Giáo viên là đại biểu Quốc hội tìm giải pháp giúp học sinh yêu môn Lịch sử

GD&TĐ - Từ thực tế nhiều học sinh ít hào hứng khi học Lịch sử, cô Đinh Thị Bình (Trường THPT Minh Đài, Tân Sơn, Phú Thọ), đại biểu Quốc hội khóa XI, đã xây dựng hệ thống tư liệu về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp để sử dụng vào giảng dạy để nâng cao hứng thú cho học sinh với môn Lịch sử.

Cô Đinh Thị Bình (Trường THPT Minh Đài, Tân Sơn, Phú Thọ), đại biểu Quốc hội khóa XI,
Cô Đinh Thị Bình (Trường THPT Minh Đài, Tân Sơn, Phú Thọ), đại biểu Quốc hội khóa XI,

Xây dựng hệ thống tư liệu về các nhân vật lịch sử

Cô Đinh Thị Bình cho rằng, sưu tầm tư liệu lịch sử là bước đầu tiên rất quan trọng, bởi có nguồn tư liệu chính xác, chân thực, phong phú chính là bước đầu tiên quyết định đến hiệu quả dạy học.

Trước đây, khi công nghệ thông tin còn hạn chế, việc tìm kiếm các tư liệu lịch sử về các nhân vật thuộc giai đoạn 1858 – 1884 chủ yếu dựa vào các giáo trình, các sách chuyên khảo và bài đăng trên các tạp chí nghiên cứu của các giảng viên, các nhà khoa học.

Vì vậy, các tư liệu tìm được rất ít ỏi và thiếu những tư liệu giúp quá trình trực quan sinh động của các em học sinh được dễ dàng.

Hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các nguồn tư liệu cũng phong phú hơn. Các tư liệu bằng văn bản tăng lên do có sự tham gia của nhiều học giả nghiên cứu và cung cấp. Các tư liệu dưới dạng hình ảnh, video, câu chuyện, bài ca,…về các anh hùng giai đoạn này ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, để có thể lựa chọn được những tư liệu chính xác, giáo viên cần thẩm định nguồn cung cấp tài liệu, đối chiếu và so sánh những nguồn tài liệu với nhau, đồng thời căn cứ vào những tài liệu nghiên cứu chính thống được công bố thành các công trình khoa học để xác minh, lựa chọn tư liệu.

Sau một quá trình sưu tầm, thẩm định, các tư liệu được cô Đinh Thị Bình lưu trữ thành ba dạng cơ bản, gồm tư liệu bằng văn bản, tư liệu ảnh minh họa và video. Mỗi nhóm tư liệu sẽ được đánh dấu nguồn, chỉ dẫn sử dụng và nơi lưu trữ để thuận tiện cho việc sử dụng.

Với tư liệu bằng văn bản, vừa kết hợp in bản cứng vừa lưu trữ vào thiết bị điện tử. Với các nguồn tư liệu khác cần lưu trữ vào hộp thư điện tử để tránh bị mất dữ liệu.

Cô Đinh Thị Bình
 Cô Đinh Thị Bình

Sử dụng tư liệu trong dạy học Lịch sử

Giai đoạn 1858 – 1884 của lịch sử dân tộc Việt Nam được trình bày trong bài 19: Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp xâm lược (từ 1858 - trước 1873) và bài 20: Chiến sự lan rộng ra cả nước. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ 1873 - 1884. Nhà Nguyễn đầu hàng. Với thời lượng 3 tiết, cô Bình lưu ý, các nguồn tư liệu về các nhân vật lịch sử cần phải được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo đạt hiệu quả tối đa trong giáo dục học sinh.

Khi giảng dạy bài 19, nội dung kiến thức của bài rất dài nên chỉ khắc sâu về nhân vật Trương Định. Theo đó, khi dạy đến nội dung III. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kì sau hiệp ước 1862, giáo viên sẽ sử dụng chân dung anh hùng Trương Định để học sinh quan sát, cùng với đó là tư liệu về nhân vật lịch sử này.

Với bài 20, khi dạy nội dung I.3. Phong trào kháng chiến ở Bắc Kì trong những năm 1873- 1874, giáo viên sẽ sử dụng chân dung Nguyễn Tri Phương để học sinh quan sát cùng tư liệu về nhân vật.

Khi dạy đến nội dung II.2. Nhân dân Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì kháng chiến, cần khắc sâu cho học sinh về Hoàng Diệu. Giáo viên dùng máy chiếu để chiếu cho học sinh đoạn phim tư liệu về cuộc đời và hoạt động của Hoàng Diệu với những miêu tả về nhân vật.

Nhờ nguồn tư liệu, học sinh có những nhận thức cơ bản về các anh hùng trong lịch sử dân tộc ta trong những năm cuối thế kỉ XIX. Bằng những tư liệu trực quan như ảnh chân dung, phim tư liệu kết hợp với lời giảng lúc dịu nhẹ, lúc hùng hồn của giáo viên sẽ khiến học sinh khắc sâu kiến thức về các anh hùng có công với nước. Cùng với những câu phát vấn, đàm thoại, hoạt động học tập từ nhà, học sinh sẽ tích cực hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức và liên hệ thực tế để rút ra những bài học thực tiễn.

Trên cơ sở các tài liệu đã cung cấp cho học sinh, để học sinh khắc sâu được kiến thức cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá. Theo cô Đinh Thị Bình, các hình thức kiểm tra đánh giá cần linh hoạt, phù hợp với nguồn tư liệu và nội dung, thời lượng bài học.

Khi dạy bài 19, giáo viên có thể yêu cầu học sinh chuẩn bị trước từ nhà bài tập sau: Hãy sưu tầm tư liệu về nhân vật Trương Định. Đến khi dạy mục III thì kết hợp chiếu chân dung, yêu cầu học sinh trình bày bài chuẩn bị từ nhà rồi giáo viên minh họa làm rõ thêm và nhấn mạnh những chi tiết quan trọng. Nếu học sinh trình bày tốt, giáo viên có thể cho điểm để động viên, khuyến khích học sinh.

Khi dạy bài 20, khi kiểm tra bài cũ, giáo viên có thể hỏi học sinh câu hỏi: Em đánh giá như thế nào về hành động tự sát của Trương Định? Nếu ở vào hoàn cảnh đó, em sẽ hành động như thế nào? Học sinh có thể bày tỏ những quan điểm khác nhau nhưng cần đánh giá được hành động đó là kiên trung, bất khuất, thể hiện lòng yêu nước sâu sắc.

Các nội dung liên quan đến các nhân vật tiêu biểu khác trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta giai đoạn 1858 – 1884 còn được sử dụng để đưa vào các đề kiểm tra 1 tiết và học kì II dưới dạng các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận.

"Do thời lượng giờ học nội khóa không nhiều nên cần sử dụng các tư liệu lịch sử trong các giờ học ngoại khóa. Có thể lựa chọn các hình thức như đọc sách, kể chuyện lịch sử, chiếu phim tư liệu, thi tìm hiểu kiến thức lịch sử, sáng tác thơ văn, vẽ tranh, lễ hội hóa trang… để khắc sâu cho các em về các nhân vật khác trong giai đoạn 1858 – 1884 như Dương Bình Tâm, Nguyễn Hữu Huân, Viên Chưởng cơ ở Hà Nội, Đốc học Phạm Văn Nghị, Trương Quyền, Nguyễn Lâm, Lê Sĩ, Lê Chuẩn,…

Đặc biệt, có thể kết hợp nhiều hình thức ngoại khóa để tổ chức Dạ hội lịch sử nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia, tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em thêm yêu môn học vốn được cho là khô khan này".

Cô Đinh Thị Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ