Giới trẻ học cách truyền thông trong dự án phát triển cộng đồng

GD&TĐ - Quỹ Vì tầm vóc Việt và MSD-United Way Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn về “Truyền thông tạo tác động” cho gần 80 bạn trẻ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Giới trẻ học cách truyền thông trong dự án phát triển cộng đồng

Nhằm trang bị cho các bạn trẻ những kiến thức về truyền thông trong các hoạt động phát triển, vừa qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) và MSD-United Way Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn về “Truyền thông tạo tác động” cho gần 80 bạn trẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, là thành viên của Chương trình phát triển thanh niên (DynaGen - Live United).

Khóa tập huấn là một trong những hoạt động thuộc chương trình huấn luyện của DynaGen - Live United. Chương trình huấn luyện sẽ kéo dài 10 tháng với các hoạt động đào tạo đa dạng sẽ góp phần phát triển tài năng trong thanh niên và hỗ trợ thanh niên trong quá trình lập thân/lập nghiệp.

Giảng viên của khóa tập huấn là Blogger Nguyễn Ngọc Long – Chuyên gia truyền thông xã hội, sáng lập viên Truyền thông Trăng Đen - câu lạc bộ dành cho những người yêu thích truyền thông xã hội đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Tại khóa tập huấn, các học viên tham gia thảo luận sôi nổi về các khái niệm truyền thông qua câu chuyện tuyên truyền về biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) đã sạch sau sự cố Formosa năm 2016, cách ông Ramzan Akhmatovich Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga đối mặt với lệnh trừng phạt từ phương Tây trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina.

Làm sao để công chúng tin và hiểu đúng về dự án phát triển? Cách nâng cao nhận thức của công chúng với một hoạt động phát triển là gì? Làm thế nào để thúc đẩy hành động của đối tượng mục tiêu qua truyền thông? Tất cả các câu hỏi đều được chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích và giải đáp thông qua 9 bước lập kế hoạch truyền thông của Truyền thông Trăng đen.

“Người ta chỉ tin cái người ta không tìm được” – các bạn trẻ đã hiểu cách khai thác các chủ đề truyền thông về lĩnh vực phát triển thông qua nguyên tắc đèn ông sao 5 cánh (Biết – Nhớ – Hiểu – Tin – Yêu) và 16 khái niệm truyền thông bất biến.

Trong phần thực hành, học viên được chia nhóm để tìm ý tưởng cho việc truyền thông nâng cao nhận thức về bạo lực giới thông qua hoạt động Triển lãm giả định. Nhiều ý tưởng thú vị đã được học viên trình bày như: Thời gian mở cửa vào 2:00 đêm (thời gian thường xảy ra bạo lực); tranh triển lãm từ vỏ lon bia (nâng cao nhận thức về việc bạo lực giới, do phần lớn các hành vi được gây ra khi người gây bạo lực sử dụng bia, rượu); tranh bằng len do người bị bạo lực thực hiện, trong đó vật liệu len mang lại sự ấm áp giúp xoa dịu sự lạnh lẽo, cô đơn và sợ hãi mà người bị bạo lực phải gánh chịu.

“Qua buổi học hôm nay em đã học được rất nhiều điều, đặc biệt là các kiến thức về truyền thông, tư duy truyền thông và điều này thực sự có ích rất nhiều cho nhóm chúng em trong việc thực hiện dự án vì cộng đồng sắp tới” – Bạn Vũ Đình Khoa, thành viên DynaGen - Live United khoá 3 chia sẻ sau khóa tập huấn

Khóa tập huấn “Truyền thông tạo tác động” diễn ra trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh và trực tuyến cho các thành viên tại Hà Nội. Đây là buổi tập huấn thứ hai do DynaGen – Live United tổ chức. Bên cạnh các khóa huấn luyện kỹ năng, DynaGen - Live United cũng đang kêu gọi thành viên nộp đề xuất các “Sáng kiến vì cộng đồng 2022” nhằm tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo góp phần giải quyết các vấn đề cộng đồng, xã hội. Chương trình sẽ thúc đẩy và phát huy vai trò, đóng góp của thế hệ trẻ trong các hoạt động phát triển cộng đồng, xây dựng nét văn hóa đẹp cho mỗi công dân Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề xã hội của đất nước.

DynaGen - Live United tiền thân là “DynaGen Initiative – Sáng kiến Hỗ trợ Sinh viên” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và chương trình Youth Leader United của MSD-United Way Việt Nam. DynaGen là từ viết tắt của “Dynamic Generation” - nghĩa là “thế hệ năng động”, với mỗi cá nhân là những công dân toàn cầu, sẵn sàng thích ứng, học hỏi và phát triển; Live United để hướng và định vị các cá nhân trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội, hệ sinh thái đoàn kết, hợp tác, tạo xu hướng và dẫn dắt thay đổi. Qua 3 năm triển khai, chương trình đã giúp hàng trăm sinh viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi bước vào thị trường lao động. Năm 2022, chương trình tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Shinhan và sự đồng hành của Báo Giáo dục & Thời đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.