Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ

GD&TĐ - Tôi biết ngoài kia có rất nhiều người mẹ tuyệt vời, tình yêu thương và cả sự hy sinh của họ đều xứng đáng được ghi nhận. Nhưng với tôi, người mẹ ruột của mình luôn là số một. 

Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ

Bà không chỉ là một người vợ, người mẹ trong gia đình, mà còn là một người hùng trong trái tim tôi. 20 năm trước, bố mẹ dốc hết tiền bạc để chúng tôi có thể bước lên chuyến bay quyết định số phận. Vì muốn tôi và em trai có một tương lai tốt đẹp hơn, bố đã đưa anh em tôi sang Mỹ mà không thể mang theo mẹ. Bố nói: “Mẹ phải ở nhà để chăm sóc ông bà 2 bên nội ngoại”.

Tôi không thể nào quên ngày mình lên đường, rời xa Việt Nam. Mẹ cố gắng nuốt nước mắt vào trong để tôi không khóc theo. Ngày thường, mẹ hay khóc lắm, thấy tôi có một vết xước nhỏ trên tay, bà cũng chảy nước mắt vì xót. Nhưng thật kỳ lạ, ngày hôm đó bà không để rơi giọt nước mắt nào. Tôi thấy mẹ thật dũng cảm và mạnh mẽ. Tôi biết, mẹ cố gắng không khóc cũng vì không muốn bố tôi suy sụp. 

Thời gian đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để làm quen môi trường mới. Khi cuộc sống đã dần ổn định trở lại, bố tôi bắt đầu tính đến việc thi thoảng bay về Việt Nam thăm mẹ và ông bà. Nhưng mỗi lần tính toán xong, ông chỉ biết thở dài vì mỗi chuyến bay như vậy rất tốn kém. Mẹ thì liên tục động viên bố và anh em chúng tôi: “Bố con anh giữ gìn sức khỏe nhé, mọi chuyện ở nhà vẫn ổn. Khi nào dư giả thì hẵng về Việt Nam”.

Hồi đó, chúng tôi không có Skype, Facebook hay FaceTime, vì vậy việc liên lạc thực sự rất khó khăn. Những cuộc trò chuyện như vậy với mẹ vô cùng quý giá. Chúng tôi thậm chí không có cơ hội để nhìn thấy nhau qua ảnh. Khi nào cảm thấy thật sự cần thiết, mẹ mới viết thư cho bố con tôi. Về sau này tôi mới biết, ngày nào mẹ cũng ghé qua bưu điện chỉ để hỏi xem có lá thư nào gửi cho mình không. Mỗi lần nhận được thư và ảnh đính kèm, mẹ vui như nhận được món quà từ trên trời rơi xuống vậy.

Sống trong cảnh gia đình ly tán, đứt ruột vì thương nhớ, nhưng thời gian vẫn trôi vèo vèo. Ông bà nội đều bị bệnh và qua đời. Điều đó khiến bố tôi đau đớn và hối hận vô cùng. Đó cũng là lý do khiến bố dứt khoát đón mẹ sang Mỹ để gia đình đoàn tụ. Ông nói rằng mình không thể chịu đựng thêm giây phút nào phải sống xa người thân. Khi đó, tôi chuẩn bị vào đại học, em trai sắp thi lên cấp 3. 

Ở bên chúng tôi, mẹ lấy việc dọn dẹp, nấu ăn, vệ sinh nhà cửa làm niềm vui. Bà hầu như không để anh em tôi đụng tay vào bất cứ việc gì. Mẹ nói: “Việc quan trọng nhất đối với các con bây giờ là học sao cho tốt”.  

Mỗi khi chúng tôi thức khuya để học bài, mẹ luôn động viên tinh thần bằng cách thức cùng, dù là 1 giờ sáng hay 2 giờ sáng. Mẹ luôn cố gắng đảm bảo rằng chúng tôi đã học xong và ngủ say trước khi bà quay về phòng của mình. Mẹ luôn là người cuối cùng trong nhà được ngủ. May mắn là cả 2 anh em chúng tôi đều không phụ công nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ của bố mẹ.

Giờ tôi đã là một người đàn ông trưởng thành. Nhớ lại những năm tháng khó khăn, tôi rùng mình, nghĩ: Nếu không có bố mẹ, tôi sẽ không có được vị trí của ngày hôm nay. Nhờ sự hậu thuẫn tuyệt vời của bố mẹ, tôi đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng. Tôi cũng trở thành người đầu tiên của dòng họ có được một tấm bằng đại học tại Mỹ.

Tôi chuyển ra ngoài sống riêng ngay khi kết hôn. Hiện tại, vợ chồng tôi và con nhỏ không ở quá gần bố mẹ, nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian để lái xe đến thăm ông bà. Vợ tôi cũng là người Việt nên dễ dàng thân thiết với mẹ. Họ coi nhau như ruột thịt, người ngoài nhìn vào đều ngỡ họ không phải mẹ chồng - nàng dâu. 

Tôi luôn cảm thấy biết ơn những gì mình đang có. Tôi biết ông trời công bằng lắm, thứ hạnh phúc hiện tại chính là sự bù đắp cho những mất mát, thiếu thốn mà chúng tôi đã chịu đựng cùng nhau trong quá khứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?