Để môn Toán gần gũi với cuộc sống

GD&TĐ - Quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh tại TP Hải Phòng có nhiều đổi mới theo hướng tích cực và gần gũi với thực tế giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện.

Tiết dạy của cô Mơ được đánh giá thành công.
Tiết dạy của cô Mơ được đánh giá thành công.

Với môn Toán lớp 2 theo Chương trình GDPT 2018, việc đổi mới đó càng biểu hiện rõ nét. Học sinh được học Toán như một trải nghiệm thực tế, gần gũi và hiệu quả.

Phương pháp linh hoạt

Chuyên đề cấp thành phố môn Toán lớp 2 theo Chương trình GDPT 2018 của cô Ngô Thị Thu Thảo (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân) được đánh giá cao bởi tính sáng tạo với những phương pháp giảng dạy mới đem lại cho học sinh sự hào hứng, tích cực hoạt động để chiếm lĩnh tri thức.

Cô Thảo cùng học sinh lớp 2A11 học bài “Nặng hơn, nhẹ hơn” (tiết 39, SGK Toán 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Để tiết dạy hiệu quả, sinh động, ngoài chuẩn bị máy tính, máy soi, giáo án PowerPoint, cô Thảo có những giáo cụ thực tế như: Cân đĩa, túi quả, túi rau, kẹo, bánh.

Hoạt động khởi động, học sinh được cô giáo dẫn dắt bằng bài hát “Bé chơi bập bênh”. Bài hát giúp em liên tưởng tới các trò chơi, hình ảnh trực quan định hướng cho học sinh liên tưởng tới sự nặng hơn, nhẹ hơn. Học sinh vào giờ học mới bằng sự dẫn dắt nhẹ nhàng, dí dỏm của cô. Các em được khám phá bài mới trong khoảng thời gian 13 - 15 phút qua các phương pháp quan sát, đọc thầm, thảo luận, đóng vai.

Qua quan sát hình ảnh trên màn hình, các em đọc thầm lời nhân vật trong tranh và cùng đóng vai nhân vật. Sau khi học sinh vào vai, cô Thảo đã đưa ra câu hỏi giúp các em khám phá kiến thức: Vậy theo em túi nào nặng hơn, túi nào nhẹ hơn?

Khẳng định phán đoán của mình, học sinh được xách thử đồ vật có thật là túi rau và túi táo. Các em được kiểm chứng lại bằng việc đưa đồ lên chiếc cân thăng bằng. Kiến thức nặng hơn, nhẹ hơn được cô cung cấp trực quan sinh động. Trò được nhìn, nghe, thực hành và ngấm kiến thức qua chốt kiến thức của giáo viên.

Bằng phương pháp thuyết trình, thảo luận nhóm..., cô Thảo đã giúp học sinh lớp cảm nhận, nhận biết được khái niệm nặng hơn, nhẹ hơn, so sánh bằng nhau giữa các đồ vật. Các em được phát triển năng lực tư duy, lập luận toán học, năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp toán học và phẩm chất.

Tiết học Toán trở nên thoải mái, nhẹ nhàng khi các em được trải nghiệm qua hoạt động thực tế. Cô giáo mở rộng kiến thức, học sinh thực hành, phán đoán một số đồ vật gần gũi trong cuộc sống. Kiến thức “nặng hơn, nhẹ hơn” được củng cố khi học sinh cùng làm 3 bài tập trong SGK.

Giờ học kết thúc với bài hát “Vui học Toán”. Tiết học hiệu quả với sự uyển chuyển các phương pháp giảng dạy của giáo viên. Dù là giờ học chuyên đề nhưng những giáo cụ được chuẩn bị đơn giản, dễ tìm, dễ chuẩn bị khiến cho người dự không cảm thấy xa thực tế. Tiết học “demo” của cô Thảo giúp cho giáo viên Toán lớp 2 trong toàn thành phố hiểu được quy trình tổ chức một tiết dạy sao cho hiệu quả, nhẹ nhàng với cả cô và trò.

Cô Thảo chia sẻ, để tiết học Toán trở nên hứng thú, cô Thảo ứng dụng công nghệ thông tin và cho học sinh được thực hành toán học với những vận dụng gần gũi, thiết thực. Với những phương tiện dạy học hiện đại như hiện nay thì giờ học Toán như cô đã dạy không khó.

Tiết dạy của cô Thảo.
Tiết dạy của cô Thảo.

“Nảy” kiến thức qua hoạt động

Cô Phạm Thị Mơ (Trường Tiểu học Hải Thành, quận Dương Kinh) lên lớp “chéo” với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân) ở bài dạy “Phép cộng trong phạm vi 20” của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Mục tiêu của bài dạy, cô Mơ giúp học sinh nhận biết được phép cộng (qua 10) trong phạm vi 20, tính được phép cộng (qua 10) bằng cách nhẩm hoặc tách số. Thông qua hoạt động khám phá, lựa chọn để tìm ra các cách tính thích hợp, học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề toán học.

Trò chơi “truyền điện” khiến lớp học thêm sôi nổi. Học sinh được truyền bóng qua tay nhau, khi nhạc kết thúc, bạn nào cầm bóng trên tay thì đứng dậy nêu một phép tính trong phạm vi 10. Không chỉ củng cố kiến thức mà cô Mơ đã cho học sinh khởi động kĩ với kiến thức nền vững chắc.

Bước vào phần khám phá kiến thức, giáo viên cho học sinh quan sát tranh và giới thiệu: Việt cắt được một số bông hoa màu đỏ. Mai cắt được một số bông hoa màu vàng. Cô cho học sinh quan sát, đếm và trả lời số bông hoa mà 2 bạn cắt được. Học sinh được thảo luận nhóm đôi để nêu lên cách tính số hoa của 2 nhân vật trong SGK. Giáo viên chốt kiến thức về “cách đếm tiếp” mà học sinh vừa học được qua quan sát tranh. Học sinh học cách tách số qua các câu đố và chốt kiến thức của cô.

Qua phần cung cấp kiến thức bằng hình ảnh, học sinh đã “nảy” lên được kiến thức các phép cộng trong phạm vi bài học. Dưới sự hướng dẫn, gợi mở của giáo viên, nhiều học sinh có tư duy sáng tạo, cách tiếp thu kiến thức chủ động, tích cực.

Phần luyện tập củng cố kiến thức, cô Mơ cho học sinh làm bài, sau đó giáo viên chữa bài qua trò chơi tiếp sức. Học sinh trong nhóm thay nhau tiếp sức để hoàn thiện bài tập, đội nào nhanh hơn và làm đúng sẽ được cô khen thưởng.

Cô Mơ chia sẻ, bài học môn Toán không còn khô khan với những con số. Học trò được học, được chơi và cùng bạn bè thi đua trong sự hướng dẫn, gợi mở, cổ vũ của cô mang lại hiệu quả cho tiết học.

Các cô giáo đã vận dụng phương pháp, cách thức tiếp cận vấn đề mới mẻ để giúp học sinh chủ động, tích cực hoạt động và tiếp thu kiến thức. Cả hai tiết học đều trở nên nhẹ nhàng, thoải mái khi cô giáo cho học sinh được trải nghiệm hoạt động thực tế, được quan sát và tự phán đoán những đồ vật gần gũi, thiết thực với cuộc sống. - Ông Vũ Văn Trà (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ