'Thầy Mười Mỹ thuật' khuấy động hoạt động Đội

GD&TĐ - Nhắc đến thầy giáo An Xuân Mười, mỗi giáo viên, học sinh tại Trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, liền nhớ ngay đến tên gọi thân thương “thầy Mười Mỹ thuật”.

Thầy giáo An Xuân Mười trong tiết học môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Đại Hưng, Hưng Yên. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo An Xuân Mười trong tiết học môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Đại Hưng, Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Không chỉ tận tâm trong công tác giảng dạy, thầy Mười đã khuấy động các phong trào thiếu nhi, hoạt động Đội của nhà trường.

Yêu nghề mến trẻ

Vừa là giáo viên Mỹ thuật và là Tổng phụ trách Đội tại Trường Tiểu học Đại Hưng, thầy giáo An Xuân Mười đã gắn bó với nghề cầm phấn gần 30 năm nay.

Thầy Mười chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã yêu thích vẽ tranh và thích chơi đùa với trẻ con. Cứ như vậy, ước mơ trở thành giáo viên môn Mỹ thuật lớn dần lên. Với nhiều người, đó có thể là giấc mơ bình dị nhưng lại rất lớn lao với một cậu bé sinh ra trong gia đình nông dân có bố mẹ già như tôi lúc bấy giờ”.

Sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Mười thi đỗ vào khoa Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên. Tốt nghiệp năm 1997, thầy giáo trở về công tác tại Trường Tiểu học Đại Hưng ở quê nhà xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Không chỉ dạy môn Mỹ thuật, thầy giáo hiện đang là Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Thầy giáo chia sẻ, giống như bao công việc khác, nghề giáo viên cũng có không ít khó khăn. Nhưng từ khi về công tác tại Trường Tiểu học Đại Hưng, mình may mắn được ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp quan tâm giúp đỡ, cấp trên yêu mến. Tôi gặp vướng mắc ở đâu, các cấp lãnh đạo tận tình hỗ trợ, chỉ bảo để tôi có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

“Về phía trò, được làm việc cùng những đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo, tôi cảm thấy bản thân mình như “được trẻ ra”. Áp lực, khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ gác lại ngoài hiên cửa để bước vào lớp học trong tâm trạng phấn khởi và đưa đến cho trò những bài học thú vị nhất”, thầy Mười bày tỏ.

Với tâm niệm học sinh phải vừa được học vừa được vui chơi, thầy Mười say sưa tìm hiểu các phương pháp giáo dục, hoạt động học tập sáng tạo trong môn Mỹ thuật. Thầy thường khuyến khích học sinh dù vẽ đẹp hay chưa đẹp, hãy luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm bằng chính đôi tay và khối óc của mình.

Thầy Mười nấu cơm cho tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Thầy Mười nấu cơm cho tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Thầy Mười chia sẻ: Tôi không so sánh tài năng hay trình độ học tập giữa các học sinh. Thay vào đó, tôi cố gắng tìm ra những ưu điểm, những tiến bộ dù nhỏ nhất của học trò, để khen ngợi các em đã cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Những lời động viên nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, thúc đẩy các em hăng say luyện tập và làm mới bản thân. Tôi muốn các em giữ được tinh thần đó không chỉ trong môn Mỹ thuật, trong học tập mà cả trong hành trình trưởng thành sau này.

Gần 30 năm đi dạy bằng nhiệt huyết và tình yêu nghề, thầy Mười được các em học sinh, giáo viên gọi thân thương bằng biệt danh “thầy Mười Mỹ thuật”. Có những học sinh, dù đã tốt nghiệp THPT lên đại học, nhưng hễ có dịp lại về thăm và bày tỏ lòng biết ơn với thầy giáo cũ.

Cũng có những học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Đại Hưng luôn háo hức mỗi khi đến tiết Mỹ thuật, luôn hô vang “Em chào thầy Mười” giữa sân trường. Với thầy Mười, tất cả đều là những kỉ niệm đáng trân quý, là động lực để thầy tiếp tục hành trình “đưa đò sang sông”.

Hăng say với các phong trào Đội

Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy Mười được giao nhiệm vụ làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của Trường Tiểu học Đại Hưng. Vẫn với phương châm “học mà vui - vui để học”, thầy giáo cùng ban giám hiệu, các thầy cô nhà trường đã tổ chức nhiều sân chơi, phong trào sôi nổi cho học sinh.

Hàng năm, thầy tham mưu với ban giám hiệu nhà trường tổ chức các cuộc thi, hoạt động như “Giao lưu An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai ” Giao lưu An toàn thực phẩm”, “Nhà thông thái nhỏ tuổi”, “Giao lưu Quyền và bổn phậm của trẻ em”, “Nghệ sĩ nhỏ tuổi”, “Ngày hội đọc sách”… Thông qua các hoạt động này, học sinh được khuyến khích phát biểu, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, ý kiến cá nhân hoặc đặt câu hỏi cho thầy cô giáo. Từ đó, trau đồi niềm say mê học tập, sự tự tin và tinh thần đồng đội cho các em.

Thầy Mười quyên góp, ủng hộ người dân tỉnh Hưng Yên trong dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Thầy Mười quyên góp, ủng hộ người dân tỉnh Hưng Yên trong dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Dưới sự hướng dẫn của thầy Mười, năm 2010, học sinh Trường Tiểu học Đại Hưng đã tham gia thi và đạt giải Nhất cấp quốc gia trong cuộc thi “Tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ”. Năm 2013, liên đội của Trường Tiểu học Đại Hưng đã đạt giải Nhất cấp quốc gia trong cuộc thi “Tìm hiểu luật An toàn giao thông” do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng công ty Toyota Việt Nam tổ chức cùng nhiều giải Nhất, Nhì tỉnh Hưng Yên, Giải thưởng của Hội Mĩ thuật Việt Nam…

Nhắc đến thầy Mười, nhiều đồng nghiệp và người dân xã Đại Hưng liền nhớ tới hình ảnh người đàn ông với giọng nói sang sảng, ánh mắt đong đầy niềm vui và tấm lòng nhân ái. Hàng năm thầy giáo và Ban giám hiệu nhà trường phát động nhiều chương trình thiện nguyện như "Tết yêu thương", "Chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ lụt", "Chương trình ủng hộ quỹ Vaccine" do Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động...

Thầy giáo An Xuân Mười giành giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi "Đổi mới phương pháp dạy học" năm 2021. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo An Xuân Mười giành giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi "Đổi mới phương pháp dạy học" năm 2021. Ảnh: NVCC.

Trong những ngày quê hương Đại Hưng và tỉnh Hưng Yên chống chọi với dịch Covid-19, thầy Mười xung phong và vận động nhiều tình nguyện viên tham gia phục vụ nấu cơm cho tuyến đầu chống dịch, kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ tiền, vật tư, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thầy giáo tâm sự: "Những ngày dịch, khi nhà nhà người người sợ là F1, F0, bản thân tôi cũng sợ, cũng lo lắng. Nhưng nghĩ rằng nếu không ai đứng ra giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thì họ sẽ ra sao? Nghĩ là làm, tôi quyết tâm tham gia và cố gắng từng ngày một để cùng mọi người chống dịch".

Không những thế thầy còn 13 lần tình nguyện hiến những giọt máu đào của mình để giúp người bệnh qua cơn nguy kịch. Thầy đã 05 tổ chức đi nấu cơm miễn phí và tặng quà cho các nạn nhân da cam tại Trung tâm Bảo trợ - xã hội tỉnh Hưng Yên.

Những năm qua, thầy An Xuân Mười đã tích cực tham gia các cuộc thi, phong trào do ngành Giáo dục Hưng Yên và tỉnh Hưng Yên phát động. Thầy đạt giải nhì trong hội thi “Giáo án tốt - giờ học hay” do Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức năm 2013; danh hiệu “Thanh niên tiên tiến tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất”, danh hiệu “Điển hình tiên tiến 5 năm (2005 - 2010; 2013 - 2015; 2010 - 2015) của huyện Đoàn, của Liên đoàn Lao động, của Phòng GD&ĐT huyện Khoái Châu.

Nhận xét về đồng nghiệp, cô giáo Phan Thị Đào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hưng, chia sẻ: Thầy An Xuân Mười là thầy giáo nhiệt tình, có trách nhiệm. Thầy luôn dành sự nghiêm túc, tâm huyết trong công tác giảng dạy và dành tình yêu thương cho học trò. Đồng thời thầy Mười luôn quan tâm, sống chan hòa với đồng nghiệp.

Mới đây, năm 2020, thầy An Xuân Mười đã giành giải Nhất cuộc thi "Bố là tất cả" do Liên hiệp Hội phụ nữ tỉnh Hưng Yên tổ chức, giải Nhì cuộc thi "Trao thêm yêu thương" do Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Chữ thập đỏ Hưng Yên đồng tổ chức. Năm 2021, thầy giảnh giải Nhì cuộc thi "Đổi mới phương pháp dạy học An toàn giao thông" do Bộ GD&ĐT tổ chức; giải khuyến khích cuộc thi "An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ" do Bộ GD&ĐT tổ chức vào năm 2022 cùng nhiều giải thưởng khác...

Với những cố gắng không ngừng nghỉ, thầy đã 8 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 3 lần được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, 2 lần nhận Bằng khen của Tỉnh ủy Hưng Yên và rất nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ