô khan và trở nên sinh động, kết nối cô trò gần gũi hơn.

Để tăng tính tương tác, biết cách làm việc nhóm, cô chia 37 học sinh lớp về 4 nhóm khác nhau. Các em sẽ làm bài tập theo nhóm và chủ động phân chia công việc cho thành viên.

Trong những tiết dạy, cô hướng dẫn học sinh đọc sách mở rộng theo thể loại, chủ đề, tác giả hay giới thiệu với các em một số tác phẩm văn học cùng tác giả đã học.

Cùng đó, cô tổ chức giờ đọc sách ở thư viện để học sinh trao đổi cảm nhận, suy nghĩ về tác phẩm. Những buổi đọc sách trên, cô đều quay video và lưu lại trên Facebook của CLB để học sinh xem lại và có hứng thú cho buổi đọc sách tiếp theo.

“Tôi không ngừng động viên học sinh viết cảm nhận về quyển sách đã đọc trên page Gió Đông. CLB cũng tạo sinh hoạt vui chơi kết hợp với mỹ thuật như vẽ bìa sách…”, cô Nhung kể.

Nhận thấy hiệu quả đem lại từ CLB đọc sách, cô Nhung tạo thêm cảm hứng bằng cách dẫn học sinh tham gia các buổi giới thiệu sách mới. Các em có dịp giao tiếp, làm quen với các nhà văn, nhà thơ, nắm được một số quy trình cơ bản để có thể xuất bản một ấn phẩm sách báo.

Mong nhiều học sinh đến CLB

Vốn có thói quen đọc sách từ năm lớp 3 nên khi biết CLB Gió Đông, Kim Đào (lớp 6/2) lập tức tham gia. Thông qua việc trao đổi làm bài tập của CLB, Đào trở nên tự tin, dạn dĩ hơn khi nói chuyện trước đám đông.

Còn Minh Quân (lớp 6/2) cho biết, thời gian đầu, em bỡ ngỡ bởi trường, bạn mới nên ngại giao tiếp. Sau khi tham gia các hoạt động thuyết trình của CLB, Quân trở nên tự tin và biết cách đọc sách hiệu quả.

“Nhớ lần đầu thuyết trình, có bạn hỏi khó khiến nhóm em không biết cách trả lời. Rút kinh nghiệm những lần sau, khi chuẩn bị thuyết trình, em đặt mình vào người nghe, dự trù những câu hỏi có thể xảy ra. Nhờ vậy, kỹ năng ứng biến của em cải thiện hơn”, Quân kể.

Cô Nhung và học sinh tham gia sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách tại lớp. Ảnh: NVCC

Cô Nhung và học sinh tham gia sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách tại lớp. Ảnh: NVCC

Từ việc chịu khó đọc sách, học sinh của cô Nhung tiến bộ hơn về nhiều phương diện như kỹ năng sống, vốn tri thức. Khả năng ngôn ngữ cũng linh hoạt hơn, đặc biệt các em có tâm hồn phong phú, tình cảm hơn.

Chia sẻ về cảm xúc khi ngắm nhìn học sinh say mê đọc sách, cô Nhung cho biết: “Hình ảnh ấy như chuyến tàu đưa tôi trở về tuổi thơ. Tôi ước ao có thể tập hợp đầy đủ thành viên từ nhiều thế hệ khác nhau để ngồi lại chia sẻ về sách, những gì đã đọc, trải nghiệm”.

Không chỉ “ươm mầm” văn hoá đọc sách cho học sinh, cô Nhung còn mong trong tương lai CLB đọc sách sẽ thu hút được nhiều thành viên hơn, có thể kết nối với một số nhà xuất bản để xuất bản một số quyển sách như phê bình (cảm nhận sách), sáng tác truyện thơ của thiếu nhi.

Cô giáo với mái tóc đã lấm tấm hoa râm vẫn luôn đau đáu nỗi trăn trở chưa có điều kiện mang Gió Đông đến với những bạn trẻ yêu sách khác. Cô thầm mong, trong các buổi sinh hoạt sắp tới sẽ có nhiều thành viên quay trở về sinh hoạt chung, cùng nói rằng “Gió Đông là thanh xuân của chúng em”.

Tháng 6/2020, khi tham gia gửi bài viết cảm nhận sách cho cuộc thi “Đọc sách trong cộng đồng” do UBND Quận 1, TPHCM tổ chức, thành viên trong CLB Gió Đông đoạt tổng cộng 26 giải thưởng cá nhân và tập thể. Trong đó có 1 giải Nhất cá nhân, 1 giải Ba cá nhân, 23 giải Khuyến khích cá nhân và 1 giải tập thể có thành tích xuất sắc về chất lượng bài dự thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.