Giờ giảng vượt ra ngoài khuôn mẫu

GD&TĐ - Ngay từ khi bước vào nghề dạy học, cô Nguyễn Thị Hồng Quyên - GV Trường THCS thị trấn Sóc Sơn (Hà Nội) tâm niệm: Thầy cô giáo giỏi không phải là dạy được nhiều HS giỏi, mà giúp cho HS nắm vững kiến thức từ thấp đến cao. Theo đó, cô không ngừng học tập và rèn luyện, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kiến thức và kĩ năng sư phạm bằng tất cả tâm huyết, tình yêu nghề và yêu trẻ. 

Giờ giảng vượt ra ngoài khuôn mẫu

Linh hoạt phương pháp dạy học

Là GV dạy Ngữ văn và GD công dân, cô Quyên luôn trăn trở, tìm tòi các phương pháp để có những bài dạy hay và hiệu quả. Qua đó, giúp HS nắm vững kiến thức và vận dụng kiến thức linh hoạt vào trong thực tiễn. Càng gần học sinh cô càng hiểu, đích đến của công tác GD là hình thành nhân cách con người, rèn luyện cho HS những kĩ năng cơ bản, cần thiết. Vì thế qua các bài dạy, cô thường cố gắng khơi dậy khả năng, tính chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của HS.

Cô Quyên thường xuyên dành thời gian nghiên cứu các tài liệu, đọc sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, học hỏi ở các đồng nghiệp và tự thay đổi bản thân. Cô “kỹ tính” từ khâu chuẩn bị giáo án cho đến khi giảng bài. Cô chủ động áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực như: Sơ đồ tư duy, kĩ thuật “3 lần 3”, áp dụng trò chơi hay thay đổi cách đọc văn bản bằng hát, làm thơ, đóng kịch… Mục đích là khơi dậy sự hứng thú và sáng tạo của HS với môn học.

“Đổi mới, sáng tạo không phải cái gì quá to lớn. Đó có thể là để HS được bày tỏ ý kiến, quan điểm của cá nhân mình về một vấn đề trong bài học mà không phải là sự áp đặt trong suy nghĩ. Hoặc đó có thể là đưa ra nội dung yêu cầu để học sinh tự lựa chọn hướng làm phù hợp với năng lực của mình, không phải thuyết giảng, không giáo điều khuôn mẫu… cứ như thế tạo ra sự tương tác tự nhiên giữa người dạy với người học. Tôi cảm thấy tâm đắc về điều đó. Vì ít nhất giờ học của tôi không bị học trò coi là nhàm chán” - cô Quyên bộc bạch.

Ngoài ra, cô kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp dạy học tích cực thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập… “Chẳng hạn: Thay vì việc nói nhiều, giảng nhiều trong giờ học, tôi yêu cầu HS làm việc: Trình bày kết quả chuẩn bị ở nhà hoặc đàm thoại về một vấn đề thời sự nào đó” - cô Quyên dẫn giải.

Kỉ luật tích cực

Trong công tác chủ nhiệm, cô Quyên luôn đề cao vai trò GD cho HS những phẩm chất đạo đức và những kĩ năng sống cơ bản. Cô đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng linh hoạt phương pháp kỉ luật tích cực trong quá trình dạy học. Cô hiểu rằng: Đây là phương pháp GD có tính GD cao, giúp HS phát triển toàn diện và đúng hướng. Từ phương pháp này, HS sẽ tự thay đổi những hành vi chưa phù hợp, tự thấy mình có giá trị. Đặc biệt, giúp các em hình thành lối suy nghĩ, tư duy tích cực, từ đó, tự tin, chủ động trong cuộc sống.

“Càng tìm hiểu sâu tôi càng nhận ra tính hiệu quả của phương pháp này. Tôi áp dụng không chỉ trong các giờ dạy bộ môn mà còn trong công tác chủ nhiệm lớp. Bắt đầu từ việc tìm hiểu, nắm bắt rõ những đặc điểm cá nhân học sinh, tôi tự đặt mình vào vị trí mình là “bạn”, là người thân nên luôn tạo khoảng cách gần, thường xuyên lắng nghe ngay cả khi trẻ mắc lỗi, sử dụng ngôn ngữ và thái độ tích cực trong quá trình giao tiếp và nhìn nhận mọi vấn đề, để học sinh được tự lựa chọn các phương án giải quyết, thường xuyên vận dụng phương pháp nêu gương và làm gương…” - cô Quyên trao đổi.

Sau những lần “kỉ luật tích cực”, cô Quyên nhận thấy HS cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và gần gũi với mình hơn. Các em cũng tự thay đổi các hành vi ứng xử, hòa đồng với bạn bè, tích cực trong học tập. Lớp học không còn căng thẳng, giờ sinh hoạt không còn là nỗi lo sợ của các trò. “Có học sinh thường nhảy tường, trốn học đi chơi điện tử. Bằng phương pháp này, tôi thấy em đó đã thay đổi, ý thức trong việc học, thi đỗ THPT công lập và bây giờ có nghề nghiệp ổn định. Có nhiều học sinh dám chia sẻ với cô về hoàn cảnh, suy nghĩ, tâm trạng của bản thân khi gặp những khó khăn, hay xin ý kiến cô khi muốn quyết định một việc gì đó… Tôi nghĩ đó cũng là thành công của “kỉ luật tích cực” - cô Quyên chia sẻ.

Bằng phương pháp này, cô đã đưa lớp với nhiều học sinh cá biệt trở thành một tập thể đoàn kết, đi đầu trong các hoạt động, phong trào và đạt danh hiệu lớp tiên tiến xuất sắc. Với những phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi, cô Quyên đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp và các danh hiệu thi đua. Đặc biệt dịp 20/11/2018, cô vinh dự được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.

 Giáo viên cần thay đổi. Tất nhiên để phát huy hết năng lực, phẩm chất HS không phải là điều dễ dàng. Nhưng cô luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể để hướng đến mục tiêu này. Trước mỗi bài giảng, tùy theo đối tượng và nội dung bài học, cô thường giao việc về nhà cho HS làm. Có thể là làm việc cá nhân hoặc làm theo nhóm. Qua đó, khích lệ tinh thần tự giác học tập cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ