"Gieo" giá trị tích cực khơi gợi tình yêu đất nước

GD&TĐ - Với nhiều thầy cô, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không bắt nguồn từ những điều xa xôi mà chính trong các hành động nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa thiết thực, trong đó có khơi dậy tình yêu quê hương gắn với lòng tự hào, tình yêu đất nước.

Thầy giáo An Xuân Mười (phải) tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo An Xuân Mười (phải) tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.

Giáo dục gắn liền với thực tế

20 năm gắn bó với ngôi trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, thầy giáo Mỹ thuật An Xuân Mười không chỉ làm tròn công tác giảng dạy mà tích cực tham gia hoạt động đoàn đội, tình nguyện của nhà trường. Kiêm vai trò Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, thầy Mười tâm niệm việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh gắn liền với sự đổi mới và mang tính thiết thực, "người thật việc thật", tránh sự giáo điều, xa rời thực tế.

"Với học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh tiểu học, mỗi người thầy người cô là tấm gương sáng để các em noi theo. Vì thế, bài học giáo dục đạo đức, lối sống đi từ hành động thực tế của người thầy sẽ dễ dàng "gieo" vào lòng học sinh những giá trị tích cực", thầy Mười bày tỏ.

Tại Trường Tiểu học Đại Hưng, việc giáo dục đạo đức, lối sống gắn liền với các hoạt động, sự kiện thường nhật. Đơn cử, năm 2020, khi "khúc ruột" miền Trung hứng chịu trận lũ lụt lịch sử, ban giám hiệu nhà trường đã vận động giáo viên, học sinh, phụ huynh ủng hộ nhu yếu phẩm lẫn đồ dùng học tập. Khi địa phương có học sinh là F0, F1 trong đợt dịch Covid-19, nhà trường cũng vận động, kêu gọi ủng hộ cho những em này vừa khích lệ tinh thần chống dịch vừa là bài học về tinh thần tương thân tương ái.

Ngoài các hoạt động gắn liền với thực tế, ban giám hiệu nhà trường và Đội TNTP Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các chương trình kỹ năng sống, giáo dục đạo đức cho học sinh. Thời điểm học sinh học trực tuyến vì dịch Covid-19, song song công tác giảng dạy, thầy cô miệt mài sáng tạo tác phẩm đa phương tiện về tuyên truyền An toàn sức khoẻ, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm... Các tác phẩm được gửi vào nhóm zalo của từng lớp để hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống không bị mai một trong thời gian học sinh học trực tuyến.

Thầy Mười cùng học sinh Trường Tiểu học Đại Hưng dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Ảnh: NVCC.

Thầy Mười cùng học sinh Trường Tiểu học Đại Hưng dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Ảnh: NVCC.

Thời điểm dịch Covid-19 chưa xuất hiện, Đội TNTP Hồ Chí Minh nhà trường xây dựng và mời học sinh các lớp đọc bản tin tuyên truyền măng non liên quan đến các chủ đề, chủ điểm giáo dục hoặc các ngày lễ lớn như 8/3, 20/11...

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, sinh hoạt dưới cờ với các chủ đề đa dạng như Quyền và Bổn phận của trẻ em, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm... mời ban giám hiệu, nhân viên y tế lên sân khấu giải đáp thắc mắc cho học sinh.

Theo thầy An Xuân Mười, trong các buổi sinh hoạt tập thể, học sinh sẽ đặt câu hỏi để thầy cô giáo, chuyên gia giải đáp để các em thể hiện sự quan tâm, nghiêm túc đối với mỗi chủ điểm giáo dục. Các em cũng có thể tổ chức biểu diễn, sân khấu hóa các chủ đề như An toàn giao thông, Vệ sinh môi trường, An toàn thực phẩm... thay vì chỉ nghe giáo viên hướng dẫn.

Tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu đất nước

Còn thầy giáo Phạm Ngọc An, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh Trường THCS Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, nhấn mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, thiết thực.

Khi thấy học sinh sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà bị phụ thuộc vào điện thoại, ít giao lưu với bạn bè, thầy Ngọc An cùng một số đồng nghiệp tổ chức các trò chơi dân gian ngay như ô ăn quan, nhảy lò cò, nhảy đa hướng trên sân trường. Nhờ đó, học sinh vừa được thử sức trong các hoạt động vui chơi mang tinh thần đồng đội, vừa được tìm hiểu truyền thống, văn hóa dân gian. Các hoạt động sân chơi dân gian đã giúp học sinh quên đi những thiết bị di động, học cách chia sẻ, giúp đỡ bạn bè và trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống.

Cô Ka Mai chụp ảnh cùng học sinh Trường PT DTNT liên huyện Tân Phú - Định Quán. Ảnh: NVCC.

Cô Ka Mai chụp ảnh cùng học sinh Trường PT DTNT liên huyện Tân Phú - Định Quán. Ảnh: NVCC.

Nằm trong chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, bồi đắp tình yêu quê hương, dân tộc là một trong những điều được cô Ka Mai, giáo viên môn Địa lý kiêm giáo vụ Trường PT DTNT liên huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai quan tâm.

Cô Ka Mai là người dân tộc Mạ nên cô có thể đồng cảm, chia sẻ với học sinh dân tộc Mạ. Ngoài ra, cô tự học tiếng nói, văn hóa của các dân tộc như S’tiêng, Cờ Ho… để dễ dàng trò chuyện và chia sẻ với học sinh các dân tộc thiểu số nhà trường. Không chỉ gần gũi hơn với học sinh, cô Ka Mai cũng hiểu được những dấu ấn văn hóa dân tộc in đậm trong lời ăn tiếng nói, hành động của học sinh.

Nữ giáo viên cho biết trong sinh hoạt nội trú, cô và các đồng nghiệp thường cho học sinh nghe nhạc truyền thống của các dân tộc hay giới thiệu các tác phẩm dân gian, câu chuyện văn hóa của các dân tộc. Đồng thời, nhà trường khuyến khích học sinh chia sẻ về những nét văn hóa nổi bật của dân tộc mình với bạn bè và cùng nhau thảo luận về những điểm khác biệt giữa các dân tộc. Qua đó, học sinh được nuôi dưỡng và thể hiện lòng tự hào dân tộc; gắn liền với tình đoàn kết, yêu thương, chia sẻ giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Trường PT DTNT liên huyện Tân Phú - Định Quán cũng thường tổ chức các chuyên đề về giáo dục tâm lý lứa tuổi, bạo lực học đường, ứng xử trong trường học... ngoài giờ học chính khóa nhằm giáo dục nhân cách và lối sống cho học sinh dân tộc.

"Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là hành trình xuyên suốt, quan trọng không kém với giáo dục văn hóa, truyền thụ kiến thức. Bằng sự nhiệt huyết, tình yêu thương trò, giáo viên chúng tôi luôn cố gắng đem lại những bài học giáo dục đạo đức, lối sống ý nghĩa, thiết thực nhất cho học sinh", thầy An Xuân Mười, giáo viên Trường Tiểu học Đại Hưng, tỉnh Hưng Yên tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.