Hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh học trực tuyến
Thầy Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em” đơn vị phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp Viễn thông có chính sách hỗ trợ đối với học sinh khó khăn, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ về hạ tầng, công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ việc dạy và học trực tuyến.
Theo thầy Long, hiện nay toàn tỉnh có 323.928 em học sinh, học viên các cấp học tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, tổng số học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến là 133.399 em chiếm tỷ lệ 41,18%.
Cụ thể học sinh chưa có thiết bị thuộc hộ nghèo là 15.349 em, chiếm tỉ lệ 11,51% số học sinh chưa có thiết bị; học sinh là người DTTS là 12.853 em (chiếm tỉ lệ 83,73% số hộ nghèo). Bên cạnh đó, hộ cận nghèo là 15.425 em chiếm tỉ lệ 11,56% số học sinh chưa có thiết bị. Trong đó học sinh là người DTTS là 11.532 em (chiếm tỉ lệ 74,76% số hộ cận nghèo). Ngoài ra, có 7 học sinh có cha hoặc mẹ tử vong do Covid-19…
Theo thầy Long, sau khi nắm được số lượng học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, Sở GD&ĐT phối hợp với Công Đoàn ngành Giáo dục phát động, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Giáo dục tham gia, ủng hộ. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch để tiếp nhận sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và cá nhân.
Theo thầy Long, hiện tại chương trình đã nhận được 54 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến. Trong đó, 34 bộ máy tính bàn và 20 máy tính bảng.
Theo vị Phó giám đốc Sở, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh ở 3 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang học trực tuyến. Tuy nhiên, thiết bị hỗ trợ việc học trực tuyến không đảm bảo nên các trường linh hoạt thay đổi phương pháp dạy học. Theo đó, giáo viên giao bài tập qua Zalo, hoặc đưa bài đến tận nhà và hướng dẫn các em học tập. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K khi học trực tiếp
Tương tự, theo thống kê của Sở GD&ĐT Kon Tum, toàn tỉnh có 119.700 học sinh, trong đó có 93.246 em chưa có thiết bị học trực tuyến. Cụ thể, cấp tiểu học có 42.888 em, cấp THCS 34.224 em và cấp THPT có 4.421 em chưa có thiết bị đáp ứng việc học trực tuyến. Đặc biệt, các huyện Ia H’Drai, huyện Tu Mơ Rông 100% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Bên cạnh việc thiếu thiết bị, 8/10 huyện, thành phố tình trạng hạ tầng viễn thông không mạnh.
Theo thầy Nguyễn Đình Vinh, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum, mặc dù địa phương ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào ngoài cộng đồng, chính vì vậy học sinh toàn tỉnh vẫn học tập theo hình thức trực tiếp. Nhưng đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thầy Vinh cho hay, hiện nay toàn tỉnh có 419 học sinh đang “mắc kẹt” tại địa phương khác hoặc đang trong thời gian cách ly không thể đến trường học trực tiếp. Trong đó, cấp Tiểu học có 148 em, THCS 156, THPT 115 em. Những học sinh này sẽ được học trực tuyến thông qua chương trình “Giờ học yêu thương” mà Sở GD&ĐT phát động, kêu gọi cán bộ, giáo viên tham gia.
Đối với những em đang “mắc kẹt” mà không đảm bảo điều kiện học trực tuyến thì giáo viên giao bài qua Zalo của phụ huynh để các em làm và nắm kiến thức. Sau khi hết thời gian cách ly trở về trường, giáo viên sẽ bổ sung, hỗ trợ ôn tập lại kiến thức cho các em.
Thầy Đặng Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) cho biết, toàn trường có 226 học sinh. Tuy nhiên, hơn 99% các em là người đồng bào dân tộc thiểu số do đó gia đình rất khó khăn, không có đủ điều kiện để mua sắm thiết bị học trực tuyến. Chính vì vậy, vừa qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn tỉnh triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, điều kiện trang thiết bị dạy học và đường truyền của trường không đảm bảo nên giáo viên bố trí dạy học theo từng nhóm nhỏ. Ngoài ra, giao bài tập về nhà để các em làm, nhằm giúp học sinh ghi nhớ kiến thức.
“Hiện nay, tỉnh thuộc vùng an toàn nên các em học tập trực tiếp. Mặc dù học sinh học trực tiếp nhưng nhà trường vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch”, thầy Sơn nói.