Tuy nhiên, không phải trẻ nhỏ nào cũng được sống trong môi trường sống đó. Điển hình như những gia đình nhỏ sống xa quê, lập nghiệp ở nơi xa trẻ nhỏ luôn gặp khó khăn vì phải đến môi trường sống mới.
Khi trẻ thiếu vắng bạn chơi
Chị Huyền My có con trai năm nay 3 tuổi kể: Nhớ lại hồi bé Bi được 5 tháng tuổi tôi đã cho con theo chồng sang Pháp sinh sống mà thương con rớt nước mắt. Hồi đó, ai cũng nhìn thấy bé Bi mũm mĩm, đáng yêu, miệng lúc nào cũng toe toét. Nhiều người nói Bi sướng nhưng có mấy ai hay Bi bé tí như thế cũng chịu nhiều vất vả lắm đâu? Đúng thật là về vật chất, con chưa từng sống khổ một ngày nào. Từ khi bé tí con đã được ở nước ngoài... Nhưng có ai nghĩ rằng bé thế mà Bi đã phải vượt kha khá những lần chuyển ngôn ngữ; chuyển môi trường sống; học cách thích nghi liên tục với mọi thứ mới?
Mỗi lần như thế quả là một thử thách lớn với một người lớn như tôi chứ nói gì đến một đứa trẻ nhỏ như Bi. Tôi nhớ những ngày đầu tiên mới sang Pháp, nhận được điện thoại của gia đình bên Việt Nam gọi sang, tôi mừng vui bế cu Bi cùng nghe. Hình như lúc đó cu Bi mơ hồ nhận ra tiếng của người thân, nó đã khóc ngặt.
Nó đưa mắt liên láo khắp nhà, nó nhoài người nhìn mọi chỗ, nó tìm kiếm người thân... Nhưng nó tìm hoài không được, nó gào lên, nó khóc nấc nhưng cũng không thấy ai ngoài mẹ. Nó tiếp tục cơn khóc trong khoảng nửa giờ, mặc kệ mẹ nựng nịu, rồi mệt nó ngủ. Lúc đó tôi cũng hoảng sợ, chỉ biết ôm con và dỗ cho con nín. Từ đó tôi sợ không dám cho con nghe điện thoại nữa.
Rồi sau đó là khoảng thời gian chỉ có hai mẹ con ở nhà với nhau. Một cuộc chiến không nhỏ của người lần đầu làm mẹ, với xung quanh là bỉm, sữa và một nơi xì xà xì xồ. Cả ngày 2 mẹ con ôm nhau, chờ mong buổi tối bố về và ai đó tới chơi. Bi ngày càng trở nên ít nói, nó thường im lặng, ko hóng hớt, toe toét như hồi ở nhà với ông bà và người thân ở Việt Nam. Và tôi lờ mờ hiểu ra con đang bị sốc tâm lý vì thay đổi môi trường sống.
Đến khi con đầy tuổi, có một bạn nhỏ chạc tuổi con mới từ Việt Nam qua. Tôi mừng lắm vì con đã có bạn rồi. Lần đầu tiên bạn sang chơi Bi nhìn thấy bạn nhưng không chơi cùng mà ôm chặt lấy mẹ. Mẹ nựng Bi và thả 2 bạn vào cũi cùng đồ chơi, 2 đứa ngồi im tự chơi. Bạn nó vốn là đứa hiếu động, mới từ Việt Nam sang nên rất vui vẻ, hay cười và hét rất to. Nghe bạn hét, Bi khóc thét lên. Mẹ quan sát rất kỹ thấy Bi lạ tiếng hét, lạ có bạn chơi cùng và không biết phải chơi cùng bạn thế nào...
Ngay lúc ấy tôi thương con như muốn khóc rồi tôi tự trấn an mình. Và tôi chợt này ra quyết định, chính tôi chứ không ai khác có thể giúp con hòa nhập với bạn. Kết quả là tôi đã bỏ tất cả mọi việc nhà, nhảy vào cái cũi cùng ngồi chơi với 2 đứa trẻ. Thật may, sau đó 20 phút, Bi đã hết sợ và chấp nhận ngồi chơi cùng bạn, dù là vẫn không chơi được với nhau. Sau đó phải mất một thời gian Bi và bạn mới chơi được với nhau, rồi thích gặp nhau hơn...
Đến khi Bi 3 tuổi, con đã là một đứa bé trai ngoan ngoãn, bụ bẫm, đáng yêu, cái miệng luôn bi bô hát và nói: "Con yêu mẹ nhất trên đời..." tôi cảm thấy thật hạnh phúc và mới được thở phào nhẹ nhõm. Và giờ đây con trai tôi 5 tuổi cháu đã biết rất nhiều điều và nói tiếng Pháp rất giỏi nhưng tiếng Việt thì lại “lơ lớ” đôi lúc còn nói ngọng do chỉ được giao tiếp ở nhà với bố mẹ. Nhưng dù sao tôi cũng rất mừng vì con đã lớn khôn, không bị tự kỷ như hồi đầu mới sang Pháp khiến tôi lo lắng.
Bây giờ nhìn những đứa trẻ mới theo bố mẹ sang bên này tôi lại nhớ đến hình ảnh cu Bi của tôi ngày trước. Thật, người ngoài nhìn vào thì mơ ước cuộc sống của mẹ con tôi vì lúc nào cũng thấy chúng tôi rạng rỡ, tươi cười bên nhau. Nhưng bên cạnh đó mẹ con tôi cũng đã chịu không ít thiệt thòi đó là phải sống xa gia đình, người thân. Con tôi không được sống trong môi trường có ông bà che chở, yêu thương, không có nhiều bạn bè chơi cùng.
Tạo môi trường sống giúp trẻ hòa nhập sớm
Với những gia đình trẻ di cư ra nước ngoài học tập, làm ăn... họ đã gặp phải không ít những khó khăn, vất vả trong đó có: sự bất đồng về ngôn ngữ, môi trường sống, cộng đồng xung quanh... Nhiều người lớn đã không thích nghi được họ đã về nước sinh sống. Thế nhưng với những đứa trẻ nhỏ như cu Bi theo bố mẹ ra nước ngoài từ lúc 5 tháng tuổi, em cũng có nỗi khổ của đứa trẻ nhỏ: Không có bạn chơi, môi trường sống thay đổi... Là cậu bé con nhưng cu Bi đã có những cảm nhận sự lạ lẫm của một môi trường sống mới, cu Bi đã khóc rất nhiều.
Là người mẹ chị Huyền Mi đã rất nhạy cảm và có cách giúp con hòa nhập với môi trường sống mới. Chị đã không những làm chức năng của người mẹ mà còn có những lúc hóa thân thành trẻ nhỏ để chơi với con, giúp con hòa nhập với bạn mới. Đó cũng là một cách hay.
Theo các nhà tâm lý học, trẻ em luôn có khả năng thích nghi môi trường sống mới. Vì vậy với những đứa trẻ buộc phải thay đổi môi trường sống như cu Bi sẽ không gặp khó khăn trở ngại nhiều. Chỉ cần cha mẹ chịu khó giúp trẻ rèn luyện sớm về khả năng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới, dần dần trẻ sẽ quen và có khả năng giao tiếp với những người xung quanh.
Các nhà tâm lý cũng phân tích rằng, khả năng tương tác, hòa nhập của trẻ với người bạn mới phụ thuộc vào tính cách của mỗi trẻ. Nếu một đứa trẻ khó khăn khi giao tiếp, tương tác với bạn bè, thầy cô, có một số cách mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ.
Theo bà Efriyani Djuwita, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Indonesia thì cha mẹ có thể trao đổi với giáo viên của trẻ về sự khó khăn trong giao tiếp, thích nghi của trẻ với bạn bè, thầy cô. Bằng cách đó thầy cô giáo ở trường có thể có phương pháp hợp lý giúp trẻ giao tiếp với môi trường xung quanh.
Khi về nhà, cha mẹ nên hỏi han tình hình học tập, vui chơi ở trường của con để cùng chia sẻ với con, giúp con cởi mở hơn, nói chuyện với con nhiều hơn về trường lớp, các bạn học... Khi nói chuyện với con cha mẹ nên chú ý hướng trẻ đến những điều tích cực bằng những từ ngữ khen ngợi trẻ và bạn bè, cô giáo của trẻ, tạo hứng thú và niềm vui cho trẻ về môi trường mới. Dần dần trẻ sẽ quen và hòa nhập rất nhanh, bởi bản chất của trẻ nhỏ là rất dễ làm quen cho nên cũng rất nhanh chóng hòa nhập.