Những kinh nghiệm được thầy Lê Nam Phong áp dụng trong thực tế giảng dạy đã giúp học sinh biết cách phát âm chuẩn của từng âm trong phần luyện âm của sách giáo khoa; tỉ lệ điểm của phần ngữ âm tăng đáng kể.
Một số lỗi sai thường gặp khi phát âm
Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh ở trường THPT Trung Giáp, thầy Lê Nam Phong nhận thấy, học sinh thường nhầm lẫn các âm giống nhau như: /i:/; /i/; / /; /s/; /b/; /p/; z/; /s/;/e/; /æ/... Các em có thể nhầm lẫn giữa âm này với âm khác hoặc không phát âm các âm yếu ở cuối từ. Âm cuối trong tiếng Anh rất quan trọng vì nó quyết định nghĩa của từ.
Học sinh cũng thường dùng nguyên âm đơn thay vì dùng bán nguyên âm; hoặc gặp khó khăn trong việc phát âm các nhóm các phụ âm liên tiếp: str, st, spr.
Lỗi phát âm một phần là do thầy, cô giáo không chú trọng nhiều về cách phát âm; một phần là do học sinh không xem việc phát âm đúng là cần thiết. Đây có thể nói là sai lầm lớn cho cả người học và người dạy. Việc phát âm sai này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng và học tập ngoại ngữ của các em sau này.
Các phương pháp dạy phát âm
Trong việc dạy ngữ âm không có cách dạy đơn lẻ nào đúng. Nhưng để giúp học sinh phát âm tốt các từ khó, thầy Lê Nam Phong cho rằng, giáo viên có thể sử dụng một số phương pháp sau:
Giáo viên phát âm riêng biệt âm đó một cách rõ ràng để học sinh có thể tập trung vào từ đó. Yêu cầu học sinh đọc đồng thanh rồi đọc cá nhân từ đó. Khi đọc mẫu những từ này, giáo viên nên đứng hướng thẳng mặt về phía học sinh, làm sao cho học sinh phải nhìn rõ miệng của mình, đọc to và khi gọi học sinh đọc mẫu phải sữa lỗi ngay nếu như học sinh này đọc sai (yêu cầu học sinh lặp lại theo mình nhiều lần)
Giáo viên phát âm từ đó trong một hoặc hai từ và yêu cầu học sinh đọc đồng thanh rồi đọc cá nhân từ đó. Đặt ví dụ với từ.
Để phân biệt giữa hai cách phát âm phụ âm “th”, giáo viên có thể đặt câu có chứa âm “th”: My father thinks that nothing is worther than health.
Nếu học sinh gặp khó khăn trong việc phát âm một số từ đặc biệt (thường là những âm không có trong tiếng mẹ đẻ), việc giáo viên miêu tả cách phát âm của từ như thế nào sẽ rất hữu ích cho học sinh.
Ví dụ cụ thể: khi dạy âm /f/, giáo viên hướng dẫn học sinh: chạm đầu răng vào môi dưới, bật hơi giữa răng và môi tạo ra âm /f/, nếu có thời gian cho các em luyện đọc cùng với các từ có cách phát âm gần giống nhau. Ví dụ: pin - fin; peel - feel; pail - fail.
Nếu học sinh nhầm lẫn âm giống nhau cách tốt nhất là rút gọn chúng lại để học sinh có thể nghe được rõ ràng sự khác nhau của âm đó.
Để giúp học sinh phát âm tiếng Anh chuẩn, tốt hơn, ngay từ đầu năm học, thầy Phong photo phát cho học sinh các bảng ký hiệu phiên âm, có bổ sung thêm phần phát âm tiếng Việt tương đồng cho mỗi âm tiếng Anh; đồng thời hướng dẫn cách phát âm và phép chính tả của các âm khó trong tiếng Anh.
Trong quá trình dạy từ vựng, giáo viên có thể sử dụng một số bài tập phát âm như: Chạm tay vào cổ họng để cảm nhận độ rung hoặc không rung của thanh quản khi một âm cụ thể nào đó được phát ra; nhìn vào gương để quan sát vị trí của lưỡi và môi hoặc hình dạng cùa miệng khi một âm cụ thể nào đó được phát ra; sử dụng ngón tay để chỉ ra số lượng âm tiết trong một từ; dử dụng những dải ruy băng có độ dài ngắn khác nhau để minh họa cho độ dài của các từ; sử dụng các hình vẽ hoặc âm thanh dễ nhớ, gây ấn tượng… để minh họa cho các âm.
Việc hướng dẫn học sinh học phát âm theo vần cũng đóng vai trò khá quan trọng trong việc giúp học sinh phát âm đúng và chuẩn.
Giáo viên cũng có thể sử dụng các trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy và học tập thực sự có hiệu quả trong việc khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh. Các trò chơi thường dùng là: Slap the board, Cirle the words you hear, Guess the words…
Một số bí quyết rèn ngữ âm
Dưới đây là tổng kết một số “bí quyết” giúp học sinh rèn luyện ngữ âm và kỹ năng được thầy Phong chia sẻ:
Tranh thủ nghe tiếng Anh giao tiếp càng thường xuyên càng tốt: Hãy nghe cách người bản xứ phát âm các từ và cụm từ khác nhau như thế nào rồi cố bắt chước phát âm thật giống như những gì nghe được.
Học các ký hiệu phiên âm: Phần lớn từ điển của các nhà xuất bản có uy tín đều có hẳn phần phụ lục (ở đầu hoặc ở cuối cuấn từ điển) chú thích và hướng dẫn cách đọc các ký hiệu phiên âm quốc tế. Hãy tham khảo phần phụ lục này khi học phát âm một từ mới.
Đừng quên học trọng âm của từ mới: Từ nào trong tiếng Anh cũng có trọng âm hoặc ngữ điệu riêng. Trong âm của từ rất quan trọng vì nếu bạn nói sai trọng âm của từ sẽ dẫn đến việc người nghe sẽ không hiểu hoặc hiểu sai ý bạn nói.
Phân biệt những âm bạn hay lẫn lộn: Các bài tập luyện phát âm theo từng cặp từ nhỏ phát huy rất hiệu quả trong trường hợp này. Hãy luyện tập phát âm theo từng từ thay cho việc tập phát âm từng âm riêng lẻ.
Hãy luyện tập những âm đánh đố bạn nhất. Học trọng âm và ngữ điệu câu. Không phải tất cả các từ trong câu đều có trọng âm. Chỉ những từ truyền tải nhiều thông tin (danh từ và động từ) mới được nhấn mạnh. Trọng âm câu không cố định như trọng âm từ. Việc thay đổi trọng âm câu phụ thuộc vào ý định khác nhau của người nói.
Đối với ngữ điệu có hai quy tắc rất dễ nhớ đó là lên giọng ở cuối câu hỏi và xuống giọng ở cuối câu kể. Ngữ điệu đặc biệt quan trọng trong câu hỏi đuôi.