Giữ người lao động ở lại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) ghi nhận trên 665 nghìn người rút BHXH một lần, tức bình quân hơn 110 nghìn người/tháng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Diễn biến này cùng với làn sóng rút BHXH một lần trong đại dịch Covid-19 cho thấy giữ người lao động ở lại với BHXH thực sự là một bài toán khó.

Trong nỗ lực thiết kế chính sách nhằm giải bài toán này Chính phủ đã bổ sung quyền lợi cho người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu và chốt trình Quốc hội hai phương án rút bảo hiểm một lần trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Cụ thể, nếu bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, người lao động sẽ có 5 quyền lợi. Một là điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Hai là, được hưởng trợ cấp hàng tháng nếu không đủ thời gian đóng để nhận lương hưu hoặc chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí. Thứ ba, người lao động có bảo hiểm y tế do ngân sách chi trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng.

Quyền lợi thứ tư là sau một năm nghỉ việc nhưng không rút bảo hiểm một lần, bảo lưu thời gian đóng, người tham gia vẫn có bảo hiểm y tế; thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH. Cuối cùng, người lao động mất việc được hỗ trợ tín dụng giải quyết khó khăn tài chính.

Về phương án rút bảo hiểm một lần, phương án 1 chia thành hai nhóm lao động. Nhóm 1 là những người đã tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực được rút bảo hiểm một lần sau 12 tháng nghỉ việc. Nếu chọn bảo lưu thời gian đóng, người lao động sẽ hưởng 5 quyền lợi nêu trên; nếu rút bảo hiểm một lần thì sẽ mất các quyền lợi này.

Nhóm 2 là những người đóng BHXH từ khi luật sửa đổi có hiệu lực không được rút bảo hiểm một lần; trừ người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong các bệnh nguy hiểm tính mạng.

Phương án 2 đề xuất người lao động rút BHXH một lần chỉ được giải quyết tối đa 50% thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng các chế độ BHXH, khuyến khích đóng tiếp. Điều kiện được rút một lần là không thuộc diện tham gia BHXH đủ 12 tháng, thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm. Như vậy, người tham gia có thể đóng tiếp BHXH để hưởng lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế…

Cả hai phương án này đều có ưu và nhược điểm. Phương án 1 dần khắc phục tình trạng rút hiểm xã hội và ít gây phản ứng. Tuy nhiên, nhược điểm là chỉ áp dụng cho người lao động tham gia bảo hiểm từ khi luật có hiệu lực (dự kiến từ 1/7/2025) nên hơn 17,5 triệu lao động đang đóng bảo hiểm vẫn có quyền hưởng một lần. Việc này tạo sự so sánh giữa những người đóng trước và đóng sau.

Phương án 2 đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH nhưng lại chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm một lần. Người lao động không được hưởng toàn bộ thời gian đóng, đồng thời có thể xuất hiện tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm một lần.

Giữ người lao động ở lại với BHXH là vấn đề khó nhưng phải tìm cách giải khi dự án Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới đây và thông qua vào tháng 5 năm sau.

Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất ổn lớn hơn khi dân số nước ta đang già đi và lực lượng lao động tự do ngày càng tăng. Quá trình thiết kế chính sách bảo hiểm một lần cần cho người lao động thấy rõ lợi ích của họ. Đây là việc Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) - cần làm, để tìm ra lời giải phù hợp nhất.

Cũng phải nói thêm rằng, gánh nặng này cần được chia sẻ thay vì chất lên vai Bộ LĐ-TB&XH. Chẳng hạn, nếu người lao động có thể dễ dàng tiếp cận với tín dụng vi mô, rất có thể rút bảo hiểm một lần không bao giờ là lựa chọn của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ