Giỗ mẹ

GD&TĐ - Lo dậy từ mờ đất, cơm canh chuẩn bị cho chồng đâu đó rồi bà già đeo vào cổ cái túi với mớ tiền lẻ (làm tiền thối) và một tập vé số dày cộm.

Giỗ mẹ

Bà tranh thủ tạt qua chợ lo đồ ăn trưa rồi thẳng hướng thị trấn mà tiến. Đường quốc lộ, hai bên đồng ruộng, ngược gió, bà già cong lưng, đạp rã cẳng rã chân.

Đôi dép những chỗ da chưa quen quai dép rẻ tiền mài vô chỗ nào phồng rộp chỗ ấy. Phồng rộp gì cũng phải lết. Có hôm phải tháo đôi dép bỏ trước giỏ xe mà đạp chân không. Từ từ vết rộp sẽ liền, sẽ chai. Nghề vé số không đi lấy gì ăn.

Đời bà, cái chân đi cộng dồn từ ngày đầu mang túi vé số tới giờ có khi đã hàng ngàn cây số có dư. Không sao, đi mà có tiền bà sẵn sàng đi luôn tới… mặt trăng chớ nói gì mặt đất! Xoay qua trở lại nhìn đã trưa trật, hèn chi bụng sôi réo.

Bà tấp đại vô lề đường chỗ có cái bóng cây nhỏ xíu, trở nón quạt phạch phạch cho ráo mồ hôi rồi giở túi nilon đùm gói xôi muối đậu phộng năm nghìn tòn teng trước cổ xe.

Bữa trưa thường lệ. Ăn hơi ngán chút nhưng được cái rẻ mà chắc bụng. Tới tuổi này rồi thì sự ngon dở không còn là chuyện to tát. Ăn để sống, đâu phải sống để ăn, quan trọng gì? Ăn no sinh chứng buồn ngủ. Uống miếng nước mà ngồi ngủ gục.

Nhưng cũng chỉ gục mấy cái rồi dụi dụi đứng dậy đi chứ không dám cho đôi mắt được chợp một chút trưa. Phải chạy đua với thời gian. Sáng nay nặng vía, ôm tập vé số mời rớt họng mà mới bán trôi đâu được mươi vé. Còn lại gần như nguyên vẹn…

Phủi đít đứng dậy, chưa kịp leo lên xe, gã thanh niên ở đâu đã dừng lại trước mặt. Áo quần xơ xác. Tóc tai bờm xờm. Mặt mày nhàu nhĩ thảm thương.

- Bác ơi, con hỏi cái này…

- Chuyện gì?

Bà khựng chân lại, cảnh giác đưa tay giữ chặt túi vé số. Thời buổi này không tin nổi ai, bà mấy lần bị tụi trẻ giật vé số trên tay rồi. Chàng trai trẻ nói giọng rầu rĩ:

- Hôm nay là giỗ mẹ con, mà con thì đang lang thang không có nơi về, giờ con phải làm sao?

- Sao lại không có nơi về?

- Dạ, con theo người ta đi làm ăn xa. Công chuyện đổ bể, không còn đồng bạc dính túi nên giờ thành lang thang. Từ biên giới mà đi cả tháng cũng chưa về tới quê.

Cứ leo ào lên xe khách mà đi. Chạy một đoạn, nhà xe thu tiền không có họ lại đuổi xuống. Vất va vất vưởng xin ăn, còn đổ bịnh dọc đường, đã tính sẽ về nhà kịp ngày giỗ mẹ mà giờ...

Thằng thanh niên ứa nước mắt. Nước mắt - lại nước mắt đàn ông - là thứ dễ làm trái tim đàn bà xúc động. Trong thời gian một nốt nhạc, bà đã từ đề phòng chuyển qua nhìn chàng trai lạ bằng ánh nhìn xa xót. Nhìn kĩ khuôn mặt vàng bủng, ướt nhòe của chàng trai, cái tay giữ túi của bà tự nhiên lơi ra một chút.

- Quê cậu ở đâu?

- Dạ, quê con tận ngoài T. Chưa năm nào con vắng nhà ngày giỗ mẹ. Nhưng năm nay…

Giọng nói nghèn nghẹn. Nghe hơi tin được nhưng để cẩn thận, một phép thử không bao giờ thừa.

- Vậy giờ cậu muốn sao, tính… xin tiền tui hen?

- Ý không, bàn tay xua lia lịa. Bác ơi, bác hiểu lầm rồi, bán vé số như bác thì tiền đâu mà xin. Mẹ cháu ngày còn sống cũng đi bán vé số…

Ra vậy, chuyện lạ có thật. Vậy mà lúc nãy, suýt chút bà đã rủa: Còn trẻ, không lo đi làm ăn lại học thói lưu manh lừa đảo! Một thằng còn biết khóc vì không kịp về giỗ mẹ thì chắc chưa đến nỗi lưu manh.

Chẳng phải có ai đó đã nói, muốn đo tốt xấu của một chàng trai, cứ nhìn cái cách anh ta đối xử với mẹ. Cuộc sống bây giờ tràn ngập rủi ro. Làm ăn thất bát trắng tay, lang thang cơ nhỡ, cảnh ấy ai rồi cũng có lúc. Thương người như thể thương thân.

Tự nhiên bà lại nhớ tới thằng Hai. Năm rồi giỗ cha nó không về. Đi công tác xa. Năm trước, trước nữa thì sinh nhật hiếu hỉ tang chế gì đó vân vân của hết sếp to tới sếp bé. Năm ba năm nó mới ló mặt về một bận. Về miễn cưỡng nhấp nhổm, quáng quàng như kiến đốt đít xong là chực đi.

Mà nói gì giỗ chạp, bà bệnh, hàng xóm xúm đưa đi viện, thay nhau chăm tới lúc gần khỏi nó mới ló mặt về. Mẹ thông cảm, thời buổi giờ khó lắm, nồi cơm con phải lo giữ không là đói. Con mà đói, ai nuôi mẹ đây? Nói có ơn ghê.

Ừ thôi, cơm nó nó cứ giữ. Nó mà đói bà cũng không yên; con mà? Còn nuôi mẹ thì chưa phải lo. Tiền nó gửi về bà cứ để nguyên không động tới. Giữ dùm cho nó. Đời mà, ai đâu biết được chuyện ngày mai?

Con Ba thì có khá hơn, lâu lâu lén chồng chạy về. Quét nhà. Dọn bếp. Mua vội vài thứ nhu yếu phẩm nhét tủ lạnh cho mẹ rồi lại quáng quàng chạy đi. Không phải không thương mẹ nhưng nó sợ chồng quá tay. Phận gái mười hai bến nước, gặp thằng chồng tính khó khăn gia trưởng phải ráng chịu.

Bà biết vậy nên dù nhớ con, mỗi lúc nó về không chịu đi nhanh bà cũng phải… đuổi. Con cái đủ lông đủ cánh, có cuộc sống riêng rồi thôi để chúng nó yên; phần bà nhúc nhắc “tự thân vận động” được ngày nào cứ nhúc nhắc.

Mà nữa; kinh nghiệm một đời cho bà biết: Không sướng nào bằng cái sướng độc lập tự do. Ăn uống, bệnh đau, ơn nghĩa xóm giềng trông vào đôi chân ngày ngày ruổi rong đi bán vé số… Chòm xóm cứ khen bà tốt phước, con cái thành đạt chu cấp rộng rãi.

Nghe và cười. Ừ, nếu bà ngồi không đòi hỏi chắc con cái cũng không bỏ. Nhưng không, bà thích được tiêu xài bằng đồng tiền do chính mình làm ra hơn. Đó mới là hạnh phúc tối cao…

- Bác ơi, giờ con phải làm sao?

Câu hỏi khẩn thiết lôi bà về thực tại. Lắc lắc đầu, xua đi những hồi ức u ám.

- Làm sao là làm sao, tưởng mẹ thì… cúng chớ sao?

- Nhưng con… nhà cửa không…

- Khỏi cần, cậu không nghe câu: “Có lòng, lật nón cúng giữa đường cha mẹ cũng chứng” sao? Cậu ra kia xin nước rửa mặt mũi chân tay, chuyện khác tui lo!

Nói rồi bà bươn qua tiệm tạp hóa bên kia đường mua bì bánh ngọt, chai nước, thẻ hương. Mượn thêm tấm ván nhỏ làm bàn cúng. Kê mấy hòn gạch, bày biện gọn ghẽ dưới gốc cây. Đốt ba cây hương, bà ấn tận tay đứa con xa quê.

- Nè, cậu khấn mẹ đi. Nghĩ sao khấn vậy.

Mấy nén hương tỏa khói run run trong đôi bàn tay chai sần, chi chít vết cứa dọc ngang.

- Mẹ ơi, hôm nay giỗ mẹ mà con trai bất hiếu giờ còn nơi đất khách quê người không về...

Khấn tới đó là nghẹn, sụp xuống hu hu khóc! Tiếng khóc của thằng con trai mồ côi mẹ suýt chút làm tan chảy trái tim người đàn bà đã không ít lần thất vọng về những đứa con. Bà đứng lặng, tự nhiên thấy mắt mình cũng rân rấn ướt…

*

Quán nhậu vỉa hè. Thằng con trai “xa quê làm ăn đổ bể không có tiền xe về” đang đối ẩm cùng một chiến hữu mặt mày bặm trợn. Mồi nhậu khô nướng, cóc ổi nhắm cùng rượu đế đắng ngắt. Nốc một li rượu, gã chiến hữu quay mình nhổ toẹt, bực dọc gầm gừ:

- Mày làm ăn cái đ… gì mồi ngon vậy mà bỏ sẩy? Đáng ra giờ này mình phải ăn bò nướng uống “tai gơ” chớ đâu phải ráng nuốt mấy thứ thổ tả này? Con mẹ ấy, đoán chắc với mày, túi ngày nào cũng vài triệu không suy tiền vé. Mẻ bán đắt nhưng cũng cảnh giác dữ, tướng tá cô hồn như tao không xáp gần được nên tao mới kêu. Ai ngờ mày cũng làm ăn như con...

Gã nhón miếng khô cá, đưa vô mồm trèo trẹo nhai như trút giận. Thằng trai vẫn ngồi im, rượu nốc hết li này sang li kia không cần mồi miếc. Nhìn bản mặt u buồn, lặng câm như hóa đá, bất giác gã chiến hữu thấy chùng cơn thịnh nộ. Tợp, nuốt thêm ngụm rượu đắng, gã nhăn mặt khà một hơi xong dịu giọng:

- Là tao nói vậy thôi, thua mánh này bày mánh khác làm ăn. Mày… làm gì bộ như cha chết?

- Thằng trai đột ngột dằn li, gục xuống bàn, vai rung lên trong tiếng nấc:

- Không phải cha. Là mẹ. Hôm nay… là… giỗ… mẹ… tao!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ