TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): Giải pháp phải trên cơ sở thống nhất và quyết tâm
Thách thức số 1 với dạy học trực tuyến là vấn đề nhận thức. Theo đó, vẫn còn những tư duy áp đặt, lấy tiêu chí, nhìn nhận của cách dạy trước đây để so chiếu hay đánh giá cho dạy học trực tuyến.
Còn tư duy đơn giản hóa dạy học trực tuyến; còn tư duy “thả nổi”, “dàn hàng ngang” hoặc “nghe ngóng chờ đợi”… Đây là vấn đề rất lớn, cần giải quyết đồng bộ, có tác động mạnh đến các phương án triển khai tiếp theo. Chỉ có thể trên cơ sở thống nhất và quyết tâm mới đưa ra được các giải pháp căn cơ.
Chắc chắn dù Covid-19 có đi qua, chúng ta cũng không thể quay trở về trạng thái từ nhiều năm trước đây. Giáo dục, dạy học, tâm thế của giáo viên, HS, xã hội chắc chắn sẽ chuyển sang một biểu hiện mới, trạng thái mới. Do đó, cần phải xác định dạy học trực tuyến sẽ có một chỗ đứng nhất định trong “nhận thức giáo dục” của chúng ta, dần dần trở thành một hình thái giáo dục chạy song hành với phương thức giáo dục truyền thống, khi hội tụ đủ các điều kiện.
Trong tiến trình này sẽ không có sự “cùng nhau bước đi” mà có các nhân tố mới xuất hiện. Không phân biệt và không có sự ưu ái nào cho khái niệm “giàu truyền thống học tập” hay giàu nghèo theo cách hiểu thông thường của kinh tế học giáo dục. Sự quyết tâm, ý chí và chủ động thực hiện sẽ là yếu tố then chốt cho quá trình triển khai hình thái dạy học trực tuyến được thành công. Thực tế đã chứng minh, nhiều điểm sáng về chuyển đổi số trong dạy học, thực hiện dạy học trực tuyến lại không phải là những nơi có điều kiện, phương tiện đầy đủ hay đội ngũ đã từng được đào tạo bài bản!
Nói cụ thể về giải pháp, tôi cho rằng dạy học trực tuyến cần thực hiện một cách hệ thống, bài bản, đồng bộ và khả thi với từng điều kiện bối cảnh của nhà trường, địa phương; trao quyền chủ động trong lập kế hoạch chương trình năm học cho từng nhà trường, miễn bảo đảm đúng hướng, đúng yêu cầu của chất lượng, và kết quả đầu ra.
Cùng một lúc sẽ phải thực hiện song song 2 chiến lược: Giải quyết, xử lí tình huống trước mắt và kế hoạch thực hiện lâu dài ở cấp nhà trường, cấp địa phương và Bộ. Huy động sức mạnh tổng lực của các hệ thống chính trị, lực lượng xã hội cùng tham gia, kiên định với những chiến lược giáo dục trên cơ sở ứng phó linh hoạt. Ví dụ: Linh hoạt trong xây dựng kế hoạch học kì (Tại sao lại không tư duy theo kiểu “học kì số”: Chia thành các giai đoạn khác nhau, có giai đoạn buộc phải trực tuyến toàn phần, đến lúc giãn dịch sẽ bố trí đi học tăng cường, bù đắp, hỗ trợ các phần thiếu hụt sau…?).
Cùng với đó, tận dụng tối đa các giải pháp công nghệ hỗ trợ: Tivi phát 2 - 3 lần ngày ở địa phương; đài phát thanh địa phương, xã… phát các chương trình hỗ trợ dạy học; kênh truyền thông xã hội: YouTube, Facebook, Zalo… Ban hành ngay các chính sách hỗ trợ giáo dục khẩn cấp: Viễn thông miễn cước, thẻ 3G, 4G cho giáo viên, HS; thiết bị giá rẻ, màn hình giá rẻ, mua trả góp; đóng góp vận động tình nguyện…
TS Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Huy động sức mạnh tổng lực
Bên cạnh phương thức dạy học trực tiếp, phương thức dạy học trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong phương pháp dạy học hiện đại. Ngày nay, người học có thể tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào.
Ngoài những thuận lợi cùng ưu điểm, học trực tuyến không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Trong đó, có thách thức từ khả năng thích ứng của người học; vấn đề liên quan đến thiết bị, phần mềm; sự cố có thể xảy ra trong quá trình học; thói quen thời khóa biểu; sự mất tập trung. Với người dạy, thách thức khi dạy học trực tuyến ở đổi mới phương pháp giảng dạy; số hóa các nội dung dạy học; triển khai phần học thực hành và trải nghiệm thực tế; triển khai kiểm tra, đánh giá…
Để học trực tuyến, người học cần trang bị cho mình máy tính có kết nối Internet thông qua đường truyền hữu tuyến hoặc vô tuyến và cài đặt các phần mềm phục vụ quá trình học. Do đó, các khóa học không nên yêu cầu cao cấu hình phần cứng và các phần mềm phức tạp. Bên cạnh đó, theo cách học trực tiếp, người học đến lớp theo thời khóa biểu nên hình thành thói quen sinh học (đi học, đến trường...).
Trong khi học trực tuyến, ít có các hoạt động hình thành thói quen nên người học thường bỏ sót các giờ học. Bởi vậy, hệ thống đào tạo trực tuyến cần có công cụ tiện ích hoạt động tích hợp với điện thoại để nhắc lịch học và hoạt động khác cho HSSV. Ngoài ra, với học trực tiếp, HSSV được học trong không gian học thuật, có sự quản lý của giáo viên, giảng viên. Nhưng khi học trực tuyến, HSSV học trong không gian sinh hoạt của gia đình và có nhiểu yếu tố ảnh hưởng quá trình học. Vì vậy, người học cần có góc học tập, sử dụng tai nghe, có ý thức học tập nghiêm túc và được sự giám sát của giảng viên thông qua camera hoặc phần mềm theo dõi.
Với giáo viên, giảng viên phải thay đổi cách dạy, nội dung bài giảng và khả năng giao tiếp trước màn hình máy tính, làm sao vừa thu hút được sự chú ý của người học, vừa làm cho bài giảng sinh động. Muốn vậy, giáo viên, giảng viên cần tập trung đầu tư thời gian, trí tuệ tìm hiểu sử dụng các phần mềm để xây dựng bài giảng đẹp, nhiều hoạt động tương tác, phim minh họa và bài tập ứng dụng điển hình.
Nhà trường cần tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ cho thầy cô để xây dựng bài giảng số, học liệu số, số hóa các tài nguyên hiện có đưa lên Hệ thống đào tạo trực tuyến. Riêng với trường ĐH, triển khai học phần thực hành là thách thức lớn đối với dạy học trực tuyến. Nhà trường xây dựng các phòng thực hành ảo tích hợp vào hệ thống đào tạo trực tuyến. Giảng viên sử dụng phần mềm mô phỏng để tái tạo các tình huống thực tế cho sinh viên thực hành và thử nghiệm. Đồng thời, giảng viên tạo tài liệu, video hướng dẫn thực hành để sinh viên có thể tự làm và trải nghiệm.
Có thể nói, dạy học trực tuyến còn có nhiều khó khăn, thách thức. Để vượt qua cần sự quan tâm, đầu tư đồng bộ từ các cấp lãnh đạo, ngành Giáo dục, nhà trường, giảng viên và sinh viên, gia đình, cùng với sự giúp đỡ của doanh nghiệp và các nhà mạng lớn viễn thông.