Giỏ quà Tết: Nhỏ gọn theo… thời kinh tế khó

GD&TĐ - Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường giỏ quà Tết những ngày này đang dần trở nên sôi động hơn.

Giỏ quà Tết 'truyền thống' với bánh kẹo, rượu vang đang dần mất đi sức hút khiến sức mua giảm.
Giỏ quà Tết 'truyền thống' với bánh kẹo, rượu vang đang dần mất đi sức hút khiến sức mua giảm.

Năm nay, xu hướng giỏ quà Tết chuyển sang ưu tiên các sản phẩm nội địa, sản phẩm “xanh”. Đây cũng là xu hướng ngày càng được ưa chuộng bởi chất lượng hàng hóa trong nước ngày càng cải thiện, cùng với đó là giá cả phải chăng, phù hợp với mức tiêu dùng có tiêu chí “cần kiệm”.

Giỏ quà Tết “bình dân” hơn

Chị Nguyễn Ngọc Vân Anh (quận Tân Bình, TPHCM) là chủ một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực truyền thông cho biết, năm nào cũng vậy, dịp cuối năm đều chọn mua các mặt hàng bánh mứt, giỏ quà gửi tặng người thân và bạn bè, đối tác.

“Mấy năm trước, tôi thường mua giỏ quà có sẵn với bánh kẹo, rượu vang trị giá khoảng từ 700.000 - 800.000 đồng để tặng, nhưng từ năm ngoài đến nay, tôi ưu tiên chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như hạt dinh dưỡng, trà thảo mộc, mật ong rừng, nông sản vùng miền có chứng nhận OCOP... để cho vào giỏ quà. Đó sẽ là món quà sức khỏe, thay cho lời chúc an khang, thịnh vượng”, chị Vân Anh cho biết.

Giống chị Vân Anh, chị Thái Thị Linh (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, bàn thân cảm thấy việc mua lẻ hàng hoá rồi tự gói thành giỏ quà rất ý nghĩa và có thể tiết kiệm được chi phí. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

“Năm nay, tôi sẽ ra siêu thị Co.opmart gần nhà và lựa chọn các mặt hàng phù hợp với người thân, bạn bè hoặc gia đình mình rồi mang ra quầy nhờ nhân viên gói thành giỏ quà”, chị Linh chia sẻ.

Theo ghi nhận, mùa Tết năm nay việc lên ngôi của xu hướng quà Tết “xanh”, đề cao sức khỏe và tính thiết thực, đặc biệt là phải có chi phí “hợp lý” đang dần thay thế cho những giỏ quà truyền thống.

Điển hình, tại Co.opmart, ngay từ đầu tháng 12 hệ thống siêu thị này đã tung hàng trăm mẫu giỏ quà Tết 2025 với mức giá “mềm” theo đơn đặt hàng của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp. Mức giá giao động 99.000 - 200.000 đồng với các sản phẩm thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, đường, hạt nêm.

Đặc biệt, một điểm nhấn độc đáo trong “rổ” quà Tết tại hệ thống bán lẻ này là giỏ quà rau củ với giá chỉ từ 31.500 đồng, chứa các loại nông sản như tỏi Hải Dương, hành tím Vĩnh Châu, hành tây New Zealand…

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, mặt hàng thiết kế trong giỏ quà Tết năm nay chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như giỏ quà xanh, giỏ quà sức khỏe, giỏ quà trái cây, rau củ, quả…

“Giỏ quà Tết “xanh” không chỉ là những sản phẩm có nguồn gốc thiên thiên, an toàn mà còn phải đáp ứng các tiêu chí “xanh” về chất lượng và mẫu mã, bao gói, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe”, ông Thắng nói.

Tương tự, các giỏ quà Tết năm nay của hệ thống bán lẻ SATRA cũng ưu tiên các sản phẩm hàng Việt với nhiều mức giá khác nhau, từ 260.000 đồng/giỏ tới hơn 3 triệu đồng/giỏ để phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Theo ghi nhận tại các cửa hàng thuộc hệ thống này, có khoảng 50 mẫu giỏ quà Tết, trong đó phần lớn là các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và sản phẩm Việt Nam chất lượng cao vào giỏ quà.

gio-qua-tet-nho-gon-theo-thoi-kinh-te-kho-2.jpg
Khách hàng tìm mua các giỏ quả Tết mang yếu tố 'xanh', bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Quốc Hải

Doanh nghiệp “cân đo” giỏ hàng Tết

Theo ghi nhận vào những ngày cuối tháng 12, khu vực trưng bày giỏ hàng Tết của nhiều hệ thống siêu thị tại TPHCM khá vắng khách. Đại diện một siêu thị lớn tại quận Tân Bình than thở rằng, khả năng Tết này không đạt chỉ tiêu doanh số về giỏ quà Tết.

Nguyên nhân là do giỏ quà truyền thống chứa rượu, bánh, kẹo, trà, hạt… không còn hấp dẫn người tiêu dùng. Thay vào đó, khách hàng có xu hướng chọn mua trái cây tươi, rau sạch hoặc các sản phẩm bổ dưỡng như hạt dinh dưỡng, sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đang dần lên ngôi.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc thương hiệu cà phê Meet More cho biết, tình hình đặt hàng quà Tết năm nay rất chậm. Những giỏ quà trên 1 triệu đồng rất ít khách hỏi.

“Cùng kỳ năm ngoái, khách đặt hơn 5.000 suất quà 1,5 triệu đồng/suất nhưng nay chỉ mới có đơn 1.000 suất. Công ty đã phải tạm ngừng in bao bì Tết để chờ thêm tín hiệu từ thị trường. Ngay cả những giỏ quà phổ biến trong khoảng giá 700.000 - 900.000 đồng/giỏ cũng tiêu thụ khá chậm”, ông Luận nói.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho hay, thị trường phục vụ mùa Tết năm nay nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là khi giá một số nguyên vật liệu sản xuất, bao bì nhựa… tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng 6% - 7%. Ngoài ra, hàng hóa ngoại nhập giá rẻ đang cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.

“Nếu doanh nghiệp tăng giá bán tương ứng với mức tăng giá thành, e rằng khó cạnh tranh trên thị trường vì người tiêu dùng không chấp nhận. Còn nếu cứ giữ nguyên mức giá như hiện tại thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, ông Hiến nói.

Không chỉ ở các kênh siêu thị hiện đại, tình hình mua sắm Tết ở các chợ truyền thống cũng khá ảm đạm. Bà Hoa, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM) cho hay, năm nay bên cạnh các loại bánh mứt truyền thống như mứt dừa, hạt bí… còn có thêm các dòng sản phẩm mới như các loại mứt như hạt sa-chi, mứt chanh dây, mứt hồng bì, mứt xoài, đu đủ sấy dẻo, xoài sấy dẻo… của các doanh nghiệp Việt với mẫu mã bắt mắt, giá cả hợp lý được đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, thời điểm này, hàng Tết về nhiều nhưng sức mua chưa tăng. “Thông thường, cao điểm sắm Tết sẽ bắt đầu từ 22 tháng Chạp đến 30 Tết. Tiểu thương chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường Tết năm nay khởi sắc hơn vì kinh tế đang phục hồi trong khi hàng Tết phong phú, nhiều khuyến mãi”, bà Hoa tỏ ý lạc quan.

Trước dự báo về sức mua có phần ảm đạm, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai sản xuất, đa dạng các combo hộp quà Tết, phục vụ nhu cầu tiêu thụ cao của người tiêu dùng cả nước trong dịp Tết Nguyên đán. Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An đã đưa các combo quà Tết đến tay người tiêu dùng sớm, bắt đầu từ giữa tháng 11/2024.

Ông Bùi Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Tường An cho hay, mùa Tết năm nay, người tiêu dùng sẽ tiếp tục bám sát việc tiêu dùng thông minh, xu hướng mua sắm đã nổi lên từ sau dịch Covid-19 đến nay. Những sản phẩm thiết yếu, cần thiết sẽ là ưu tiên hàng đầu trong giỏ sản phẩm của người tiêu dùng.

“Năm nay, xu hướng lựa chọn quà Tết của người tiêu dùng sẽ ưu tiên các bộ quà tặng thiết thực và có chi phí hợp lý. Đó là những sản phẩm như dầu ăn, gia vị và các sản phẩm tốt cho sức khỏe như hạt, sữa chua, nước yến… Thậm chí là các sản phẩm thiết yếu và hữu ích như đồ gia dụng, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thực phẩm, đồ uống không cồn, hơn là các sản phẩm tiêu dùng phổ biến trước đây”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam (doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại Việt Nam), cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một lớp học của Trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT

Khơi thông chính sách cho nhà giáo

GD&TĐ - Trong năm 2024, nhiều “điểm nghẽn” về chính sách dành cho nhà giáo được tháo gỡ, tạo động lực để các thầy, cô cống hiến.