Giữ an toàn cho trò mùa lũ

GD&TĐ - Bên cạnh tập trung cho công tác giảng dạy, các cơ sở giáo dục vùng sâu, xa gấp rút lên phương án đối phó với mưa lũ, sạt lở.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Ái Quốc huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Ảnh: INT
Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Ái Quốc huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Ảnh: INT

Mọi công tác nhằm bảo đảm an toàn cho học trò cũng như triển khai chương trình đúng kế hoạch.

Bảo đảm an toàn

Hoạt động dưới mô hình bán trú nhưng học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) sinh hoạt tại trường như nội trú. Vì vậy, việc kiểm tra phòng ký túc xá, khu bếp ăn, nhà vệ sinh cho học trò được giáo viên, nhân viên nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Trường nằm ở huyện miền núi, hay có lũ quét, sạt lở, học sinh hay phải nghỉ học để bảo đảm an toàn. Do vậy, căn cứ vào khung kế hoạch năm học, đơn vị đã xây dựng phương án ứng phó phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế, giúp học sinh học đủ chương trình, không bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, khi có mưa lớn, những em sinh sống trong vùng dễ bị sạt lở có thể gặp nguy hiểm trong quá trình di chuyển hoặc ngại đi học. Nhà trường căn cứ vào dự báo thời tiết, đón học sinh về trường, sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt để các em yên tâm học hành. Trong mùa mưa lũ, nhà trường cắt cử giáo viên trực và yêu cầu thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất để bảo đảm an toàn cho học trò trong khi ở lại trường.

Năm học 2023 - 2024, Trường PTDTBT Tiểu học Dào San có 1.062 học sinh, trong đó 380 em ở bán trú. Nhà trường bố trí 9 phòng ký túc xá, trong đó 2 phòng rộng 42m; 3 phòng rộng 24m2 còn lại 4 phòng 15m2 làm nơi sinh hoạt cho các em khi thời tiết diễn biến bất thường.

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa quyên góp tiền ủng hộ bạn bị lốc xoáy gây tốc mái, hư hại nhà. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa quyên góp tiền ủng hộ bạn bị lốc xoáy gây tốc mái, hư hại nhà. Ảnh: NTCC

Tương tự, tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, lượng mưa lớn tập trung vào tháng 7, 8, 9 gây ra lũ quét, sạt lở đất.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh, Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa, xã Quài Nưa, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; thường xuyên cập nhật thông tin qua nhóm Zalo các lớp, trưởng bản, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp xã để phụ huynh theo dõi sát sao diễn biến nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bắc xúc động kể lại: “Năm 2021, trong tiết sinh hoạt tập thể, nhà trường tổ chức hoạt động quyên góp ủng hộ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị lốc xoáy gây tốc mái, hư hại nhà. Một học sinh cầm tiền lẻ trên tay (chừng 5 nghìn đồng) nhưng chần chừ không bỏ vào hòm. Sau đó, tôi đến hỏi, em rơm rớm nước mắt nói đây là số tiền để dành muốn ủng hộ các bạn nghèo, sách vở bị ướt trong đợt lũ nhưng bà em đang ốm, em cũng muốn mua bánh cho bà”.

Chia sẻ câu chuyện về khó khăn của học sinh, thầy Nguyễn Văn Bắc nhấn mạnh: Bảo đảm an toàn và triển khai chương trình học đúng kế hoạch là nhiệm vụ trọng tâm của trường mỗi khi mùa lũ đến. Nhà trường có đội phòng chống thiên tai sẵn sàng các phương án di dời học sinh đến địa điểm an toàn khi có cảnh báo lũ quét, lũ ống xảy ra.

Sau mưa lũ, những con suối còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trường yêu cầu học sinh đến trường phải có phụ huynh đi cùng và bàn giao cho thầy cô. Khi có cảnh báo về dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai xảy ra, ban giám hiệu nhanh chóng báo cáo phòng GD&ĐT, UBND huyện xin chủ trương cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Sau thời gian nghỉ, trường bố trí thời khóa biểu học bù để đủ nội dung chương trình môn học theo quy định.

Học trò Trường PTDTBT Tiểu học Dào San. Ảnh: NTCC

Học trò Trường PTDTBT Tiểu học Dào San. Ảnh: NTCC

Chủ động đón trò

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An - ông Thái Lương Thiên - chia sẻ: “Để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện trong mùa mưa lũ, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học thường xuyên kiểm tra, rà soát phòng học, phòng chức năng, nhất là tại điểm trường lẻ xa trung tâm để có biện pháp khắc phục sớm; cảnh báo nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh”.

Đối với điểm có nguy cơ sạt lở cao; học sinh đến trường hoặc về nhà phải qua suối, các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương cắm biển cảnh báo, hướng dẫn các em đi lại; chỉ đạo đơn vị trường học thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để chủ động phương án ứng phó. Đối với điểm trường có nguy cơ ngập lụt, nhà trường cần chủ động di dời máy móc, phương tiện, trang thiết bị dạy học, tài liệu lên địa điểm an toàn.

Với trường PTDTBT, phòng yêu cầu có biện pháp quản lý học sinh trong thời gian mưa lũ, tuyệt đối không để trò tự về khi chưa có ý kiến của nhà trường, gia đình; kịp thời thông tin đến phụ huynh tình hình mưa lũ, các điểm sạt lở nguy hiểm để có sự phối hợp, giúp đỡ.

Văn Quan là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Nhiều học sinh ở xa trường, mỗi ngày đều phải mang cơm đi học và ở bán trú. Do vậy, mùa mưa lũ, phòng GD&ĐT và các trường đặc biệt quan tâm đến việc đi lại của trò nhằm đảm bảo an toàn.

Ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, Lạng Sơn - chia sẻ: “Với học sinh phải qua sông, suối, chúng tôi vận động phụ huynh cho các em đến trường ở bán trú. Nhà trường sẽ bố trí người nấu ăn, chỗ ở, cử giáo viên trực và chăm sóc.

Những trường nằm khu vực hay có sạt lở vào mùa mưa lũ, nhà trường sẽ linh động chương trình giảng dạy để học sinh học đầy đủ chương trình, đúng kế hoạch thời gian năm học. Với số ngày học sinh nghỉ, sẽ bố trí tăng thời lượng hoặc dạy bù trong những ngày cuối tuần”.

“Mùa mưa lũ, giáo viên phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương... lập các chốt chặn ở những nơi nguy hiểm, đặt biển cảnh báo người dân nói chung và học sinh nói riêng không đi qua. Đối với các bản bên sườn đồi, rìa suối, mưa lũ không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng trong thời gian cao điểm, mà sau khi lũ rút, đường đến trường của các em chứa đầy hiểm nguy, do đó giáo viên thường xuyên nhắc nhở trò và lưu ý phụ huynh”, thầy Nguyễn Văn Bắc cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ