Giáo viên Địa lý nói về sơ đồ tư duy

GD&TĐ - Địa lý là môn học giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản, hệ thống về Trái đất, về thiên nhiên và những hoạt động kinh tế của con người trên phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới. Một trong những phương pháp giảng dạy môn Địa lý hiệu quả là sử dụng sơ đồ tư duy. Đây cũng là cách mà thầy Nguyễn Hữu Phi – giáo viên Trường THPT Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thực hiện trong các giờ lên lớp. 

Sơ đồ tư duy đã giúp những giờ học của học sinh hứng thú và hiệu quả
Sơ đồ tư duy đã giúp những giờ học của học sinh hứng thú và hiệu quả

Dạy học bằng sơ đồ tư duy

Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Phi, giáo viên Địa lý Trường THPT Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh: Sơ đồ tư duy (SĐTD) là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập, giúp giáo viên và học sinh trong việc trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, suy nghĩ sáng tạo, tóm tắt thông tin của một bài học hay một cuốn sách, bài báo, hệ thống lại kiến thức đã học, tăng cường khả năng ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới, tạo hứng thú đối với học sinh, hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc...

Sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như vấn đáp, gợi mở, thuyết trình, hoạt động nhóm... có tính khả thi cao góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng năng lực học sinh. Việc thực hiện SĐTD giúp giáo viên và học sinh chuyển từ phương pháp học truyền thống sang học bằng SĐTD phát huy năng lực học sinh; rèn luyện cho học sinh kỹ năng thuyết trình và tự nghiên cứu một cách hiệu quả. Có thể áp dụng dạy học bằng SĐTD đối với lớp có chất lượng học sinh không đồng đều, áp dụng được cho nhiều môn học.

Sử dụng SĐTD là một gợi ý cho cách trình bày mới. GV thay vì gạch đầu dòng các ý cần trình bày lên bảng thì sử dụng SĐTD để thể hiện được 1 phần hoặc toàn bộ nội dung bài học một cách rất trực quan. Toàn bộ nội dung cần truyền đạt đến HS được thâu tóm trên SĐTD mà không bị sót ý. HS thay vì cắm cúi ghi chép thì chọn lọc các thông tin quan trọng, sơ đồ hoá chúng bằng các mối quan hệ và thể hiện lại theo cách hiểu của mình. Với SĐTD, cả GV và HS đều phải tham gia vào quá trình dạy học tích cực hơn.

Huy động tối đa tiềm năng của bộ não

Theo thầy giáo Phi: Tại các giờ học khi GV sử dụng SĐTD, giúp học sinh được nghe giảng, nhìn bản đồ, trả lời câu hỏi, đọc sách giáo khoa, ghi chép…sự tập trung chú ý được phát huy, cường độ học tập theo đó cũng được đẩy nhanh, học sinh học tập tích cực hơn. Ở một góc độ nào đó, bản chất của phương pháp động não chính là SĐTD cả về nội dung và hình thức. Phương pháp động não được sử dụng khá phổ biến trong dạy học Địa lý nhằm phát huy tính sáng tạo, tập trung cao độ và rèn luyện khả năng phản ứng nhanh nhạy của người học.

Từ thực tế những giờ lên lớp, thầy Nguyễn Hữu Phi cho rằng: Bản chất của việc dạy học theo hướng phát triển năng lực là làm cho học sinh chủ động tiếp thu, dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức. Học sinh tiếp thu kiến thức không phải chỉ thông qua kênh nghe, kênh nhìn mà còn được tham gia thực hành ngay trên lớp hoặc được vận dụng, trao đổi thể hiện suy nghĩ, chính kiến của mình.

Nếu học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động để qua đó tiếp thu kiến thức có khả năng nhớ tới 75%. Còn nếu giảng lại cho người khác có thể nhớ được 90%. Vì vậy, việc sử dụng SĐTD giúp học sinh học tập một cách tích cực, huy động tối đa tiềm năng của bộ não.

SĐTD là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở trường phổ thông. Học sinh sẽ học được phương pháp học tập, tăng tính chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng. Có thể sử dụng sơ đồ tư duy trong tất cả các khâu của quá trình lên lớp từ kiểm tra bài cũ, triển khai bài mới đến củng cố kiến thức, giao bài về nhà; từ việc thể hiện lượng kiến thức nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; từ việc học cá nhân đến học tập theo nhóm, tập thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.