Giáo viên Quảng Nam sáng tạo nhiều phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm

GD&TĐ - Từ 2017 đến nay, ngành giáo dục mầm non Quảng Nam đã tăng cường thực hiện rất nhiều những giải pháp khác nhau nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tỉnh nhà.

Dự giờ hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên về phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm
Dự giờ hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên về phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Hướng đến xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm theo định hướng của Bộ GD&ĐT, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục mầm non Quảng Nam đã có nhiều sáng kiến hay trong việc tiếp cận và áp dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm với sự đồng hành và hỗ trợ chuyên môn của VVOB (Tổ chức phi chính phủ của Bỉ) thông qua dự án BAMI.

Cùng BAMI quan sát trẻ theo quá trình

Từ 2017 đến nay, ngành giáo dục mầm non Quảng Nam đã tăng cường thực hiện rất nhiều những giải pháp khác nhau nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tỉnh nhà. Trong số đó, tiêu biểu phải kể đến dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (Dự án BAMI) thực hiện với sự đồng hành của VVOB – Tổ chức phi chính phủ của Bỉ.

Xác định giáo viên là nhân tố quan trọng nhất, Dự án BAMI đã đồng hành cùng Quảng Nam triển khai tập huấn và hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên mầm non về phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm; trong đó đặc biệt tập trung vào Quan Sát Trẻ Theo Quá Trình (QSTTQT). Với phương pháp này, giáo viên sẽ tập trung quan sát cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ trong quá trình trẻ chơi và học trên lớp. Dựa vào mức độ thoải mái của trẻ, giáo viên sẽ xác định những rào cản mà trẻ đang có để từ đó thực hiện những thay đổi môi trường vật lý, vật liệu chơi, hoạt động và tương tác cho phù hợp.

Nhờ việc áp dụng QSTTQT, các giáo viên mầm non ở Quảng Nam đã xây dựng được nhiều mô hình và phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả; đặc biệt phương pháp này còn giúp giáo viên dần phá bỏ các rào cản trong học tập của các trẻ vùng sâu – vùng xa – vùng dân tộc thiểu số khi đến trường.

Sáng kiến của giáo viên trong dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Thực hành quan sát trẻ như là bước đầu tiên nhất của sáng kiến, cô giáo Trịnh Thị Anh – giáo viên trường mầm non Họa My (Hiệp Đức, Quảng Nam) chia sẻ: “Trước đây, đánh giá của giáo viên về trẻ còn chủ quan, giáo viên chưa quan tâm, chưa hiểu hết các sở thích chơi của trẻ hoặc đồ dùng tại các góc chơi còn đơn điệu, chưa mang tính gợi mở. Đặc biệt nhất là giáo viên còn can thiệp sâu vào quá trình chơi của trẻ, đôi lúc khiến trẻ áp lực. Nhận thấy các điểm hạn chế này, sau khi tham gia các lớp tập huấn của VVOB, tôi đã thực hiện nhiều phương pháp nhằm nâng cao cảm giác thoải và sự tham gia của trẻ trong các hoạt động ở lớp – bắt đầu bằng việc quan sát trẻ theo quá trình.”

Tìm hiểu sở thích của trẻ thông qua hoạt động vẽ sơ đồ tư duy
Tìm hiểu sở thích của trẻ thông qua hoạt động vẽ sơ đồ tư duy

Thực hiện nhiều giải pháp cùng lúc, cô giáo Trịnh Thị Anh đã xây dựng sơ đồ tư duy về sở thích của cả lớp từ chính các ý tưởng của trẻ để hiểu hơn về các em, từ đó, xây dựng các góc mở, góc gọi mời trong không gian lớp học đáp ứng các sở thích này. Tạo không giản để trẻ được thoải mái sáng tạo và tự học thông qua quá trình chơi. Song song đó, cô cũng thực hiện quan sát cảm giác thoải mái và sự tham gia của các em mỗi ngày để có sự điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, các kỹ thuật “học thông qua chơi” cũng được áp dụng linh hoạt để phát huy tối đa vai trò của giáo viên trong lớp, giúp quá trình học tập của trẻ trở nên thoải mái và hiệu quả hơn.

Trẻ tự làm chủ hoạt động trên lớp
Trẻ tự làm chủ hoạt động trên lớp

Là địa phương có tỷ lệ trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số cao, việc học tập tiếng Việt của trẻ tại một số điểm trường ở Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Từ thực tế này, các giáo viên tại điểm trường Mầm non Cà Dy (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã thực hiện sáng kiến “Xây dựng môi trường giàu ngôn ngữ thông qua việc tổ chức hoạt động kể chuyện sáng tạo” nhằm cải thiện việc học tiếng Việt cho trẻ, dựa trên nền tảng phương pháp lấy trẻ làm trung tâm.

Hoạt động kể chuyện sáng tạo được các giáo viên tại đây thực hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau như: kể chuyện theo tranh (trẻ được tự do sáng tác nội dung chuyện, lời thoại nhân vật và biểu diễn sáng tạo), kể chuyện tiếp nối (trẻ được tự do kể tiếp phần tiếp theo của câu chuyện đang được cô hoặc bạn khác kể trước đó), kể chuyện theo tình huống (trẻ kể lại các câu chuyện thực tế đã xảy ra trong gia đình hoặc trẻ từng biết, theo tình huống cụ thể)…

Một giáo viên trường Mầm non Cà Dy chia sẻ: “Việc thường xuyên tổ chức hoạt động kể chuyện sáng tạo không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, sự tự tin trong giao tiếp mà còn giúp trẻ phát triển khả năng ghi nhớ, sự tư duy, trí tưởng tượng và khả năng phán đoán. Trẻ trở thành chủ thể chính trong quá trình học tập, nhờ vậy trẻ hứng thú và chủ động hơn rất nhiều.”

Có thể thấy rằng, quan sát trẻ theo quá trình, học thông qua chơi, và xây dựng môi trường giàu ngôn ngữ là những công cụ hiệu quả giúp giáo viên Quảng Nam có thể chủ động sáng tạo nhiều ý tưởng mới và tổ chức các hoạt động giáo dục theo đúng phương châm lấy trẻ làm trung tâm, tập trung vào sự tiến bộ của trẻ, góp phần cải thiện chất lượng dạy và học, góp phần xóa bỏ các rào cản trong tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em dân tộc thiểu số tại địa phương. Đây có thể được xem là thành công bước đầu của dự án BAMI tại Quảng Nam và hứa hẹn nhân rộng tại các địa phương khác trong thời gian tới.

Xem thêm thông tin về dự án BAMI và các dự án khác của VVOB Việt Nam tại: https://vietnam.vvob.org/vi

Tên nhân vật và tên trường trong bài báo đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.