Giữ hình ảnh thầy cô trọn vẹn

GD&TĐ - Thời gian gần đây, mạng xã hội xôn xao hình ảnh một cô giáo quỳ ở trước cổng UBND tỉnh Đắk Lắk để đưa đơn kiến nghị. Chưa phân định nguyên nhân vụ việc, nhưng hành động của cô giáo đã gây nên một cuộc tranh luận trong xã hội nói chung, cộng đồng nhà giáo nói riêng.

Ảnh internet
Ảnh internet

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, vì cả buổi sáng chờ đợi để gửi đơn của mình đến lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk không được, sẵn bức xúc nên cô giáo N.T.H.A - giáo viên ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã quỳ gối xuống sân cơ quan này, muốn lãnh đạo UBND tỉnh biết để giải quyết việc của mình…

Đây không phải là lần đầu tiên một giáo viên dùng hành động quỳ mong giải quyết vụ việc. Còn nhớ tháng 3/2018, do phạt học sinh, cô giáo B.T.T.N, giáo viên lớp 4/3 đã bị một số phụ huynh ép phải quỳ gối trong vòng 40 phút xin lỗi ngay tại trường. Nghĩ cứ quỳ gối cho xong chuyện, cô giáo đã thực hiện theo sự bức ép vô lý của phụ huynh… Hay hình ảnh trong một clip gây xôn xao dư luận tháng 6/2018, một nhóm cô giáo quỳ gối, khóc lóc van xin trước cổng trường mầm non, mong cơ quan chức năng không đóng cửa cơ sở mầm non - dù cơ sở chưa được cấp phép - để tiếp tục được đi dạy…

Thầy cô giáo luôn là tấm gương cho con cái, cho HS noi theo, bởi vậy cách hành xử, giải quyết vấn đề của thầy cô tác động rất lớn đến nhận thức, đến việc hình thành nhân cách của học trò. Hãy đặt mình vào tâm trí của con cái, của học trò, các em sẽ nghĩ thế nào khi mọi người bàn tán, xì xào hình ảnh cô giáo quỳ gối? Hành động quỳ gối của thầy cô – dù với bất kỳ lý do nào – sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ HS. Thầy cô nghĩ sao khi HS cũng có suy nghĩ chọn cách quỳ để đạt được mục đích?

Trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng, có rất nhiều con đường “chính tắc” để bày tỏ nguyện vọng, có nhiều phương cách, nhiều kênh thông tin để đề đạt yêu cầu. Khi đối diện với những khúc mắc, việc thầy cô giáo chọn cách giải quyết như thế nào đều có rất nhiều đôi mắt của HS, PHHS… dõi theo. Hãy tìm hiểu kĩ các bộ luật liên quan, mạnh dạn lên tiếng nếu thấy hành vi sai luật... Đó là cách để bảo vệ bản thân và giúp xã hội tốt lên. Làm được như vậy, gạt đi việc riêng, thầy cô giáo luôn ngẩng cao đầu khi đứng trên bục giảng, tự tin GD học sinh sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, những câu chuyện đáng buồn này đã và đang gây nên ám ảnh không hay trong tâm trí xã hội về nghề giáo. Cứ mở các trang báo, trang mạng xã hội là có thể thấy tin hàng loạt giáo viên sắp bị chấm dứt hợp đồng, đọc tâm sự nhà giáo lo lắng trước kỳ thi công chức, hoang mang về một quyết định chuyển đơn vị công tác… Những bức xúc của giáo viên hiện nay đa số đều xuất phát từ việc điều chuyển, quản lý, sử dụng lao động, chính sách đãi ngộ… – phần trách nhiệm ngành GD không được giao việc mà thuộc các cơ quan chuyên trách về nhân sự, tài chính, từ UBND các tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Lịch sử các nước trên thế giới đều cho thấy không có kỳ tích, nhảy vọt xã hội nào mà không gắn với GD-ĐT. Muốn phát triển đất nước bền vững thì giáo dục là quốc sách”. Trong công cuộc đổi mới GD, GV đóng vai trò rất quan trọng. Muốn nghề giáo được xã hội tôn trọng, giữ hình ảnh thầy cô giáo trọn vẹn trong ước mơ của học trò… ngành GD đang rất cần sự quan tâm sát sao, công bằng, trách nhiệm… từ các cấp, ngành, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.