Cha mẹ hãy là người hướng cho con dùng mạng xã hội một cách thông minh.
- Trẻ sử dụng vào mục đích chính đáng: Muốn được vậy thì nên tập cho trẻ thói quen sử dụng Facebook lành mạnh (dùng để học tập, vui chơi, chia sẻ những điều bổ ích) và phân bổ thời gian hợp lý, tránh gây nghiện Facebook.
Có chọn lọc vào nguồn tin đọc được: Nên giúp trẻ tập thói quen sàng lọc trước mạng lưới thông tin khổng lồ, tránh bị lừa gạt hoặc bị người khác lợi dụng cho những mục đích xấu.
Không nên phát ngôn bừa bãi và tức thời: Facebook vừa mang tính chất cá nhân vừa mang tính cộng đồng, vì vậy cần giúp trẻ điều chỉnh thái độ với các vấn đề xã hội, nhìn nhận một cách khách quan, không nên bốc đồng, đăng những nội dung mang tính chất nhất thời bộc phát. Đồng thời, trẻ cũng không nên tham gia những bài tranh luận mang tính chất công kích, bày tỏ thị phi, không chia sẻ những thông tin chưa được xác thực để tránh bị lợi dụng và gây nguy hại cho người khác.
Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân thường xuyên: Ngày nay, đã có nhiều nhóm người xấu lợi dụng mạng xã hội cho mục đích phi pháp, vì vậy, việc thường xuyên cập nhật thông tin về bản thân sẽ giúp kẻ xấu nắm rõ mọi hành vi của bản thân, người lớn cần nhắc nhở và tập cho trẻ thói quen bảo mật thông tin.
Không nên trò chuyện và kết bạn với những người lạ: Tập cho trẻ thói quen cảnh giác với người lạ đưa ra những lời khen về hình ảnh của trẻ trên mạng, chỉ nên kết bạn với những người đã gặp ngoài đời và có sự giao tiếp ở mức độ tin cậy nhất định.
Hướng dẫn trẻ những tiện ích mang lại kết quả trong học tập và công việc: Giúp trẻ khám phá những tính năng thú vị và bổ ích của Facebook, ứng dụng vào việc học và tham gia các hoạt động xã hội.
Tại sao trẻ lại dè chừng bố mẹ trong khi lại dễ dàng “kết bạn” với người lạ và thoải mái tâm sự với những người chưa hề gặp mặt trên mạng xã hội?
- Mạng xã hội là nơi trẻ có thể bày tỏ một “tính cách” khác của bản thân (cả tiêu cực và tích cực) trái ngược hoàn toàn với những gì cha mẹ thường thấy, hay nói cách khác, với một số trường hợp, mạng xã hội được xem như thế giới ảo, là nơi trẻ thể hiện cái tôi của bản thân. Thêm vào đó, những chuyến đi chơi cùng bạn bè, những tấm ảnh thể hiện sự nổi loạn và những dòng status tâm trạng của trẻ cũng ngại sự quan tâm và lo lắng thái quá của cha mẹ.
Đối với trẻ, cha mẹ là những người thân thiết nhất, nhưng cũng là những người xa lạ nhất. Trẻ có thể chia sẻ những vấn đề thường nhật với cha mẹ, nhưng trong một số trường hợp, những vấn đề nhạy cảm như tình yêu, tình bạn… trẻ thường che giấu và chia sẻ với người khác, cụ thể là sử dụng mạng xã hội để giao lưu, kết bạn với những người không biết rõ trẻ là ai.
Để quản lý con trên mạng xã hội, bố mẹ đặt ra những quy tắc sử dụng Facebook và yêu cầu con phải làm theo hoặc bố mẹ theo dõi Facebook của con và nhắc nhở khi cần thiết, điều này có ổn không?
- Trẻ em là lứa tuổi ưa thích sự khám phá, tìm tòi và mong muốn trở thành người lớn. Vì vậy sự cấm cản và những quy tắc do cha mẹ đặt ra càng kích thích tính tò mò của trẻ, khiến trẻ đưa ra nhiều suy đoán “thú vị” đằng sau những lời nhắc nhở, dẫn đến việc trẻ luôn tìm cách “vượt rào” để tự trải nghiệm. Cộng với tâm lý vừa lo sợ vừa háo hức, trẻ sẽ nghĩ ra nhiều biện pháp để che giấu cha mẹ.
Ngày nay với sức mạnh của mạng truyền thông và khả năng tiếp thu có chọn lọc vẫn còn hạn chế của trẻ, kèm theo đó cái tôi cao và thích chứng tỏ, trẻ chưa có khả năng nhận thức và phân tích chuẩn xác. Trẻ sẽ luôn muốn có không gian riêng, muốn nhận được sự quan tâm và luôn tìm kiếm sự quan tâm dưới nhiều hình thức khác nhau (post hình gợi cảm, status gây shock…).
Trẻ ở lứa tuổi này thường có xu hướng thể hiện mình trên mạng xã hội nhiều hơn, bày tỏ mặt tính cách mà cha mẹ chưa biết đến, vì vậy việc theo dõi trẻ một cách âm thầm ở khía cạnh nhất định được cho là cần thiết, tuy nhiên việc theo dõi cần mang tính tích cực, quan tâm trẻ ở một chừng mực nhất định và tuyệt đối không can thiệp trực tiếp vào những vấn đề của trẻ. Biện pháp này giống như con dao hai lưỡi, nếu cha mẹ không khéo trong cách ứng xử, sẽ tạo cho trẻ cảm giác gò bó, bị quản lý dẫn đến việc phản kháng ngoài ý muốn.
Cha mẹ nên kết bạn với trẻ và nói rõ cho trẻ biết, một phần giúp trẻ nhận biết được sự quan tâm và dõi theo của gia đình, giúp trẻ cẩn thận trong lời nói, tự giới hạn bản thân và tạo sự gần gũi với gia đình. Khi phát hiện trẻ có vấn đề cần giúp đỡ, cha mẹ nên nhẹ nhàng khuyên giải và đưa ra những ví dụ sinh động để trẻ tự nhận thức, phân biệt đúng sai, không nên quá gay gắt và chì chiết trẻ.
Khi con đã rơi vào vùng xoáy nguy hiểm của mạng xã hội như bị bạn bè bêu xấu, bị lộ hình ảnh nhạy cảm… thì bố mẹ nên ứng xử thế nào?
- Khi trẻ gặp bất kỳ vấn đề nào liên quan đến mạng xã hội thì gia đình chính là nơi để trẻ nương tựa và trông đợi sự giúp đỡ. Vì vậy, là bậc cha mẹ, cần phải bình tĩnh tìm hiểu, giúp đỡ, trấn an trẻ và đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Trong giai đoạn này, trẻ có thể gặp nhiều áp lực về trường lớp vì vậy thái độ của cha mẹ cần phải cởi mở, hòa nhã, để trẻ hiểu rõ, gia đình là nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón trẻ, là nơi trẻ có thể an tâm trải lòng và bày tỏ.
Nếu trẻ gặp phải những vấn đề liên quan đến bạn bè (nói xấu, bêu riếu…), cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc của những lời nói xấu, nếu trẻ có lỗi, cha mẹ cũng nên khuyên giải nhẹ nhàng và phân tích cho trẻ hiểu rõ, động viên trẻ nhìn nhận lỗi của mình và khắc phục, không nên nặng lời trách móc khiến trẻ hoảng loạn.
Đối với những vấn đề nghiêm trọng và ảnh hưởng đến danh dự, tương lai của trẻ, cha mẹ cần phải kịp thời can thiệp, cần giúp trẻ ổn định tinh thần, kết hợp với nhà trường và những nơi có liên quan để bảo vệ quyền lợi và giúp trẻ hòa nhập trở lại với cuộc sống. Thêm vào đó, sau khi giải quyết vấn đề, cha mẹ vẫn nên theo sát để chăm sóc và trấn định tinh thần cho trẻ.
Mạng xã hội có một sức mạnh vô hình và khả năng lan truyền rộng lớn, cha mẹ là người đầu tiên cần phải thông suốt, những việc đã xảy ra không thể thay đổi, việc cần làm là bảo vệ trẻ và giải quyết những vấn đề trước mắt.
Xin cảm ơn anh!