SOS an ninh trường học

GD&TĐ - Xưa nay, trường học vốn là nơi an toàn để HS mỗi ngày đến trường là một ngày vui, GV yên tâm lên lớp truyền cảm hứng học tập cho thế hệ trẻ. Nhưng thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp mất an toàn, an ninh trường học đã xảy ra. Điều này không chỉ khiến HS, phụ huynh bất an, mà ngay cả GV cũng cảm thấy lo lắng.

Vụ cháy tại Trường Mầm non Lê Mao (Nghệ An) trưa ngày 7/5/2019
Vụ cháy tại Trường Mầm non Lê Mao (Nghệ An) trưa ngày 7/5/2019

Những vụ việc khó lường

Đầu tháng 5, trong lúc HS Trường Tiểu học Đồng Lương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) đang ra chơi buổi sáng, bất ngờ một thanh niên chạy từ bên ngoài vào trường, dùng dao đâm liên tiếp vào người các em. Hậu quả, 1 HS tử vong, 4 em khác và cô giáo bị thương. Vụ việc khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và hoang mang.

Trưa 7/5, ngay tại trung tâm thành phố Vinh, 100 cháu bé tại Trường Mầm non Lê Mao phải sơ tán khẩn cấp vì một đám cháy xảy ra tại khuôn viên nhà trường. May mắn, các cháu bé đều được sơ tán an toàn, ngày hôm sau, cô và trò lại lên lớp học bình thường. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến cả nhà trường và phụ huynh một phen hoảng loạn.

Trước đó, vào tháng 4, tại Nha Trang, một gã đàn ông lẻn vào Trường Tiểu học Vĩnh Trường kéo một nữ sinh lớp 5 vào nhà vệ sinh thực hiện hành vi dâm ô. Nhận được tin trình báo, Công an TP Nha Trang đã tạm giữ đối tượng để điều tra.

Không chỉ các đối tượng lạ mặt, ngay chính phụ huynh học sinh (PHHS) cũng coi trường học “như chỗ không người” muốn làm gì thì làm. Đầu tháng 4/2019, khi vừa đến trường, một HS lớp 7, Trường THCS Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã bị một nam phụ huynh “rong” ra sân thể dục của trường để hành hung. Vì có xích mích với con trai của ông này. Còn nhớ cách đây 1 năm, tại Long An, một PHHS vào trường học, đôi co, bắt cô giáo quỳ gối nhằm trả đũa việc cô đã phạt con mình. Sự việc diễn ra không phải một chốc một lát mà kéo dài đến 45 phút ngay trong lớp học mà không có ai can thiệp.

Bảo vệ trường học: Vừa thiếu, vừa yếu

Có thể thấy nguy cơ mất an toàn, an ninh trường học diễn ra ngày càng khó lường, trong khi đó, công tác bảo vệ trường học vẫn chưa được chuẩn hóa. Ngoài một số ít trường học tư nhân, có điều kiện kinh tế, thuê vệ sĩ chuyên nghiệp bảo vệ 24/24 giờ, đa số các trường còn lại đều ký hợp đồng với người lớn tuổi cùng mức lương thấp, để chủ yếu là đóng mở cổng trường và trực qua đêm.

Ở một vài nơi, bảo vệ còn kiêm nhiệm thêm việc sửa điện, nước. Đôi khi đang giờ trực ngoài cổng, thấy sự cố điện, nước, bảo vệ cứ khóa cổng và tranh thủ đi sửa chữa cho nhà trường. Hầu hết, các bảo vệ này không có kỹ năng ngăn chặn, xử lý các hành vi, nguy cơ để có phương án bảo đảm an toàn cho HS, GV. Chất lượng bảo vệ trường học đang có vấn đề do chưa được đào tạo bài bản. Trên thực tế, với số lương thấp như vậy cũng không thể đòi hỏi họ nhiều được.

Hiện trường vụ án mạng đau lòng tại Trường TH Đồng Lương (Thanh Hóa) ngày 3/5/2019
Hiện trường vụ án mạng đau lòng tại Trường TH Đồng Lương (Thanh Hóa) ngày 3/5/2019

Vấn đề là tư duy về vị trí bảo vệ trường học của các nhà trường. Xem nhẹ thì sẽ tuyển dụng kiểu hời hợt cho có. Còn nếu coi nhân viên bảo vệ là vị trí quan trọng, nhà quản lý ắt sẽ tìm ra cách điều chỉnh làm sao để bảo vệ được hưởng mức lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn, tìm được những ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Trong các chủ trương đổi mới của ngành GD, của mỗi nhà trường, phụ huynh luôn sẵn lòng ủng hộ, tích cực tham gia xã hội hóa, gỡ khó cho nhà trường trong công tác định biên, trả thù lao xứng đáng cho bảo vệ để bảo đảm cho con em hàng ngày đến trường yên tâm vui chơi, GV giảng dạy trong môi trường an toàn.

Chính quyền địa phương cần vào cuộc

Mỗi ngôi trường là một thánh đường của nhân cách, thánh đường này được xây nên không chỉ bởi học sinh và những người thầy – cha mẹ thứ hai của học sinh mà còn được vun xới bởi các phụ huynh, những người kề vai sát cánh cùng các thầy cô giáo dạy dỗ con em và của cả các tổ chức, đoàn thể trong xã hội. Một hai nhân viên bảo vệ không đủ sức bảo đảm an ninh, an toàn cho mấy trăm học sinh, họ rất cần sự hỗ trợ, tập huấn của chính quyền, công an, sự quan tâm của các cấp/ngành… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa trường học.

Trên thực tế, ngành GD đã có những quy chuẩn về an toàn trường học, chống tai nạn thương tích, vệ sinh môi trường… rất rõ ràng, tuy nhiên, để triển khai trong mỗi nhà trường cần sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương.

Từ những vụ việc diễn ra thời gian gần đây có thể thấy việc lên phương án bảo vệ cho trường học đóng trên địa bàn đang bị một số địa phương bỏ ngỏ, trong khi phân cấp quản lý nhà nước đã quy định rõ trách nhiệm này. Các địa phương tuyển dụng nhân sự cho trường học cần nêu cao trách nhiệm phối hợp, có giải pháp bảo vệ an ninh hơn nữa cho chính những con người mình tuyển chọn, để làm sao GV, HS cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, học ở trường an toàn như ngôi nhà thứ hai của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ