Trải qua thời gian, hát then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Loại hình nghệ thuật này luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống đồng bào và cũng là niềm tự hào của các dân tộc này. Tuy nhiên, bảo tồn hát then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp với xã hội hiện đại đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Nỗ lực giữ gìn hát then
Cùng với các làn điệu dân ca khác như hát lượn, hát ru, hát quan làng..., hát then thể hiện sự phong phú, đặc sắc của truyền thống văn hóa lâu đời của người dân miền núi Tây Bắc. Để chuẩn bị cho tiến trình đưa hát then trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, những năm qua, từng có 4 kỳ liên hoan hát then, đàn tính diễn ra ở các tỉnh phía Bắc, với kỳ vọng khẳng định lại vị trí của loại hình nghệ thuật này.
Hiện một số tỉnh cũng có những câu lạc bộ hát then. Riêng tại Tuyên Quang quy tụ được 50 câu lạc bộ hát then, đàn tính với gần 1.000 nghệ nhân và người yêu then tham gia. Ngoài phát huy vai trò các đội văn nghệ, câu lạc bộ hát then, tỉnh còn có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến hát then trong xã hội. Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh thường xuyên sưu tầm, dàn dựng nhiều tiết mục then cổ, cải biên cho phù hợp hơn, dễ hát hơn.
Các trường học ở Bắc Kạn, Tuyên Quang cũng thành lập và duy trì tốt câu lạc bộ hát then - đàn tính, giúp học sinh có thêm hoạt động ngoại khóa bổ sung kiến thức văn hóa; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, nhằm trẻ hóa đội ngũ hát then hiện nay.
Tuy nhiên, điều trăn trở là, những “người giữ lửa” là các “ông then”, “bà then” còn lại không nhiều, người kế thừa cũng chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, một bộ phận người dân tộc Tày không còn nói được tiếng mẹ đẻ là thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát then.
Đưa di sản văn hóa trở lại với cộng đồng
Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là việc cần thiết và cơ bản để đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng, bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân.
PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng, làn điệu then và cây đàn tính là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Bảo tồn hát then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp với xã hội hiện đại đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Và, một trong những vấn đề quan trọng không kém khi bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát then là phải phát huy được ý thức tự giác và sự trân trọng với di sản văn hóa của người dân.
Hát then giờ đây không chỉ là sinh hoạt văn hóa truyền thống cư dân bản địa mà đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, hát then đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo... Sau hành trình tham quan cảnh đẹp hùng vĩ, sơn, thủy, hữu tình; được thưởng thức các món ăn đặc sản do người dân chế biến, tẩm ướp gia vị theo văn hóa ẩm thực của người Tày, say trong men rượu ngô là lúc những bản tình ca mượt mà của người dân miền núi được cất lên, bên ánh lửa bập bùng du khách được hòa mình trong không khí ấm áp, du dương, trầm bổng của điệu hát then, tính tẩu chắc hẳn sẽ trở thành kỷ niệm đặc biệt không thể nào quên.