Giúp học sinh tự soạn bài môn Toán

GD&TĐ - Việc giảng dạy môn Toán hiện nay là dạy cho học sinh biết dự đoán, suy luận có lý trên cơ sở nền tảng kiến thức xuyên suốt quá trình học.

Ảnh minh họa: Thiên Thanh
Ảnh minh họa: Thiên Thanh

Nó rèn luyện kỹ năng tính toán để giúp các em học tốt môn khác, rèn luyện óc tư duy sáng tạo, khả năng tư duy logic và khoa học.

Quan tâm hơn tới môn học

Khi dạy lớp học theo Mô hình Trường học mới, tôi thấy đa số các em ghi bài theo các mục trong sách hướng dẫn học toán. Do không hệ thống được kiến thức trọng tâm, khi hỏi lại nội dung chính của bài, các em mơ hồ không xác định được nên trả lời sai, hơn nữa không vận dụng được vào giải bài tập…

Trong khi đó, chương trình dạy và học theo Mô hình Trường học mới lại là nền tảng để tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới. Việc dạy học toán, giải toán giúp học sinh có điều kiện rèn luyện và phát triển năng lực tư duy, phương pháp suy luận và những phẩm chất cần thiết của con người mới.

Giải toán không chỉ giúp cho học sinh thực hành, vận dụng những kiến thức đã học, mà còn rèn cho học sinh khả năng diễn đạt ngôn ngữ qua việc trình bày lời giải một cách rõ ràng, mạch lạc, chính xác, khoa học. Song song đó, còn giáo dục học sinh về nhìn nhận vấn đề, tổng hợp kiến thức, xác định nội dung bài học.

Điều này đòi hỏi giáo viên cần vận dụng những phương pháp dạy học tích cực từ định hướng đổi mới sao cho phù hợp đặc điểm từng lớp học, môn học. Qua đó, bồi dưỡng phương pháp tự học, tự rèn, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho các em.

Sau một thời gian dạy học, nghiên cứu, lao động, sáng tạo, kinh nghiệm được rút ra là: Thầy cô phải nỗ lực vượt khó, nắm vững kiến thức chương trình môn Toán của từng khối lớp, mỗi bài học, tính logic của mạch kiến thức THCS, thành thạo phương pháp dạy học.

Trong giờ học, giáo viên là người cố vấn, hướng dẫn học sinh điều hành giờ học. Và quan trọng hơn nữa, giáo viên phải hiểu đối tượng mình đang dạy, giải thích cho học sinh biết cách sử dụng sách hướng dẫn để học tốt môn Toán.

Ví dụ: Nội dung “Mục tiêu” ở sách, đó chính là yêu cầu các em học xong bài là phải đạt yêu cầu đó. Ở “Hoạt động khởi động” là kiểm tra lại kiến thức có liên quan đến bài sắp học hoặc trò chơi để tạo hứng thú hay dẫn dắt để hình thành kiến thức trọng tâm.

Ở “Hoạt động hình thành kiến thức” là trọng tâm của bài và yêu cầu học sinh trả lời được kiến thức mới là gì (tên, định nghĩa, định lý về cái gì?…). Là người thầy hướng dẫn, rèn luyện nên phải có kế hoạch ở mỗi giờ lên lớp, chuẩn bị những yêu cầu, câu hỏi rõ ràng để học sinh giải quyết. Bài tập cho học sinh luyện tập chỉ vừa phải, có đầu tư tham khảo và sử dụng kiến thức sát đối tượng.

Ngoài ra, còn có biện pháp giúp học sinh rèn luyện các năng lực còn tiềm ẩn, quan sát kỹ hoạt động của các em để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Qua đó, hướng dẫn các em hình thành kiến thức, huy động để phát triển vốn công thức, phát triển năng lực giải quyết vấn đề bằng phân tích và tổng hợp để hoàn thiện nội dung kiến thức...

Thầy cô thấu hiểu, học trò tiến bộ

Các em cần chăm chỉ học tập, siêng năng trong các hoạt động; biết tìm tòi khám phá cái hay, cái mới trong quá trình hình thành kiến thức, luyện tập và vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống. Quan trọng hơn là sự hợp tác trong giờ học, nâng cao khả năng quản lý điều hành giờ học, cần xây dựng tinh thần đoàn kết thảo luận và chắt lọc kiến thức trọng tâm của bài. Các em cần rèn luyện tinh thần dũng cảm, tự tin, khả năng sử dụng ngôn ngữ toán học để diễn đạt và trình bày kết quả trước tập thể, trước thầy cô giáo.

Sau khi áp dụng phương pháp dạy học mới, đa số học sinh giải quyết được yêu cầu của giáo viên đã đưa ra, trả lời các câu hỏi đặt ra. Các em cũng tự tin trình bày ý kiến cá nhân, tự phân tích nội dung, tổng hợp và hoàn thiện nội dung kiến thức của bài học.

Nhờ hiểu bài chắc hơn, khắc sâu được kiến thức bài học, các em làm được nhiều bài tập luyện tập, đặc biệt là  khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết bài toán liên quan đến thực tế cuộc sống, các em hứng thú với giờ học hơn...

Sự tiến bộ hơn nữa là học sinh được phát triển kỹ năng sống, kỹ năng quản lý thông qua việc đảm nhiệm vai trò “chủ tịch hội đồng tự quản, thư kí…”. Học sinh biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các bạn, biết bày tỏ quan điểm/ý kiến và trình bày mạch lạc kết quả làm việc chung của cả nhóm...

Sự chủ động trong học tập của học sinh giúp giáo viên không phải nói nhiều trên lớp, chỉ đóng vai trò cố vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, quan sát và kết luận giờ học. Có được kết quả trên do sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò trong năm học, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của ban lãnh đạo nhà trường, đoàn thể đã tạo môi trường học tập phù hợp. Bên cạnh đó là được sự chia sẻ của giáo viên các bộ môn khác và tạo điều kiện học tập của cha mẹ học sinh.

Khi đã hình thành thói quen học tập, giúp học sinh yếu, trung bình có thể tiếp cận kiến thức không còn khó như trước. Học sinh khá, giỏi ngoài việc xây dựng kiến thức hoàn thiện bài học còn có thể mở rộng vận dụng vào thực tế cuộc sống, xây dựng tập thể đoàn kết và cùng tiến bộ.

Sự trưởng thành của học sinh góp một phần không nhỏ mang lại lợi ích về mặt xã hội như giúp các em xác định được kiến thức trọng tâm của mỗi bài học. Từ đó hình thành cho học sinh thói quen xây dựng được một bài học hoàn thiện theo một hệ thống.

Qua đó có thể bắt nhịp theo phương pháp dạy học theo chủ đề, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, nhằm thực hiện tốt việc tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ