Ba yếu tố để thành công với môn Ngữ văn
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy môn Ngữ văn, cô Hoàng Thị Khánh Xuân – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Chu Văn An (tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: “Bản chất của môn Ngữ văn là môn học tích hợp với hai khâu cơ bản là: cảm thụ cái đẹp trong văn chương, trong ngôn ngữ để tạo lập cái đẹp trong văn bản nói và viết. Tức là bộ môn gồm hai hoạt động chủ yếu đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản. Hai hoạt động này đều được cụ thể hóa bằng các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp.
Theo đó, muốn đọc hiểu tốt, tạo lập được các văn bản nghị luận có giá trị học sinh cũng cần phải ghi nhớ những kiến thức cơ bản về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm, thể loại,…”.
Để việc ghi nhớ những tri thức trên nhanh chóng, thuận tiện, cô Khánh Xuân cũng gợi ý cho học trò ba phương pháp:
Thứ nhất: hệ thống hóa kiến thức bằng cách xây dựng sơ đồ tư duy.
Thứ hai: ghi nhớ kiến thức bằng hình thức đối thoại trong các nhóm học tập.
Thứ ba: Ghi nhớ kiến thức thông qua việc rèn luyện kĩ năng.
Cô Khánh Xuân cùng học sinh Trường THPT Chuyên Chu Văn An trong một giờ học. |
“Khi các em trả lời một câu hỏi đọc hiểu, viết một đoạn nghị luận xã hội hay một bài nghị luận văn học chính là lúc tái hiện lại toàn bộ hiểu biết của cá nhân về các tri thức liên quan. Cách này không chỉ giúp ghi nhớ sâu kiến thức mà còn giúp hoàn thiện kĩ năng bộ môn ở học sinh”, cô Khánh Xuân nhấn mạnh.
Trong đề thi tốt nghiệp THPT lớp 12, phần nghị luận xã hội thường đề cập đến những vấn đề tư tưởng, đạo lí gần gũi, quen thuộc, có tính thời sự, có ý nghĩa nhân văn. Theo đó, muốn lấy điểm cao phần này, cô Khánh Xuân lưu ý học sinh:
“Đoạn văn nghị luận xã hội cần giới thiệu được khía cạnh của vấn đề cần nghị luận, bàn luận đúng trọng tâm. Nêu được quan điểm cá nhân một cách rõ ràng, chân thành, nghiêm túc, nhất quán bằng các lí lẽ, dẫn chứng phù hợp.
Mở rộng vấn đề trong bối cảnh riêng, chung để bác bỏ những quan điểm sai trái đi ngược lại vấn đề nghị luận cần bàn. Tổng kết, nêu nhận thức mới, rút ra bài học nhận thức và hành động”.
Để lấy được điểm tối đa câu nghị luận văn học, cô Khánh Xuân đặc biệt lưu ý học sinh, nắm vững những kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, thể loại,… theo cách thức đã nói ở phần trên.
Tự khái quát, mô hình hóa các dạng bài nghị luận văn học thường xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp. Quan tâm đến các bước trả lời yêu cầu nâng cao (lệnh phụ) trong bài: nêu khái niệm, biểu hiện, ý nghĩa của vấn đề được hỏi.
Không gian học ngoài trường học. |
Cách để làm văn không theo lối mòn
“Đọc tác phẩm nhiều lần sau đó dùng hiểu biết của bản thân về hoàn cảnh ra đời tác phẩm, về đặc trưng thể loại, đặc điểm phong cách tác giả để tự tìm hiểu, cắt nghĩa, lí giải tác phẩm theo quan điểm cá nhân”
“Tăng cường luyện viết. Các em không nên luyện viết cả bài ngay mà nên luyện từng đoạn trong bài; nên đọc các tài liệu tham khảo để nâng cao kiến thức, kĩ năng nhưng không giở các loại tài liệu ra xem trong khi luyện viết”, cô Khánh Xuân nói.
Cách ôn tập hiệu quả
Theo cô Khánh Xuân, ôn thi cuối cấp rất áp lực do đó học sinh cần xây dựng kế hoạch ôn tập trong đó thể hiện rõ nội dung, thời gian ôn tập cho từng bộ môn để chủ động quản lí thời gian, khối lượng kiến thức, kĩ năng cần học tập, rèn luyện.
Đa dạng hóa không gian, cách thức học tập của bản thân: học trong lớp, ngoài lớp; học trong sách giáo khoa, học từ bạn bè, thầy cô, mạng internet; dành thời gian rèn luyện kĩ năng nhiều hơn là học kiến thức chay.
Dành thời gian hợp lí cho các hoạt động thể thao, giải trí để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp công việc ôn luyện đạt hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, người giáo viên phải tìm tòi, đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hướng tới tạo tâm thế thoải mái cho học sinh khi học tập bộ môn; luôn lắng nghe, trân trọng từng ý kiến phát biểu trong giờ học, từng câu văn trên trang viết của học sinh, tìm ra điểm sáng trong đó để tuyên dương, động viên các em tiếp tục suy nghĩ chủ động, tích cực.
“Những kỹ năng cần có đối với phần nghị luận xã hội: Kĩ năng thu thập, hệ thống hóa các tư liệu phục vụ việc viết đoạn nghị luận xã hội theo chủ đề; kĩ năng nhận diện, phân tích đề và tìm ý; kĩ năng viết đoạn văn NLXH”, cô Khánh Xuân chia sẻ.