Nhận xét về mã đề thi 306 môn Địa lý, cô Trần Thị Hương Giang, giáo viên dạy môn Địa lý Trường THPT Lý Nhân tỉnh Hà Nam cho biết: Đề thi hay đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh.
Đề thi trắc nghiệm môn Địa lý năm nay đảm bảo nội dung kiến thức lớp 12 theo chuẩn kiến thức kỹ năng; vừa sức đối với các thí sinh và có mức độ phân hóa cao. Vì vậy phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng.
Trong 14 câu đầu là những câu hỏi nhận biết đơn giản, học sinh nào cũng có thể làm được. Từ các câu tiếp theo độ khó của các câu hỏi tăng dần. Để đạt điểm trung bình với các thí sinh là không khó khăn. Tuy nhiên để đạt điểm khá, giỏi yêu cầu học sinh phải nắm chắc được kiến thức, biết vận dụng các khả năng phân tích, suy luận khi làm bài thi.
Đề thi cũng phát huy được năng lực của thí sinh ở các phương diện như: Đọc hiểu văn bản, đánh giá, nhận xét nội dung trong quá trình làm bài. Cách ra đề thi này rất phù hợp với việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong môn học. Kiến thức ở đề thi được phủ toàn diện trong chương trình địa lý lớp 12. Đề thi hạn chế được việc thí sinh sử dụng tài liệu khi làm bài. Minh Châu (ghi)
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh - giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng): Đề thi Địa lí có tính thực tiễn cao
Nội dung kiến thức trong đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12, với đầy đủ các nội dung lí thuyết và thực hành. Lý thuyết: Gồm các kiến thức địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí ngành kinh tế, địa lí vùng kinh tế; Về kĩ năng: gồm kĩ năng làm việc với bảng số liệu, làm việc với biểu đồ, Atlat địa lí Việt Nam.
Cấu trúc đề thi hợp lí, rất giống cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó, gồm: 7 câu địa lí tự nhiên, 3 câu địa lí dân cư, 10 câu địa lí ngành kinh tế, 10 câu địa lí vùng kinh tế, 10 câu bài tập và Atlat.
Đề thi năm nay rất hay vì vừa phân loại được trình độ năng lực của học sinh, vừa đảm bảo các mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH - CĐ. Ngoài ra, đề có tính thực tiễn cao, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức địa lí đã học để giải quyết các tình huống thực tế.
Với hình thức thi trắc nghiệm, đề thi đã cập nhật tình hình thực tế nhiều vấn đề hơn như: Ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên rừng, vấn đề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long... (khác với những năm trước đây chủ yếu về vấn đề biển đảo).
Dạng câu hỏi phong phú, đa dạng, có nhiều cách đặt vấn đề đáp ứng sự đổi mới về kiểm tra đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực học sinh.
Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ khá cao, với những học sinh lực học trung bình sẽ dễ dàng được khoảng 5 - 6 điểm (có hơn 20 câu khá dễ). Những học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, có kĩ năng làm việc với biểu đồ, bảng số liệu, Atlat khá tốt sẽ được khoảng 7 -8 điểm. Những học sinh học lực giỏi, có kĩ năng làm việc với biểu đồ, bảng số liệu, Atlat thành thạo, hiểu biết thực tế mới có thể đạt điểm 9 - 10. (Kim Thoa ghi)
Nhận định chung:
Kể từ năm 2017, môn thi Địa lí cùng với môn Lịch sử và Giáo dục công dân sẽ thuộc bài thi tổ hợp khoa học xã hội của kì thi THPT quốc gia. Đồng thời, bài thi môn Địa lí sẽ chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm với 40 câu và thời gian làm bài 50 phút. Đồng thời để tạo tâm lí thuận lợi cho các em học sinh làm bài, đề thi năm nay được sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó.
Về nội dung và phạm vi đề thi:
Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo, tiếp tục tinh thần chủ trương mà Bộ đã công bố là bám sát chương trình phổ thông lớp 12, kiến thức phủ đều các chuyên đề. Nội dung các câu hỏi đều thuộc các vấn đề quen thuộc mà các em được học trong chương trình phổ thông ví dụ như địa lí tự nhiên, địa lí kinh tế, vùng kinh tế cùng với thực hành kĩ năng địa lí.
Về độ khó và sự phân bổ kiến thức:
Do có sự điều chỉnh về nội dung và hình thức thi nên từ tháng 10-2016 đến tháng 5 – 2017, Bộ liên tục công bố các đề thi minh họa, thử nghiệm để các em học sinh có điều kiện làm quen với dạng thức thi mới. Nhìn chung, đề thi được thiết kế làm nổi bật ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm là phủ rộng kiến thức, có độ phân hóa. Sự phân bổ mức độ khó của đề cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản. Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt 4 câu cuối có độ khó hơn hẳn cụ thể là rơi vào chuyên đề địa lí vùng kinh tế, kĩ năng nhận dạng biểu đồ. Thông thường, có sự lặp lại về nội dung/dạng câu hỏi ở các câu hỏi cuối của các mã đề.
Việc Bộ GG&ĐT xây dựng ngân hàng câu hỏi để mỗi một thí sinh có 1 mã đề thi riêng và có độ trùng lặp câu hỏi không nhiều cho thấy công tác biên soạn đề thi công phu. 24 mã đề được xây dựng từ khoảng 4 đến 5 đề hoàn toàn khác biệt nên về cơ bản đề thi đảm bảo độ công bằng tương đối giữa các thí sinh. Việc này cũng góp phần hạn chế gian lận và tiêu cực, đòi hỏi học sinh phải học rộng, hạn chế học tủ, học lệch.
Mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi có tính thời sự hoặc các câu hỏi đòi hỏi khả năng vận dụng và tổng hợp kiến thức cao như câu 66 mã 319 về vấn đề xuất nhập khẩu sau Đổi mới; vấn đề biển đảo (câu 64 mã 319; câu 76 mã 301); vấn đề phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên (câu 76 mã đề 302). Tuy nhiên, các chủ đề xuất hiện trong đề thường là các chủ đề quen thuộc, không xa lạ với quá trình ôn tập của học sinh.
Nhìn chung, đề thi môn Địa lí không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo, phát huy được ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm, có độ phân hóa. (Kim Phượng tổng hợp)
Thạc sĩ Bùi Quốc Hoàn – giáo viên trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - nhận định: Đề thi Địa lí trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội khá hay, bám sát nội dung trong chương trình sách giáo khoa lớp 12.
Kiến thức đề cập trong đề thi gắn liền với những vấn đề xã hội khá thiết thực, gần gũi, mang tính thời sự và có ý nghĩa với thực tiễn đời sống hàng ngày.
Cấu trúc đề thi bám sát theo đúng đề minh họa gồm: 7 câu Địa lý tự nhiên, 3 câu Địa lý dân cư, 10 câu Địa lý ngành kinh tế, 10 câu Địa lý vùng kinh tế, 10 câu Bài tập và Atlat Địa lý.
Cho rằng đề thi thể hiện rõ 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao), thạc sĩ Bùi Quốc Hoàn nhận xét đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, có tính phân loại thí sinh cao, thích hợp để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
“Có thể nói, đề thi vừa sức với trình độ của học sinh, nếu biết vận dụng tốt Atlat, học sinh trung bình cũng có thể làm được 6 - 7 điểm” - thạc sĩ Bùi Quốc Hoàn cho hay. (Hiếu Nguyễn)
Thầy giáo Phạm Văn Hào - Giáo viên Địa lý, Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú) – nhận định: Đề có tính phân hóa học sinh, đáp ứng mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ cho thí sinh.
Những câu đầu đề thi với những em ôn tập tốt, biết kỹ năng sử dụng Atlat sẽ dễ dàng “lấy” điểm. Ở phần biểu đồ và bảng số liệu, các em phải học và hiểu vấn đề mới có thể ghi điểm. Có một vài câu cuối có tính liên hệ, sát với thực tiễn như về môi trường biển. Đề Địa lý bám sát với chương trình lớp 12 và đề minh họa của Bộ GD&ĐT về cấu trúc. Kiến thức trong các câu hỏi của đề được chọn lọc rất hay trong nội dung chương trình.
Với đề thi này đạt điểm trung bình không khó, nhưng để đạt điểm 8 là không dễ, đòi hỏi các em phải nắm chắc kiến thức, biết sắp xếp thời gian làm bài của mình. Lần đầu môn Địa lý thi trắc nghiệm tôi thấy đề như vậy là phù hợp, các em đủ thời gian làm bài, câu hỏi ngắn gọn.
(Nga Phan ghi )
Đó là nhận định của cô Lê Thị Hải Anh - giáo viên Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) : Đề thi Địa lý có tính phân hóa rất rõ
Theo cô Hải Anh, đề thi môn Địa lý có 40 câu, làm trong thời gian 50 phút; khoảng 60% câu hỏi ở mức độ kiến thức cơ bản (mức độ nhận biết và thông hiểu), 40% phân loại (vận dụng thấp, vận dụng cao).
Đề mang tính phân loại rất cao, những câu hỏi phân loại yêu cầu học sinh phải nắm rất chắc kiến thức, đồng thời có kĩ năng vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi.Với đề này, học sinh có thể đạt nhiều ở mức điểm 5 - 6.
Cụ thể: Đề có khoảng 10 câu học sinh có thể sử dụng Atlat để trả lời; trong đó có những câu dù không đề cập đến Atlat nhưng học sinh vẫn có thể dựa vào tài liệu này để trả lời được câu hỏi.
Những câu vận dụng kĩ năng Địa lý (nhận xét bảng số liệu, biều đồ) cũng không yêu cầu quá khó với học sinh. Câu nhận biết biểu đồ cũng khá đơn giản, vì đây là những kĩ năng học sinh đã được rèn luyện trong suốt nhiều năm học phổ thông.
Có một số câu hỏi trong đề yêu cầu học sinh phải cập nhật tình hình thực tế thì mới chọn được đúng đáp án. Có những câu có đáp án nhiễu để học sinh phải tư duy để trả lời.
Nhìn chung, đề thi Địa lý năm nay đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa để thí sinh dùng xét tuyển ĐH, CĐ. (Hiếu Nguyễn ghi)