Rõ ràng đây là tín hiệu tích cực từ người đứng đầu ngành Giáo dục khi “chạm” vào một vấn đề bất cập, tồn tại trong suốt nhiều năm. Xung quanh vấn đề này nhà giáo Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đã có những chia sẻ.
Áp lực từ xã hội rất đáng sợ
* Là người có thâm niên, vừa làm công tác chuyên môn vừa làm công tác quản lý cả trường công và trường tư, xin hỏi, bản thân ông, có khi nào thầy chịu áp lực quá lớn khi đứng trên bục giảng không?
- Trước đây, cũng phải nói là cách đây 40 năm, tôi đã đứng trên bục giảng và nếu gọi là áp lực thì ngày xưa cũng có áp lực: Áp lực từ các cuộc thi giáo viên dạy giỏi; từ việc kiểm tra, đánh giá, dự giờ; áp lực từ phía học sinh, ngày xưa học sinh cũng tinh nghịch, cũng quái có khi còn hơn bây giờ và cũng học kém... cũng có nhiều chuyện; rồi cha mẹ học sinh nữa... nhưng ngày xưa chúng tôi không ai dùng từ áp lực, mà chúng tôi lại nghĩ đấy là động lực. Những dự giờ, những đánh giá thi viên dạy giỏi, kể cả những phàn nàn của cha mẹ học sinh hay những bất cập trong việc dạy học luôn luôn là động lực để mình phấn đấu, con người chúng tôi ngày xưa phấn đấu vì nhân dân, vì học sinh thân yêu.
* Dù trong thời kỳ nào đi nữa thì áp lực luôn luôn có hai mặt: Tích cực và tiêu cực. Vậy so với thời của ông thì giáo viên hiện nay có chịu áp lực nhiều hơn không?
- Thực ra bây giờ thầy cô chịu áp lực nhiều hơn. Ngày nay là áp lực của thời đại, là phát triển theo sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, con người ở một trình độ cao hơn, trên hạ tầng kiến trúc. Khi đời sống kinh tế cao hơn thì nhu cầu cao hơn và nhiều điều nảy sinh trong tinh thần cũng như trong yêu cầu vật chất, cho nên những áp lực bây giờ rất nhiều.
Nhưng theo tôi, những áp lực mang tính thời đại là đáng ngại nhất, đó là áp lực từ cha mẹ học sinh, từ xã hội và từ truyền thông. Trong thời đại bùng nổ thông tin này, áp lực từ xã hội rất đáng sợ. Một sơ suất nhỏ, hay một thiếu sót, có khi vô tình, có khi ngoài ý thức, có khi trước kia người ta không coi nó là gì ghê gớm lắm thì bây giờ, nó trở thành vấn đề toàn xã hội, nó ghê gớm và tạo ra áp lực từ các cấp trở xuống và giáo viên là người bị áp lực đó rất nặng nề.
Áp lực của bệnh thành tích
* Nhiều thầy cô giáo chia sẻ họ đang phải chịu áp lực của bệnh thành tích, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Giáo viên đang phải chịu áp lực của thời đại |
-Tôi nghĩ rằng, những áp lực thực tế đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ở tất cả các địa phương. Bộ GD&ĐT cũng đã lắng nghe và Bộ cũng đã có những thay đổi. Chẳng hạn như ngay từ năm 2014, Bộ đã có văn bản chỉ đạo cắt giảm các loại giấy tờ, sổ sách cho giáo viên và chỉ để còn 4 đến 5 loại giấy tờ, sổ sách.
Tuy nhiên, ở dưới địa phương đến cấp Sở, cấp Phòng GD&ĐT, lại có thêm nhiều thứ. Mỗi lần kiểm tra chuyên môn, mỗi lần đi khảo sát thì thái độ của những người kiểm tra thiếu sự thân thiện, mang nặng tính chất cấp trên xuống dưới thanh tra, dò xét từng chi tiết một. Những lần thanh tra đấy lại đổ lên đầu hiệu trưởng và tất nhiên hiệu trưởng sẽ lắng nghe nhưng trong lòng thì rất tâm tư. Khi họp hội đồng thì lại trút lên đầu giáo viên và giáo viên là người gánh chịu áp lực.
Tôi mong muốn phải thay đổi cách thức thanh tra. Thanh tra đến là phải thân thiện, đến để giúp đỡ, hỗ trợ, cùng chia sẻ chứ không phải cấp trên đến để rạch ròi, xét nét. Áp lực là ở chỗ đó chứ không phải áp lực ở số liệu.
* Ông có nhắc tới một câu chuyện mà tồn tại biết bao nhiêu năm là vấn đề sổ sách. Mặc dù đã có chỉ đạo nhưng đến thời điểm này rất nhiều giáo viên vẫn cho rằng, các thầy cô đang “bội thực” vì sổ sách. Ở trường của ông một giáo viên có bao nhiêu sổ tất cả?
- Tôi nghĩ ở trường tôi thực hiện đủ số sách theo quy định của Bộ GD&ĐT và đủ sổ sách của Phòng GD&ĐT yêu cầu. Tôi còn thêm nữa là sổ theo dõi, nhận xét, đánh giá học sinh từng lĩnh vực một, từng môn một, từng khía cạnh một thể hiện phẩm chất và thể hiện năng lực. Vì chúng ta là nhà trường, GD-ĐT con người. Con người thì có những khía cạnh tâm hồn, có những phẩm chất, năng lực hoàn toàn khác nhau, giáo viên phải nắm chắc điều đó.
Quan điểm của chúng tôi là chăm lo tới từng trò và giúp cho mỗi học sinh đều tiến bộ. Chăm lo thì phải hiểu từng học sinh và giúp đỡ học sinh hàng ngày. Tôi nghĩ giáo viên chúng ta không chỉ là người thợ, mà là tri thức, chúng ta dạy người, cho nên làm việc thì phải ghi chép, làm việc phải tổng kết, làm việc phải đúc kết. Lao động của giáo viên khác với lao động của người thợ và nếu chúng ta cứ kêu sổ sách quá nặng nề mà chúng ta không làm thì chúng ta mất đi giá trị của nghề nhà giáo, đó là nghề dạy người, nghề làm việc trí thức.
Xin cảm ơn ông!