Giáo viên mầm non phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí
Theo đó, giáo viên mầm non phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 3 mức: đạt, khá, tốt.
Tiêu chuẩn 1 (2 tiêu chí), về phẩm chất nhà giáo: Tuân thủ các quy định và rèn luyện đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.
Tiêu chuẩn 2 (6 tiêu chí), về phát triển chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non.
Tiêu chuẩn 3 (2 tiêu chí), về xây dựng môi trường giáo dục: Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường.
Tiêu chuẩn 4 (2 tiêu chí), về phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng: Tham gia tổ chức, thực hiện việc xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác với cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và cộng đồng để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em.
Tiêu chuẩn 5 (3 tiêu chí), về sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc), ứng dụng công nghệ thông tin, thể hiện khả năng nghệ thuật trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em: Sử dụng được một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc tiếng dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số, ứng dụng công nghệ thông tin, thể hiện khả năng nghệ thuật trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ mỗi năm một lần vào cuối năm học. Người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của cấp trên quản lý, cơ sở giáo dục mầm non rút ngắn chu kỳ đánh giá giáo viên.
Căn cứ thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên mầm non
Mục đích ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non nhằm:
Làm căn cứ để giáo viên mầm non tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Làm căn cứ để cơ sở giáo dục mầm non đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non, địa phương và của ngành Giáo dục.
Làm căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên mầm non; lựa chọn và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non cốt cán.
Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xây dựng phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non.