Toàn xã hội đồng lòng sẽ thực hiện tốt Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Năm học 2020 - 2021 sẽ chính thức thực hiện Chương trình GDPT mới với những thay đổi nhất định. Ở bậc tiểu học, Chương trình GDPT mới cũng đòi hỏi các địa phương, nhà trường, giáo viên (GV) có sự chuẩn bị điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chuyên môn, tinh thần… để thực hiện hiệu quả. Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ GD tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề trên cùng Báo GD&TĐ.  

HS tiểu học sẽ được giáo dục toàn diện với Chương trình GDPT mới. Ảnh: Đ.Hạnh
HS tiểu học sẽ được giáo dục toàn diện với Chương trình GDPT mới. Ảnh: Đ.Hạnh

Hai thay đổi cơ bản

- Xin ông cho biết những thay đổi cơ bản trong Chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học?

- Trong Chương trình GDPT mới ban hành theo Thông tư 32/2018 tháng 12/2018, đối với bậc tiểu học sẽ có 2 thay đổi cụ thể như sau:

Thứ nhất: Chương trình các môn học có 2 môn mới là Tiếng Anh và Tin học - Công nghệ. Hai môn học này được xem như mới bởi trong chương trình hiện hành được thực hiện là môn học tự chọn còn trong Chương trình GDPT mới trở thành môn bắt buộc từ lớp 3 - 5.

Thứ 2: Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học thực hiện 2 buổi/ngày với mục đích tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chương trình một cách tối ưu trên cơ sở thực trạng giáo dục tiểu học hiện có. Dành nhiều thời gian để thực hiện các môn học và nội dung học tập; GD toàn diện cho HS; Tăng cường hoạt động trải nghiệm để giáo dục các kĩ năng mềm cho HS... Ngoài mục đích đó thì dạy học 2 buổi/ngày cũng là phương pháp để giảm tải cho HS ở bậc tiểu học vì cùng một thời lượng, cùng một nội dung trước đây dạy 1 buổi thì dạy thành 2 buổi.

- Với Chương trình GDPT mới sắp đi vào thực hiện chính thức thì sự chuẩn bị về đội ngũ GV có gì khác hơn chương trình hiện hành?

- Hiện nay, định biên định mức của GV bậc tiểu học theo Thông tư 16 quy định tỉ lệ không quá 1,5 GV/lớp cho những trường học tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Như vậy khi hiện 2 buổi/ngày vẫn thực hiện định biên không quá 1,5 GV/lớp nhưng trong số 1,5 GV/lớp khi thực hiện Chương trình GDPT mới chúng ta phải bổ sung 2 vị trí việc làm là GV môn Tin học và Tiếng Anh theo qui định tại Thông tư 32. Tuy nhiên, gần đây, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 1495/BNV-TCBC ngày 05/4/2019 về việc yêu cầu UBND các tỉnh thành phố rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành GD và y tế để có phương án giao bổ sung.

Vì vậy, các địa phương cần phải chú ý chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học này, xây dựng vị trí định biên đủ định mức số tiết quy định. Lộ trình thực hiện sẽ từ năm học 2020 - 2021 và đến năm học 2025 - 2026 phải đảm bảo đủ số lượng GV theo định mức và thành phần GV bộ môn đủ và cân đối hợp lí giữa các môn theo quy định của chương trình và Thông tư 32 là căn cứ pháp lý để các địa phương chỉ đạo các trường tiểu học, bổ sung vào vị trí việc đối với GV môn Tin học và Tiếng Anh.

Trong vấn đề bồi dưỡng GV: Bộ GD&ĐT đã ban hành các kế hoạch để triển khai có lộ trình. Trong tháng 4/2019 sẽ tập trung để triển khai bồi dưỡng cho CBQL cấp sở, phòng, trường với hình thức bồi dưỡng cuốn chiếu với mục tiêu 100% GV phải được bồi dưỡng trước khi thực hiện chương trình dạy lớp 1. Khâu BDGV sẽ tiến hành cả cấp Trung ương lẫn địa phương. Hình thức bồi dưỡng có bồi dưỡng trực tiếp và qua mạng. Việc đánh giá giám sát chất lượng bồi dưỡng sẽ được ứng dụng CNTT giúp GV thuận tiện nhất trong việc tham gia bồi dưỡng, còn về phía Bộ GD&ĐT cùng các cấp quản lý cũng giám sát được chất lượng bồi dưỡng.

Tham mưu quy hoạch các điểm trường

- Cơ sở vật chất cũng là một trong những điều kiện quan trọng để đáp ứng Chương trình GDPT mới (đặc biệt ở bậc tiểu học). Đây có phải là vấn đề đáng lo ngại khi thực hiện chương trình hay không, thưa ông?

- Đối với CSVC để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày phải đủ số lượng phòng học. Phòng học ở đây quy định phòng học/lớp theo tỉ lệ 1/1 mới đủ tiêu chí để học 2 buổi/ngày. Hiện nay trên toàn quốc, tỉ lệ bình quân phòng học là 0,81 phòng học/lớp. Phấn đấu từ nay đến khi thực hiện chương trình mới các địa phương phải chuẩn bị theo lộ trình ưu tiên cho lớp 1. Đủ 100% lớp 1 của năm học 2020 - 2021 theo tỉ lệ 1/1.

Để đảm bảo đủ điều kiện CSVC, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 với mục tiêu: Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình GDMN và chương trình GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện.

Một vấn đề về CSVC hiện nay đáng quan tâm đó là trên toàn quốc có trên 15.525 trường tiểu học và trên 15.482 điểm trường. Số điểm trường đối với trường tiểu học khá nhiều. Đặc biệt, một số trường có địa bàn rộng thì số điểm trường khá lớn (trên 3 điểm trường). Chủ trương của Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ quy hoạch lại mạng lưới để gộp các điểm trường có quy mô nhỏ, CSVC không đảm bảo thành điểm trường có quy mô lớn, tập trung nguồn lực đầu tư một cách bài bản, đầy đủ các hạng mục, các phòng chức năng để khi thực hiện Chương trình GDPT mới HS học ở điểm trường lẻ vẫn có sự công bằng như học tại trường chính. Vẫn được học đầy đủ các môn học, có công trình phụ trợ đầy đủ, đảm bảo an toàn và đáp ứng các nhu cầu học tập. Tuy nhiên, khi dồn dịch các điểm trường sẽ xảy ra thực tế, HS có thể đi học xa hơn nhưng với điều kiện giao thông, kinh tế như hiện nay thì các gia đình có thể cố gắng được.

Đối với điểm trường nào sau khi sáp nhập lại vẫn xa quá, không thể đi về trong ngày thì đề nghị địa phương tính toán đến phương án việc ăn bán trú cho HS trong ngày để đảm bảo HS ở lại trường học buổi thứ 2.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về thực hiện gộp các điểm trường để các địa phương chủ động thực hiện theo đúng thẩm quyền.

Đối với các vùng dân di cư tự do cơ học đông; các khu công nghiệp hay vùng sâu, xa, khó khăn thì trách nhiệm của địa phương phải tích cực chuẩn bị cho lớp 1 sau đó là cuốn chiếu lớp 2 - 5. Khoảng thời gian này các địa phương cần tính toán sắp xếp bố trí nguồn vốn, kế hoạch theo lộ trình để đáp ứng được điều kiện CSVC. Ông Thái Văn Tài

Đối với các vùng dân di cư tự do cơ học đông; các khu công nghiệp hay vùng sâu, xa, khó khăn thì trách nhiệm của địa phương phải tích cực chuẩn bị cho lớp 1 sau đó là cuốn chiếu lớp 2 - 5. Khoảng thời gian này các địa phương cần tính toán sắp xếp bố trí nguồn vốn, kế hoạch theo lộ trình để đáp ứng được điều kiện CSVC.  

  • Ông Thái Văn Tài

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

- Khi thực hiện Chương trình GDPT mới thì thay đổi căn bản đó là phát triển phẩm chất năng lực người học. Như vậy đội ngũ GV có bị động trước sự thay đổi của phương pháp dạy học không?

- Ở chương trình hiện hành, GV đã được trải nghiệm, tập huấn, tham gia nhiều mô hình dạy học tích cực và áp dụng các phương pháp dạy học mới. Chuyển sang chương trình GDPT mới cũng không có nhiều thay đổi, vì vậy GV được bồi dưỡng, tăng cường thì có thể thực hiện được phương pháp dạy học.

Về phương pháp đánh giá, trước đây đánh giá theo chuẩn kiến thức kĩ năng còn hiện nay đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học. Tuy nhiên, Thông tư 22 đánh giá HS tiểu học hiện nay đang áp dụng là quan điểm tiếp cận theo phẩm chất năng lực người học. Vì vậy, GV sẽ không bị động, xa lạ với phương pháp dạy học. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn bổ sung và tổ chức tập huấn và hướng dẫn GV trước khi thực hiện chương trình mới.

Về tổ chức xây dựng kế hoạch và dạy học tại các trường TH: Chương trình hiện hành quy định dạy học 1 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện nay trên toàn quốc 80% số trường tiểu học đã dạy học 2 buổi/ngày. Vậy GV đã thực hiện từ chương trình 1 buổi/ngày thành 2 buổi/ngày khi chuyển sang Chương trình GDPT mới thực hiện dạy 2 buổi/ngày chắc chắn không còn bỡ ngỡ.

Vậy việc dạy học 2 buổi/ngày của Chương trình GDPT mới cũng không có gì mới đối với các cấp quản lý ở trường tiểu học. Song quản lý thời lượng cũng như tinh thần chỉ đạo thiết kế các buổi học phải thống nhất…

- Năm học 2020 - 2021 sẽ chính thức thực hiện Chương trình GDPT mới và ngay từ lớp học nhỏ nhất - lớp 1. Ông có chú ý nào đối với các địa phương, nhà trường để việc thực hiện đạt kết quả tốt?

- Ở lớp 1, chúng ta thấy số môn học chương trình hiện hành và chương trình mới không có gì thay đổi. Vì vậy về mặt tổ chức dạy học lớp 1, 2 không có thay đổi nhiều và chúng ta chỉ chú ý việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo văn bản hướng dẫn của Bộ… Tuy vậy, trong thời gian 1 năm chuẩn bị cho lớp 1, rất cần sự vào cuộc của toàn thể chính quyền, xã hội để chúng ta thực hiện chương trình lớp 1, vừa đánh giá các điều kiện đảm bảo thực tế để làm tiếp cho lớp 2 và tương tự như vậy sẽ thực hiện tiếp ở lớp 3, 4, 5. Và như vậy, đồng nghĩa chúng ta sẽ có 5 năm tiếp theo để làm công tác chuẩn bị.

Với nguồn lực Trung ương hỗ trợ, sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến huyện, xã với từng lực lượng xã hội liên quan chắc chắn sẽ tạo ra sự đồng lòng và thực hiện tốt Chương trình GDPT mới.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.