Cùng dự tọa đàm có đại diện các Vụ, Cục, Ban Quản lý Đề án NNQG - Bộ GD&ĐT, các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, các đơn vị, tổ chức và chuyên gia trong nước và quốc tế .
Tạo ra một hệ thống trung tâm ngoại ngữ chất lượng
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hiện nay các trung tâm ngoại ngữ phát triển nhanh, số lượng các trung tâm, nhất là ở thành phố, thị xã phát triển nhiều. Trong Quyết định số 2080/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong đó có kiểm định chất lượng. Khi số lượng trung tâm ngoại ngữ nhiều thì vấn đề đặt ra là chất lượng của các trung tâm thế nào.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc tọa đàm |
Thứ trưởng đánh giá cao việc tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và ngoài nước, cùng nhau thảo luận, tìm ra giải pháp, thực hiện được việc kiểm định trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam.
Thứ trưởng đề nghị, Việt Nam tiếp thu tối đa kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh. Đây là dịp để các chuyên gia chia sẻ, đánh giá thực trạng dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam. Từ nghiên cứu khảo sát thực trạng, đánh giá của các trung tâm ngoại ngữ hiện nay, chúng ta đưa ra những giải pháp phù hợp. Về phía quản lý nhà nước, Bộ GDĐT có trách nhiệm ban hành khuôn khổ pháp lý để thực hiện. Nếu làm được việc này, sẽ tạo ra một hệ thống trung tâm ngoại ngữ chất lượng.
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cũng cho rằng, hiện nay, tại Việt Nam, các trung tâm tin học, ngoại ngữ khá đa dạng, với các loại hình như trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ - tin học được thành lập bởi các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; do sở GDĐT thành lập, cho cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động; các trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài do cá nhân, tổ chức kinh tế nước ngoài đầu tư toàn bộ hoặc góp một phần vốn để thành lập.
Trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã ban hành các Thông tư quy định về KĐCLGD cơ sở GD đại học (bao gồm các trường có trung tâm tin học, ngoại ngữ, tin học- ngoại ngữ), trong đó quy định việc thực hiện đánh giá ngoài và công nhận KĐCLGD do các tổ chức KĐCLGD thực hiện.
Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học công lập do nhà nước đầu tư thành lập và đảm bảo điều kiện hoạt động; các trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục do tổ chức các nhân trong nước đầu tư thành lập và đảm bảo điều kiện hoạt động cho tới nay chưa có bộ tiêu chuẩn riêng để thực hiện việc KĐCLGD.
Ông Lê Mỹ Phong chia sẻ tại tọa đàm |
Ông Lê Mỹ Phong đề xuất, cần tăng cường quản lý hoạt động của trung tâm theo các nội dung đã được quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT; quản lý hoạt động của các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT.
Đồng thời nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và thực hiện KĐCLGD đối với các trung tâm ngoại ngữ,trong đó, đối với các trung tâm độc lập cần thiết phải được KĐCLGD; còn đối với các trung tâm trực thuộc cơ sở giáo dục đại học phải căn cứ vào bộ tiêu chuẩn đánh giá như một công cụ nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng.
Thúc đẩy sự phát triển một ngành “công nghiệp ngoại ngữ”
Tại tọa đàm, các ý kiến tập trung khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm định chất lượng dạy và học đối với các trung tâm ngoại ngữ.
Theo TS. Hà Văn Sinh, Trường ĐH Nha Trang: “Nhà nước có chủ trương, hoạch định chính sách và các tổ chức kiểm định độc lập thực hiện công tác kiểm định, gắn các trung tâm được kiểm định vào hệ thống các trung tâm/trường đã và đang được kiểm định.”
Cũng theo TS Sinh, việc tham gia vào một hệ thống kiểm định thúc đẩy các trung tâm luôn cải tiến, bổ sung để đảm bảo chất lượng, đồng thời giúp người học có cái nhìn rõ hơn, yên tâm hơn khi quyết định tham gia vào các khóa học ngoại ngữ; ngoài ra sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển một ngành “công nghiệp ngoại ngữ” đã và đang có đóng góp to lớn cho sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tọa đàm |
Đánh giá cao vai trò của công tác đảm bảo chất lượng trong dạy và học, ông Jacob Heintrich, đại diện từ Đại học RMIT cho biết: Trung tâm ngoại ngữ của RMIT đã được kiểm định theo NEAS. Hoạt động này giúp khẳng định chất lượng đào tạo của Trung tâm ngoại ngữ của nhà trường.
Ông Stuart Connor, Giám đốc phụ trách văn bằng và khảo thí Châu Á, Đại diện Pearson cho biết, một hệ thống kiểm định được thiết kế để có thể áp dụng cho nhiều hình thái cơ sở, tổ chức giáo dục khác nhau, từ các trường phổ thông và các trường đại học cho đến các trung tâm ngoại ngữ tư nhân và các tổ chức đào tạo phát triển nhân lực.
Tính linh hoạt này giúp Pearson Assured có thể được sử dụng để thiết lập một bộ tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất áp dụng cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo, mang lại sự nhất quán và nâng cao độ hiệu quả trong công tác quản lý của các nhà quản lý và lãnh đạo trong ngành giáo dục.
Tổng kết định hướng tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao chia sẻ của các chuyên gia quốc tế và các chuyên gia trong nước. Những vấn đề đặt ra thảo luận như việc có bắt buộc hay không việc kiểm định chất lượng các trung tâm ngoại ngữ; cần có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chi tiết tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các trung tâm ngoại ngữ; quy định rõ chuẩn cần đạt được về cơ sở vật chất, về đội ngũ giảng viên, về chương trình đào tạo, về đánh giá của các bên liên quan đối với chất lượng dịch vụ của trung tâm v.v..
Thứ trưởng cho rằng, không chỉ trong giáo dục mà hiện nay tất cả các lĩnh vực, việc quảng cáo phóng đại không đúng sự thật là phổ biến trong thời đại chúng ta. Nhiệm vụ của nhà nước là yêu cầu những nhà cung cấp đó phải nói đúng sự thật.
Trong Luật GDĐH sửa đổi, chúng tôi đưa vào điều khoản quan trọng “Đối với các cơ sở GD phải công bố thông tin chính xác, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra điều đó”. Đối với các trung tâm ngoại ngữ cũng nên như vậy, cần công khai, minh bạch cung cấp đầy đủ thông tin chính xác trên website là vấn đề quan trọng.