Giáo viên vùng khó có học sinh đoạt giải cấp tỉnh chia sẻ kinh nghiệm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Như Xuân và Bá Thước là hai huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá đang còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua đã có nhiều HS đoạt giải cấp tỉnh.

Thầy giáo Phạm Sỹ Thịnh và học trò của mình tại Trường THCS thị trấn Yên Cát (Như Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Thầy giáo Phạm Sỹ Thịnh và học trò của mình tại Trường THCS thị trấn Yên Cát (Như Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Thầy giáo “dìu” nhiều học sinh giật giải cấp tỉnh

Thầy giáo Phạm Sỹ Thịnh, Trường THCS thị trấn Yên Cát (Như Xuân, Thanh Hóa) là giáo viên (GV) giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liên tục có HS giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2022-2023, thầy Thịnh có 2 HS đoạt giải Nhì môn Vật lý lớp 9 cấp tỉnh.

Trò chuyện với GD&TĐ, thầy giáo Thịnh cho biết, Vật lý là môn khoa học tự nhiên, một môn học khó đối với HS. Do vậy, để bồi dưỡng được HS giỏi (HSG) cấp huyện và tỉnh là rất khó khăn.

Từ năm học 2015 – 2016 khi được điều động về Trường THCS thị trấn Yên Cát (Như Xuân, Thanh Hoá) đến năm học 2022 – 2023 nhà trường liên tục giao cho nhiệm vụ cho thầy Thịnh bồi dưỡng HSG cấp huyện cũng như cấp tỉnh.

Ngay từ đầu, thầy Thịnh xác định đây là nhiệm vụ khó. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thầy Thịnh luôn không ngừng học tập, suy nghĩ tìm ra các phương pháp phù hợp nhất với từng HS và đặc thù của bộ môn. Cũng chính vì vậy, 8 năm học liên tục, thầy Thịnh đều dìu dắt HS sinh đoạt giải cấp huyện và cấp tỉnh môn Vật lý.

Có HS đậu vào Trường THPT chuyên Lam Sơn của tỉnh và cũng đoạt giải quốc gia cùng các giải thưởng khác. Nhiều HS khi vào trường THPT tiếp tục phát huy kiến thức đã học, đoạt được nhiều giải HSG cấp tỉnh. Khi học chuyên nghiệp cũng có em tham gia và đoạt các giải Olympic sinh viên toàn quốc…

Năm học 2021-2022, Trường THCS thị trấn Yên Cát có 6 HS đoạt giải HSG cấp tỉnh môn Vật lý (2 Nhì, 2 Ba, 2 Khuyến khích). Năm học 2022 – 2023, có 3 em đoạt giải HSG cấp tỉnh môn Vật lý (1 Nhì, 1 Ba, 1 Khuyến khích).

Thầy Phạm Sỹ Thịnh đang hướng dẫn học sinh làm bài. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Thầy Phạm Sỹ Thịnh đang hướng dẫn học sinh làm bài. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Để có được thành tích đó, trong quá trình bồi dưỡng HSG thầy Phạm Sỹ Thịnh rút ra một số kinh nghiệm và cho rằng; điều đầu tiên người thầy phải luôn tâm huyết, tận tâm với công việc, không ngừng học hỏi, tìm tòi sáng tạo trong công tác bồi dưỡng HSG, để từ đó lan toả sang HS tinh thần hăng say trong học tập, yêu thích bộ môn.

“Thầy Phạm Sỹ Thịnh, là GV nhiều năm liền đạt danh hiệu GV giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và nhiều năm có HSG cấp huyện, có SKKN cấp huyện, cấp tỉnh, được HS, phụ huynh và đồng nghiệp đánh giá cao về đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong giai đoạn từ tháng 11/2015 đến nay, thầy Thịnh được điều động về công tác tại trường THCS thị trấn Yên Cát. Được nhà trường giao nhiệm vụ giảng dạy các lớp ở trường. Phòng GD&ĐT huyện cũng giao cho thầy giảng dạy đội tuyển HSG tham dự kì thi HSG cấp tỉnh môn Vật lý.

Từ năm học 2015 – 2016 đến nay, năm nào thầy Thịnh cũng có HSG cấp huyện, cấp tỉnh và có 1 HS đậu vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Ngày 21/2 vừa qua, thầy Phạm Sỹ Thịnh được cấp trên bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Cát”, ông Nguyễn Thế Lợi – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Như Xuân (Thanh Hóa).

Còn thầy Dương Ngọc Lịch, GV dạy môn tiếng Anh, Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa), sinh ra, lớn lên ở xã Lương Trung (Bá Thước) trước kia là vùng đặc biệt khó khăn.

Bố, mẹ của thầy Lịch đều làm nông nghiệp, nên kinh tế gia đình cũng không khá giả. Những năm học THPT, thầy Lịch phải đi ở trọ, đi xe đạp và đèo theo gạo, củi để tự lo bữa ăn hàng ngày cho mình. Mặc dù khó khăn, vất vả là vậy, nhưng Dương Ngọc Lịch vẫn quyết tâm vào Trường ĐH Ngoại ngữ để về truyền dạy cho học trò của mình.

Tháng 10/2011, mới ra trường thầy Lịch nhận công tác tại trường THPT Bá Thước 3, một trong những ngôi trường vùng sâu vùng xa của huyện. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng thầy Lịch không ngừng rèn luyện, trau dồi kiến thức để truyền đạt cho lớp lớp học trò của mình.

Trong khoảng thời gian giảng dạy tại Trường THPT Bá Thước 3, thầy giáo Lịch đã ôn luyện cho nhiều HS và có 3 em thi đậu vào Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên ngành ngôn ngữ Anh. Giờ đây, các em đã ra trường và có công ăn, việc làm ổn định.

"Trong quá trình giảng dạy, tôi không nóng vội, dạy theo chuyên đề từ dễ đến khó, động viên, giúp đỡ những HS tiếp thu kiến thức chưa tốt để các em có sự tự tin trong học tập. Các bài tập ôn thi HSG vừa khó, vừa phức tạp vượt qua sự hiểu biết của HS, vì thế trong quá trình bồi dưỡng, không cẩn thận sẽ làm cho các em sợ, chán nản, mất hứng thú trong học tập", thầy Lịch tâm sự.

Thầy Dương Ngọc Lịch và học sinh Lê Thảo Nguyên - HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh - 6.5 IELTS. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Dương Ngọc Lịch và học sinh Lê Thảo Nguyên - HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh - 6.5 IELTS. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ năm 2018, thầy Lịch chuyển công tác Trường THPT Hà Văn Mao, ngôi trường ngày xưa thầy Lịch từng theo học THPT. Trong 3 năm liền, thầy Lịch đều có HS giỏi cấp tỉnh, trong đó có em Bùi Thanh Long đoạt giải Nhì cấp tỉnh môn tiếng Anh (đạt 7.5 IELTS) và được tuyển thẳng vào học viện Ngoại giao ngành truyền thông quốc tế.

Thầy Lịch cũng là người dìu dắt các em Lê Tuấn Minh (giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Anh, giành 6.5 IELTS); Lê Thảo Nguyên (giải Khuyến khích cấp tỉnh môn tiếng Anh 2 năm liên tiếp, giành 6.5 IELTS).

Kế cận các lớp sau, một số HS lớp 10 cũng đang nhen nhóm và có em đã đạt 5.5 IELTS, như em: Lê Phương Linh lớp 10A1, Phạm Phương Linh 10A1...

Những kinh nghiệm trao truyền kiến thức cho học trò

Để ôn luyện đội tuyển HSG đạt thành tích cao, là vấn đề mà thầy Phạm Sỹ Thịnh luôn trăn trở. Vì vậy, trong quá trình ôn tập cho HS, thầy luôn rèn luyện để đưa phương pháp, lời nói, hình vẽ, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho các em thấy dễ hiểu nhất.

Thầy Thịnh cho rằng, khi gặp bài toán khó, thầy luôn tách ra thành những vấn đề đơn giản, giúp HS hào hứng không chỉ riêng môn Vật lý, mà cả môn khác nữa. Bên cạnh đó, thầy Thịnh hướng dẫn HS mua các tài liệu có chất lượng, rồi hướng dẫn cho HS nghiên cứu tài liệu, nhằm rèn luyện cho các em phương pháp tự học, tự sáng tạo.

“Phải xác định ngay từ ban đầu cho HS khi học tập môn Vật lý. Đây là môn thực nghiệm, mọi kiến thức được rút ra trong quá trình quan sát các hiện tượng, làm thí nghiệm... Để học tốt bộ môn, người học phải nắm rõ bản chất, biết phân tích các hiện tượng Vật lý, sau đó mới áp dụng các công thức toán học vào để giải quyết vấn đề. Để nâng cao hiệu quả trong quá trình bồi dưỡng, thì GV phải vừa kết hợp dạy kiến thức toán học cho HS”, thầy Thịnh nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Thịnh, môn Vật lý có nhiều kiến thức trừu tượng, vượt qua sự tưởng tượng của HS, nên trong quá trình giảng dạy GV hướng dẫn hoặc làm thí nghiệm để các em dễ dàng tiếp thu tăng tính thuyết phục, tạo hứng thú cho học trò. Có những thí nghiệm về mạch điện điều chỉnh biến trở, khi giải xong bài tập HS kiểm chứng lại kết quả thực tế thấy đúng như lý thuyết, lúc này các em không kiểm soát được cảm xúc nhảy lên reo hò. Điều đó, cũng tạo cho người GV niềm vui, tình yêu nghề.

Em Lê Phương Linh, lớp 10, Trường THPT Hà Văn Mao, là học trò của thầy Lịch tham gia phiên dịch cho du khách nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Em Lê Phương Linh, lớp 10, Trường THPT Hà Văn Mao, là học trò của thầy Lịch tham gia phiên dịch cho du khách nước ngoài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Khi ôn luyện cho học trò, tôi thường đưa ra hệ thống bài tập từ dễ đến khó phù hợp với HS. Đưa ra các ví dụ minh hoạ cho các em dễ hiểu nhất. Sau mỗi phần, mỗi chuyên đề có kiểm tra, đánh giá để nắm bắt được tiếp thu của HS, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học của mình. Phải cho HS giải bài tập nhiều để làm quen với nhiều dạng bài tập”, thầy Thịnh chia sẻ.

Còn thầy Dương Ngọc Lịch, kể về phương pháp rèn luyện học trò của mình là, mỗi khi lên lớp, thầy thường dạy cho HS rằng, cần luyện cho mình thói quen học mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện và thích ứng với nhiều hình thức. Bên cạnh đó, thầy Lịch cũng luôn thay đổi, thích ứng với phương pháp giảng dạy phù hợp với sự thay đổi không ngừng của xã hội.

“Tôi có quan niệm, hãy dùng cái tâm của mình để chạm tới cảm xúc của các em. Dùng lời nói của trái tim để nhắn nhủ, khơi dậy đam mê trong chính con người của các học trò. Cho các em khai thác thông tin trên mạng một cách hữu ích và có hiệu quả.

Tôi cũng luôn tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp, tham gia Group giáo viên tiếng Anh Thanh Hóa và trên toàn quốc để không ngừng cập nhật thông tin, luôn hướng tới cái mới để cho HS tiếp cận. Nếu gặp khó khăn, thì thầy trò cùng tìm hướng giải quyết. Không ngừng động viên các em bám lớp với tinh thần “muốn tìm cách, không muốn tìm lý do”, thầy Lịch chia sẻ.

“Từ khi về trường, thầy Dương Ngọc Lịch là người luôn năng nổ viết sáng kiến kinh nghiệm, tích hợp liên môn và có nhiều học trò đoạt giải cao trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi HSG cấp tỉnh. Thầy cũng là người luôn gương mẫu, có trách nhiệm với công việc được giao, tâm huyết với nghề dạy học và có niềm đam mê với bộ môn Tiếng Anh", bà Lê Nguyệt Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.