Nguyên Nhân, do nhiều địa phương chưa hiểu kỹ các văn bản của Bộ, nên khó khăn trong công tác lập kế hoạch và tham mưu với UBND tỉnh/thành phố trong mua sắm TBDH. Tuy nhiên, nhiều trường học, GV đã chủ động, sáng tạo, tận dụng TBDH cũ nhằm nâng cao chất lượng trong từng tiết học.
Tìm cách xoay xở
Cô Nguyễn Thị Vân Anh, GV dạy lớp 1 Trường Tiểu học Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) chia sẻ, do TBDH mới chưa nhận được, nên GV phải tự tạo thiết bị để thực hiện chương trình. Như môn Toán, học đến hình tam giác, chữ nhật cần mô hình cho HS nhận biết, GV đành tận dụng TBDH cũ còn dùng được hoặc tự tạo với thiết bị đơn giản để “chống lụt” và nâng cao hiệu quả giờ dạy.
Cùng chung hoàn cảnh, cô Bùi Thị Sâm, GV dạy lớp 1, Trường Tiểu học Đông Sơn (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho hay, TBDH nhà trường đăng ký từ hè nhưng đến cuối tháng 9 chưa có. Vì vậy, nhà trường và GV khắc phục bằng cách dùng đồ cũ. Nhà trường có 200 bộ thiết cũ được dồn lại thành 147 bộ để phục vụ việc dạy học cho HS lớp 1. “Mặc dù TBDH không còn mới và đẹp nhưng GV biết cách tận dụng vẫn đáp ứng được nội dung bài dạy, không ảnh hưởng chương trình”, cô Sâm cho hay.
Để tạo hứng thú cho HS khi TBDH mới chưa có, cô Sâm và đồng nghiệp chú trọng tổ chức hoạt động trải nhiệm. “Chúng tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, tạo ra hoạt động phong phú giúp các con hào hứng trong giờ học”.
Theo cô Sâm, ngoài học liệu từ SGK, tài liệu online rất phong phú, hấp dẫn. Vì vậy, phải có thiết bị trình chiếu để hỗ trợ GV. “Thiếu máy chiếu, chúng tôi đề nghị là mua số lượng ít hơn đề xuất ban đầu của nhà trường. Có thiết bị, GV đổi chéo cho nhau, hoặc để ở phòng trực tuyến của trường, đến giờ học, GV từng lớp sẽ dẫn HS xuống… Nhưng suy đi tính lại, cách này không ổn vì tiết học kéo dài trong 35 phút, việc di chuyển HS từ lớp tới phòng học trực tuyến mất 5 - 10 phút, giảm thời lượng tiết học, chưa kể thời gian ổn định nền nếp. Do vậy, tận dụng thiết bị cũ, tự tạo thiết bị mới là cách làm phù hợp được nhiều thầy cô lựa chọn”, cô Sâm cho hay.
Không chỉ thiếu TBDH môn Toán và Tiếng Việt, nhiều trường tiểu học đối diện tình trạng thiếu phòng học bộ môn (âm nhạc, tin học…). Bởi vậy, GV dạy HS đọc SGK vì phần kênh hình không có, đến giờ học, GV cần dụng cụ gì sẽ mang đến lớp. Dạy đến lớp nào các cô lại mang loa, đài và đàn đến lớp đấy. Hay giờ thể dục, thầy cô cũng dạy theo sách, chưa có dụng cụ hỗ trợ.
Trông chờ ngân sách
Ông Nguyễn Thanh Uy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Nam Định) cho biết: Tài chính đầu tư cho trường học vẫn được cấp cho các huyện. Tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho các trường. Vì vậy, phòng GD&ĐT phải tham mưu với huyện để tổ chức mua TBDH. Sở GD&ĐT không tham gia trực tiếp vào việc mua sắm TBDH của từng địa phương.
Trong hội thảo về TBDH do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thẳng thắn cho rằng: Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục TBDH tối thiểu cho lớp 1 nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Ngay ở Hà Tĩnh, nguồn tài chính dự phòng của tỉnh “tiêu hết” vì Covid-19, do đó 1 tỷ đồng xin cấp cho GD còn khó chứ nói gì đến con số lớn hơn.
Theo thống kê của Cục Cơ sở Vật chất (Bộ GD&ĐT), cả nước có khoảng 440.118 phòng học các cấp tiểu học, trung học, tỷ lệ kiên cố là 79,5%. Tỷ lệ phòng học/lớp là 0,96. Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,72.
Nhận định về những con số này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Phòng học bộ môn đang đạt tỷ lệ rất thấp, đặc biệt ở cấp tiểu học. Trong khi TBDH mới được thiết kế rất cần đến phòng học bộ môn, nhất là khi triển khai Chương trình GD phổ thông mới ở lớp 3. Các địa phương cần có kế hoạch xây mới phòng học bộ môn cấp tiểu học để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới”.
Cũng theo ông Hùng Anh, hiện số lượng TBDH tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng 56,5%. Lý giải tình trạng thiếu TBDH thời gian qua, ông Hùng Anh khẳng định: “Do nhiều địa phương chưa hiểu kỹ các văn bản của Bộ, nên khó khăn trong công tác lập kế hoạch và tham mưu với UBND tỉnh/thành phố trong mua sắm. Các địa phương còn gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách, đặc biệt là vùng khó khăn, miền núi để đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và các hoạt động GD nhằm nâng cao chất lượng GD. Nhiều địa phương còn chưa chủ động trong việc lập kế hoạch kinh phí để mua sắm TBDH lớp 1”.
Trước khó khăn chung, nhiều sở GD&ĐT đã đề xuất Bộ GD&ĐT có ý kiến với UBND các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương về việc thực hiện mua sắm TBDH. Việc mua sắm TBDH phải do các cơ quan có chuyên môn chủ trì thực hiện, nhằm bảo đảm chất lượng, phù hợp với yêu cầu dạy học, kịp thời thực hiện đổi mới chương trình của năm học hiện nay và chuẩn bị cho năm học tiếp theo.
Ngoài mua sắm TBDH theo danh mục, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất lưu ý địa phương cần tính đến là vấn đề xây dựng phòng học bộ môn phục vụ Chương trình GD phổ thông mới. Thực tế khảo sát ở các địa phương cho thấy, có tình trạng sửa phòng học thành phòng bộ môn nên không đạt tiêu chuẩn. Thậm chí, ở nhiều địa phương có hiện tượng gắn tên phòng học bộ môn vào phòng học bình thường để “đủ” phòng học bộ môn theo yêu cầu.