Giúp học sinh hình thành, củng cố kiến thức

GD&TĐ - TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng: Để thực hiện hoạt động dạy học tích cực theo sách giáo khoa mô hình hoạt động của VNEN thì các tranh ảnh, bản đồ… trong sách giáo khoa (SGK) không bao giờ đủ để đáp ứng được mục tiêu học tập; cần phải coi trọng việc khai thác từ các nguồn khác.

Giúp học sinh hình thành, củng cố kiến thức

Chuẩn bị của giáo viên

Chia sẻ với giáo viên trong chuẩn bị để sử dụng tư liệu trực quan giúp học sinh hình thành, củng cố kiến thức khi dạy học theo SGK mô hình hoạt động, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, giáo viên dựa vào mục tiêu và nội dung bài học để tìm hiểu xem các tư liệu hiện có trong lớp học, tranh ảnh, bản đồ… trong SGK có đủ đáp ứng cho học sinh hoạt động quan sát, thí nghiệm trong quá trình học chưa.

Bên cạnh đó, khi phân công chuẩn bị đồ dùng (tư liệu) dạy học, cần lưu ý: Giáo viên chuẩn bị gì, học sinh chuẩn bị gì, đồ dùng nào có trong lớp, thư viện; đồ dùng, tư liệu nào cần sự trợ giúp của cha mẹ học sinh; tư liệu nào dùng cho cá nhân, tư liệu nào dùng cho nhớm, tư liệu nào dùng cho lớp? Các tư liệu đó để khai thác được thì cần có chỉ dẫn gì? học sinh sẽ sử dụng tư liệu đó vào lúc nào? Sử dụng thế nào? Sử dụng xong thì tư liệu đó sẽ được xử lý thế nào?...

Giáo viên cũng cần tìm hiểu xem học sinh đã có những kiến thức, kinh nghiệm sống gì liên quan đến nội dung bài học để thiết kế các câu hỏi, gợi ý để hoạt động quan sát, thí nghiệm phù hợp và dự kiến các tình huống có thể xảy ra và cách xử lí.

Tiến hành dạy học trên lớp

Với hoạt động này, TS Nguyễn Vinh Hiển đưa ra những lưu ý như sau:

Thứ nhất: Với việc giao nhiệm vụ quan sát, thí nghiệm: Giáo viên hướng dẫn học sinh hoạt động quan sát, thí nghiệm theo hướng dẫn của SGK và những hướng dẫn, gợi ý thêm của giáo viên.

Thường thì giáo viên vẫn phải có câu hỏi gợi ý và hình thức tổ chức hoạt động cụ thể hơn so với hướng dẫn trong SGK; có thể thiết kế các phiếu học tập để giao việc và để học sinh ghi các kết quả quan sát, thí nghiệm cá nhân, sử dụng theo nhóm trong quá trình học. Cần dành một khoảng thời lượng phù hợp để học sinh ý thức rõ nhiệm vụ học tập.

Thứ 2: Học sinh tiến hành quan sát, thí nghiệm cá nhân, ghi các nhận xét, kết quả hoạt động vào vở hoặc phiếu học tập.

Thứ 3: Học sinh trao đổi trong nhóm theo cặp đôi hoặc theo nhóm để điều chỉnh, hoàn thiện kết quả học (ghi trên vở hoặc trên phiếu học tập) để bước đầu chính thức hoá kiến thức.

Thứ 4: Báo cáo kết quả. Cá nhân hoặc nhóm học sinh báo cáo trước lớp, các bạn trong lớp nhận xét, góp ý bổ sung để cùng nhau hoàn thiện, chính thức hoá kiến thức.

Thứ 5: Thu dọn tư liệu trực quan (nếu cần). Giáo viên theo dõi thường xuyên và gợi ý, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các hoạt động quan sát, thí nghiệm và ghi chép, thảo luận, chốt kiến thức của học sinh.

Hướng dẫn hoạt động quan sát, thí nghiệm ở nhà

Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, hoạt động quan sát, thí nghiệm trong nhóm hoạt động vận dụng hoặc tìm tòi mở rộng (Sách giáo khoa của dự án GPE - VNEN tiểu học gọi là hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng) thường được hướng dẫn thực hiện ở nhà.

Giáo viên có thể vận dụng các nguyên tắc và hoạt động như đã nêu trên để hướng dẫn học sinh học ở nhà, nhưng cần lưu ý thêm:

Gia công lại SGK để có được nội dung học và hướng dẫn các hoạt động quan sát, thí nghiệm phù hợp với thực tiễn ở gia đình và cộng đồng (về đặc điểm động vật, thực vật, khí hậu, các hoạt động văn hoá, di tích…).

Việc giao nhiệm vụ quan sát, thí nghiệm được tiến hành trên lớp, trong đó GV có thể gợi ý cho học sinh biết dự kiến các tình huống và cách xử lí.

Việc báo cáo kết quả cần được tổ chức rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện dạy học cụ thể. Có thể là: trưng bày, triển lãm sản phẩm và kết quả học tập, báo cáo trước lớp hoặc trong các buổi sinh hoạt tập thể …

Một số lưu ý

TS Nguyễn Vinh Hiển đưa ra một số lưu ý trong hoạt động này như sau:

Theo hướng dẫn của SGK mô hình hoạt động thì hoạt động quan sát, thí nghiệm cùng với việc sử dụng phương tiện trực quan nhìn chung đã được thiết kế hài hoà giữa các hoạt động của cá nhân, của nhóm, của lớp; nhưng giáo viên cần nghiên cứu mục tiêu và nội dung của bài học, của từng hoạt động học để hình dung kịch bản dạy học, dự kiến những tình huống sẽ diễn ra và cách xử lí trong thực tiễn dạy học.

Giáo viên cần khai thác tối đa và hợp lí vốn kiến thức và kinh nghiệm của học sinh sao cho nhiệm vụ quan sát, thí nghiệm trên lớp và các hoạt động đó ở nhà (trước và sau bài học trên lớp) được kết nối một cách tự nhiên, hợp lí.

Bên cạnh đó, mỗi hoạt động quan sát, thí nghiệm cần thiết kế theo đúng lôgic 4 hành động học: tiếp nhận nhiệm vụ − học cá nhân để giải quyết vấn đề – học tương tác để chính xác hoá kiến thức − hoàn thiện sản phẩm học.

"Giáo viên cũng lưu ý, cần vừa coi trọng tư duy trực quan – hình tượng vừa chú ý rèn luyện, phát triển tư duy trừu tượng của học sinh" - TS Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh thêm.

"Đối với học sinh tiểu học và THCS, những am hiểu về thực tế cuộc sống còn hạn chế; đặc điểm hoạt động tư duy đang dần dần chuyển từ tư duy trực quan - hình tượng sang tư duy trừu tượng; sự ghi nhớ máy móc ngày càng nhường chỗ cho sự ghi nhớ có ý nghĩa; chưa quen nhiều với hoạt động quan sát, thí nghiệm nên việc dạy học theo phương pháp tích cực có sử dụng tư liệu trực quan (bao gồm tranh ảnh, biểu đồ, mô hình, vật thật … từ trong SGK và các đồ dùng dạy học, sách tham khảo, internet...) là vô cùng quan trọng. Các hoạt động này có thể thực hiện trên lớp hoặc ở nhà". TS Nguyễn Vinh Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.