Giáo viên thoả sức sáng tạo với Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Sau thời gian thực hiện Chương trình GDPT mới, giáo viên đã thực sự bắt nhịp với những thay đổi và điều chỉnh, mang lại kết quả khả quan. Đây là khởi đầu thuận lợi cho việc triển khai Chương trình những năm tới.

Cô và trò trường Tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Đông, Hà Nội).
Cô và trò trường Tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Đông, Hà Nội).

Kế thừa và linh hoạt

Chia sẻ về quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông mới (GDPT), cô giáo Chu Thị Minh Thảo – Giáo viên Trường tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: Một trong những thay đổi dễ nhận thấy là Chương trình GDPT mới cho phép giáo viên thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh một cách linh hoạt hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông nói chung có mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh một số năng lực cốt lõi như:

Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ và năng lực thể chất.

Theo cô Minh Thảo, đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình GDPT mới kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. Theo đó, công tác đánh giá cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. “Không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”.

Việc đánh giá học sinh được thực hiện theo quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kì thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Cùng với giáo viên, các học sinh và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá học sinh tiểu học.

Với cách đánh giá như vậy thì điểm số là một phần của kết quả học tập và rèn luyện. Quan trọng hơn là đánh giá được năng lực của HS thông qua quá trình học tập. Việc đánh giá như vậy sẽ góp phần thay đổi quá trình dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cân năng lực, tôn trọng khả năng của mỗi HS.

Giáo viên thoả sức sáng tạo với Chương trình GDPT mới ảnh 1

Cô Minh Thảo cho biết, nội dung giáo dục của Chương trình mới về cơ bản không có thay đổi quá lớn. VD: Hết lớp 1 thì dù là Chương trình cũ hay Chương trình mới thì HS đều phải đọc thông viết thạo, biết cộng trừ không nhớ trong phạm vi 100.  

Thay đổi lớn nhất là cách tiếp cận: Không thiên về truyền thụ kiến thức mà vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh tiểu học. Dạy học không chỉ cung cấp kiến thức mà phải phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực. Trong chương trình GDPT mới, 3 yếu tố này được hình thành và phát triển hài hòa như “kiềng 3 chân”.

Điểm mới rõ nhất lần đầu tiên ở tiểu học xuất hiện môn Hoạt động Trải nghiệm. Đây là hoạt động giáo dục, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên.

Giáo viên ý thức rõ vai trò chủ thể đổi mới

Là giáo viên lớp 1, đang cùng học sinh trải nghiệm với Chương trình mới, cô Minh Thảo cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên tiểu học cần đáp ứng 5 yêu cầu cụ thể về năng lực phẩm chất:

Giáo viên phải có năng lực tìm hiểu học sinh và môi trường giáo dục để dạy học và giáo dục phù hợp. Giáo viên phải có năng lực giáo dục nhằm phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Giáo viên phải có năng lực dạy học môn học trong chương trình giáo dục. Giáo viên phải có năng lực giao tiếp, năng lực đánh giá, bao quát, quản lý học sinh, năng lực hoạt động xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học và giáo dục. Giáo viên phải có năng lực tự học để không ngừng cập nhật cái mới, đáp ứng được yêu cầu thay đổi của xã hội.

Chương trình giáo dục Phổ thông mới cơ bản không quá khác biệt so với chương trình cũ. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, yêu cầu giáo viên cần linh hoạt và chủ động hơn trong quá trình giảng dạy.

Giáo viên không phụ thuộc vào giáo trình mà phải luôn cải tiến, làm mới giáo án, không lệ thuộc nhiều vào sách mà cần vận dụng thực tiễn để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Với mỗi tiết học, giáo viên nên theo tiêu chí: Hướng dẫn, giao việc để học sinh tự làm việc và giải quyết vấn đề. Để phát huy được tối đa năng lực của học sinh, giáo viên không truyền thụ giảng giải mà định hướng để học sinh tự chiếm lĩnh tri thức. Đối với học sinh lớp 1, đó chính là học sinh cần tự lực để thích học và biết cách tự học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ