Người mẹ thứ hai

GD&TĐ - Không chỉ miệt mài dạy học, nhiều cô giáo còn tìm được niềm vui, hạnh phúc khi giúp đỡ học trò nghèo.

Cô Nguyễn Ngọc Thùy (bên trái ảnh) nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long.
Cô Nguyễn Ngọc Thùy (bên trái ảnh) nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long.

Tấm lòng nhân ái của những “người mẹ thứ hai” đã mở ra cánh cửa mới cho không ít học sinh khó khăn, giúp các em yên tâm học tập.

Miệt mài giúp học trò nghèo

Đến với công tác thiện nguyện một cách tình cờ, cô Nguyễn Ngọc Thùy - giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bình D, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có 10 năm gắn bó với hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo.

Ra trường rồi trở về quê hương công tác tại một trường vùng sâu thuộc xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, gặp nhiều học trò nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cô giáo trẻ như nhìn thấy chính mình trong những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn cả vật chất và tinh thần.

Được sự ủng hộ của Ban giám hiệu, ban đầu cô Thùy chỉ tặng bút, vở, đồ dùng học tập, sau đó là vận động xây nhà cho học sinh nghèo của trường.

Càng tìm hiểu, cô càng mong được giúp học trò một cách bền vững hơn. “Chỉ khi nào tạo cho phụ huynh một việc làm ổn định mới có thể giải quyết được vấn đề về kinh tế của gia đình”. Trăn trở điều này, cô Thùy đã tham mưu các cấp lãnh đạo để tạo một cơ sở may gia công nhằm giúp phụ huynh có thu nhập ổn định.

“May mắn thay, kế hoạch này được nhiều người ủng hộ. Đến tháng 9/2017, tận dụng cơ sở cũ của trường, một tổ may gia công với 5 máy may công nghiệp, có liên kết với cơ sở cung cấp hàng và dạy nghề cho phụ huynh ra đời. Thu nhập ban đầu chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, tổ may có 12 máy tạo việc làm và cho thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tôi kết hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Bình vận động cá nhân tài trợ thêm 16 máy đặt tại trung tâm văn hóa xã để hỗ trợ những chị em phụ nữ không việc làm”, cô Thùy cho hay.

Năm học 2021 - 2022, trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cô Thùy đã tham mưu Ban giám hiệu nhà trường vận động tổ may và nhà hảo tâm hỗ trợ trang phục mới cho học sinh. Đến nay, tổ may đã gửi tặng 1.057 bộ trang phục mới, 11.780 khẩu trang vải may hai lớp cho các trường ở Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm.

Đối với khẩu trang, tổ may tặng miễn phí cho các trường. Với trang phục cho học sinh xã Hòa Bình, trường đăng kí nhận trang phục sẽ hỗ trợ lại 20.000 đồng/bộ (số tiền này do trường cần hỗ trợ đồ tự vận động); trường xã Hòa Bình hỗ trợ 30.000 đồng/bộ.

“Đây là chi phí để tổ may chi tiền chỉ, nút, điện và các phụ liệu phục vụ may. Các chị cũng có thêm chút thu nhập để trang trải cho gia đình. Tôi mong, vừa có thể giúp được học sinh, đồng thời cũng tạo việc làm cho phụ huynh trong lúc dịch còn phức tạp, các cơ sở chưa cung cấp hàng trở lại”, cô Thùy thông tin.

Để có thể duy trì được các hoạt động thiện nguyện nhiều năm qua, cô giáo trẻ cho biết mình luôn được lãnh đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất, được sự ủng hộ từ gia đình, đoàn kết giúp đỡ của tập thể sư phạm nhà trường, sự tin tưởng của bạn bè, nhà hảo tâm...

Khao khát giúp học sinh nghèo phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần là động lực giúp cô Thùy sắp xếp thời gian hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được phân công, hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình, để an tâm làm công việc thiện nguyện.

Mỗi tối, cô Thục đều dành thời gian để dạy Phúc học bài. Ảnh: TG
Mỗi tối, cô Thục đều dành thời gian để dạy Phúc học bài. Ảnh: TG

Tấm lòng người mẹ

Chồng là bộ đội biên phòng đóng quân ở tỉnh ngoài, thường xuyên vắng nhà, một mình lo việc trường, việc nhà với hai con nhỏ và cha mẹ cao tuổi, cô Trần Thị Thục - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đình Cao B, xã Đình Cao (Phù Cừ, Hưng Yên) vẫn chấp nhận khó khăn, vất vả nhận nuôi một học sinh nghèo cùng làng.

Kể lại câu chuyện này, cô giáo hơn 30 năm gắn bó với nghề còn nhớ như in cảm xúc khi quyết tâm đón em Trần Văn Phúc về chăm sóc, dạy dỗ. Nhà Phúc thuộc diện hộ nghèo nhiều năm của xã. Bố của em bị bệnh não, mẹ em vì quá khó khăn nên chấp nhận xa quê lên Hà Nội bán rau quả ở vỉa hè để nuôi cả gia đình.

Rồi bố Phúc bệnh nặng qua đời, xót thương đứa trẻ mồ côi cha khi còn quá nhỏ, mẹ thì làm xa, cô Thục quyết tâm đón em về nhà. Được chồng ủng hộ, nhưng vất vả là khó kể hết, bởi lúc đó Phúc mới chỉ 7 tuổi, gầy yếu, nhút nhát. 4 năm ở cùng cô giáo, Phúc được chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ. Những đêm đầu khó ngủ vì lạ nhà, những khi ốm sốt, em đều được người mẹ thứ hai lo lắng, yêu thương như con ruột.

Cô Nguyễn Ngọc Thùy bàn giao nhà cho gia đình học sinh Dương Tấn Phát (năm học 2016 – 2017).
Cô Nguyễn Ngọc Thùy bàn giao nhà cho gia đình học sinh Dương Tấn Phát (năm học 2016 – 2017).

Không chỉ dành thời gian mỗi tối để dạy Phúc học bài, cô Thục còn dạy em những kỹ năng sống cần thiết, như tự vệ sinh cá nhân, làm việc nhà... 4 năm sống trong tình yêu thương ấy, Phúc thay đổi nhanh chóng, sức khỏe ngày một tốt lên, học lực cũng ngày càng tiến bộ, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Đặc biệt, năm học 2016 - 2017, Phúc đoạt giải Ba cuộc thi Giải Toán trên mạng Internet cấp tỉnh. Từ năm học 2017 - 2018, em còn được Quỹ Thiện Tâm tài trợ một suất học bổng trị giá 500 nghìn đồng/tháng.

“Học hết tiểu học, Phúc trở về sống cùng mẹ. Từ đó đến nay, em luôn là học sinh xuất sắc. Nhớ lại thời gian đó, dù vất vả nhưng tôi rất vui, hạnh phúc. Nếu còn gặp một học sinh nào đó có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôi cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ và nuôi dạy em như nuôi và dạy con mình” - cô Trần Thị Thục chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ